Ghi nhận từ báo cáo mới của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đang lên kế hoạch khởi động lại 2 lò cao, bao gồm 1 lò cao ở Hòa Phát Dung Quất và 1 lò cao ở Hòa Phát Hải Dương trước ngày 20/5 và vận hành đủ 7 lò cao hiện tại vào cuối tháng 5.
Hoà Phát tự tin bán được hàng thì mới mở lại sản xuất
Lãnh đạo Hòa Phát cho biết, Công ty tự tin bán được hàng thì mới mở lại sản xuất. Nhận định ngành thép đã đi qua vùng khó khăn nhất, từ ngày 27/12/2022, Hòa Phát đã bắt đầu khởi động lại một lò cao ở Hải Dương và nâng công suất thép thanh thêm 700.000 tấn/năm. Được biết, lò cao này mất 7 ngày để bắt đầu sản xuất phôi.
Theo Hòa Phát, chi phí để khởi động lại lò cao sau khi tạm dừng hoạt động là khoảng 30-40 tỷ đồng/lò. Tuy vậy, doanh nghiệp trước đó không đóng hoàn toàn các lò cao, mà duy trì ở mức nhiệt độ thấp nhất có thể . Nhờ vậy, quá trình khởi động lại lò cao lần này sẽ được rút ngắn.
Hòa Phát đang có tổng cộng 7 lò cao luyện thép, gồm 4 lò ở Dung Quất và 3 lò ở Hải Dương. Ngoài ra, Hòa Phát còn một lò điện tại Hưng Yên để sản xuất thép từ phế liệu, công suất 400.000 tấn thép/năm.
Tới thời điểm hiện tại, Hòa Phát đã vận hành trở lại 5/7 lò cao. Do đó, sản lượng sản xuất của công ty ghi nhận mức thấp trong tháng 4/2023 với 525.000 tấn thép thô, giảm 29% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng năm 2023, doanh nghiệp này đã sản xuất gần 1,8 triệu tấn thép thô, giảm 39% so với cùng kỳ 2022. Sản lượng bán hàng phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao, HRC đạt hơn 1,8 triệu tấn, giảm 34% so với 4 tháng đầu năm 2022.
Quan điểm VCBS cũng nhấn mạnh kế hoạch mở lại lò cao của doanh nghiệp đầu ngành thép này sẽ khá thách thức trong bối cảnh nhu cầu còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Hoà Phát được biết đến là đơn vị dẫn đầu thị phần thép xây dựng và ống thép. Tuy nhiên, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát khẳng định từ nay trở đi, Hòa Phát sẽ chuyển rất mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, nhường sân chơi cho những doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng cơ bản.
Đề xuất đầu tư 4 dự án, tổng vốn khoảng 120.000 tỷ vào Phú Yên
Mới đây, đại diện Hòa Phát còn gây chú ý khi đề xuất đầu tư 4 dự án tại KKT Nam Phú Yên, bao gồm dự án hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm, cảng Bãi Gốc, khu thương mại – dịch vụ, dự án khu liên hợp gang thép Hòa Phát.
Theo nhà đầu tư, tổng vốn 4 dự án trên khoảng 120.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng nhà máy thép khi đưa vào hoạt động có nhu cầu sử dụng lao động khoảng 12.000 người. Doanh nghiệp cam kết sử dụng 80 – 90% lao động địa phương.
Đại diện Hòa Phát cam kết và thể hiện quyết tâm đầu tư dự án tại Phú Yên. Trong đó, 50% vốn đầu tư cho các dự án đầu tư tại Phú Yên là vốn đơn vị tự có, 50% vốn còn lại từ các tổ chức tài chính.
Bày tỏ về động thái này, VCSC cho rằng Hoà Phát đã và đang tích cực tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới sau quá trình phát triển khu liên hợp gang thép Dung Quất 2. Công ty đã và đang khảo sát các cơ hội trong lĩnh vực bất động sản dân dụng & Khu công nghiệp cũng như các dự án công nghiệp khác như xây dựng các nhà máy thép mới và sản xuất thiết bị gia dụng.
“Chúng tôi cho rằng khoản đầu tư tiềm năng vào tỉnh Phú Yên tương tự như khoản đầu tư vào khu kinh tế Dung Quất, bao gồm xây dựng một KCN hoàn chỉnh bao quanh nhà máy thép với các cơ sở vật chất như cảng và khu thương mại. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các dự án này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi ”, quan điểm VCSC ghi.
Sau loạt thông tin tích cực trên, HPG đã có phiên giao dịch với thanh khoản đột biến trở lại trong phiên 12/5/2023. Hiện, cổ phiếu HPG dừng tại mức 22.350 đồng/cp với hơn 45 triệu cổ phiếu được giao dịch trong phiên.