Tiến sĩ Kang Lee, giám đốc Viện Nghiên cứu Trẻ em của Đại học Toronto cho biết: “Cha mẹ không nên hoảng sợ nếu thấy con nói dối. Hầu như trẻ em đều nói dối. Đó là một dấu hiệu cho thấy bé đã đạt đến một mốc phát triển mới. Những bé nhận thức tốt hơn sẽ biết nói dối”.
Các nhà tâm lý học của Đại học Sheffield (Anh) đã làm thí nghiệm trên 135 trẻ và rút ra kết luận rằng những đứa trẻ nói dối bộc lộ nhiều kỹ năng hơn những đứa trẻ thật thà. Đó là vì nói dối đòi hỏi phải suy nghĩ và hồi tưởng, vì vậy một đứa trẻ khi nói dối sẽ phải động não để câu chuyện mạch lạc và logic.
Trong thí nghiệm, những đứa trẻ từ 6 đến 7 tuổi được phép xem đáp án trong trò chơi đố vui. Những đứa trẻ đã xem nhưng nói dối là chưa được chứng minh là có trí nhớ tốt hơn.
Trẻ có xu hướng nói dối khi biết mình sắp bị phạt. “Dù các bậc cha mẹ thường chẳng tự hào gì khi con mình nói dối, nhưng họ có thể sẽ hài lòng một chút nếu biết rằng khả năng nói dối chứng tỏ trẻ tư duy tốt và có trí nhớ lâu”, tờ Telegraph dẫn lời tiến sĩ Elena Hoicka thuộc khoa Tâm lý học của Đại học Sheffield cho biết.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên nói về lợi ích của việc nói dối. Đầu năm ngoái, một nghiên cứu ở Canada chỉ ra rằng nói dối một cách thuyết phục là một kỹ năng mà trẻ cần phải biết để nắm được suy nghĩ và cảm nhận của người khác.
Ứng xử ra sao khi con nói dối?
Bản chất việc nói dối ở trẻ nhỏ không xấu, nếu xét về phương diện phát triển nhận thức của con. Tuy nhiên việc con nói dối nhiều và bố mẹ không kiểm soát được sự thật, thì sẽ có nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Bởi vì bản thân con vẫn là một đứa trẻ, chưa hiểu biết hết tất cả các khái niệm về an toàn, nguy hiểm, rủi ro, hay nguy cơ bị xâm hại. Nếu hành vi nói dối diễn ra quá nhiều, quá lâu và quá thường xuyên, nó sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhận thức và hành vi đạo đức của con khi lớn lên.
Nhà tâm lý học Adler cho rằng, mọi hành vi của con người đều có mục đích và trẻ em nói dối cũng như vậy. Vì vậy cha mẹ cần nhận ra mục đích, nhu cầu của trẻ và giúp chúng đạt được dựa trên thực tế thay vì gán cho con cái mác nói dối.
Con thường nói dối vì sợ phải chịu trách nhiệm cho một hành động nào đó của mình. Bố mẹ hãy trấn an con và cho con một cơ hội để giải quyết hậu quả cho những hành động của mình trong sự hòa bình, không quát mắng hay trừng phạt. Lúc này sự tinh tế của bố mẹ sẽ giúp giải quyết tốt hơn là những câu gặng hỏi đe nẹt. Con cũng có quyền được mắc lỗi và con cần học cách rút kinh nghiệm, cùng bố mẹ dọn dẹp sau khi mắc lỗi.
Hãy cứ từ từ nói chuyện với con, sử dụng những thông tin của mình để tìm ra vấn đề mà con gặp phải hay che giấu. Nói với con rằng bố mẹ luôn lắng nghe và tha thứ cho mọi lỗi lầm của con, nhưng đừng bao giờ nói dối. Chỉ khi cảm nhận được sự tin tưởng và cảm thông từ bố mẹ, con mới có thể thành thật.
Chính bố mẹ và người lớn trong nhà phải thể hiện bản thân luôn nói thật trước mặt con. Hãy chủ động nhận lỗi khi mình mắc sai lầm (làm đổ nước, làm vỡ ly chén,..) để con biết rằng ai cũng mắc lỗi, và phải biết rút kinh nghiệm.
Đối với trẻ từ khoảng 4 tuổi trở lên, bố mẹ có thể yêu cầu con HỨA sẽ luôn luôn nói thật với bố mẹ. Và bố mẹ có thể đọc những câu chuyện đề cao sự thành thật.
Nuôi dạy một đứa trẻ trung thực không hề đơn giản nhưng cũng không phải quá khó khăn. Chỉ cần bố mẹ trung thực thì các con sẽ hiểu được giá trị của sự trung thực và cư xử thành thật trong suốt cuộc đời mình.
Nguồn tin: https://cafef.vn/mot-hanh-dong-cho-thay-tre-cuc-thong-minh-nhung-cha-me-kien-quyet-ngan-cam-dinh-huong-dung-tuong-lai-con-rat-xan-lan-188240601133952052.chn