Khu chợ Thủ Đức được ví như “lòng chảo” khiến nước từ nhiều nơi liên tục dồn về khi mưa lớn, không thoát kịp gây ngập nặng, theo đại diện TP Thủ Đức.
Ý kiến được ông Lưu Trọng Nghĩa, Trưởng phòng Giao thông công chính TP Thủ Đức, đưa ra khi nói về tình hình ngập tại khu vực chợ Thủ Đức, trong buổi tọa đàm thực trạng và giải pháp chống ngập cho địa phương này, ngày 31/5.
Chợ Thủ Đức là nơi kết nối nhiều đường như Võ Văn Ngân, Dương Văn Cam, Tô ngọc Vân, Kha Vạn Cân… Khu vực này bị ngập sâu trong hai trận mưa lớn đầu mùa hôm 15 và 20/5. Nước từ nhiều nơi khác liên tục dồn về làm bung nhiều nắp cống xung quanh khu chợ, nứt đường, giao thông rối loạn, ảnh hưởng sinh hoạt, buôn bán của người dân.
Theo ông Nghĩa, chợ Thủ Đức thuộc vùng chuyển tiếp từ gò đồi Đông Bắc (giáp Bình Dương) về hướng Tây Nam ven sông Sài Gòn, cao độ địa hình biến thiên từ 30 m xuống tới 0,5 m. Khu vực chợ trũng so với xung quanh, như một lòng chảo, đón nhận nước từ các nơi khác với lưu vực rộng khoảng 430 ha. Đây cũng là lý do khiến dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân mới hoàn thành nhưng chưa thể khắc phục hết tình trạng ngập ở khu vực. Lý do công trình này chỉ giải quyết cục bộ cho lưu vực rộng 87 ha, đáp ứng khoảng 20%.
Trong khi đó, ông Nghĩa cho biết các dự án thoát nước khác xung quanh chợ Thủ Đức gồm các tuyến Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư chưa được triển khai, dẫn đến tình trạng ngập ở khu vực trên vẫn tái diễn khi mưa lớn.
PGS.TS Lê Song Giang, Đại học Bách Khoa TP HCM, cũng nhận xét khu chợ Thủ Đức như nằm “dưới chân đồi”, nên là điểm tiếp nhận nước từ các khu vực xung quanh. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu xét theo địa hình tự nhiên, đây chưa phải nơi trũng nhất mà các quy hoạch trước đây đã gây ra sự bất lợi này. Trong đó, các tuyến giao thông lớn cùng hệ thống cống đều dẫn về khu chợ trong khi hướng thoát nước về phía hạ lưu rạch Cầu Ngang, Thủ Đức lại chưa đồng bộ. Cùng với việc bêtông hoá nhanh làm giảm khả năng thấm, nước dồn xuống cống gây quá tải hoặc tràn trên mặt đường tạo ra dòng chảy xiết.
Theo PGS Giang, để giải quyết tình trạng trên, trước mắt TP Thủ Đức cần tính phương án giảm nước dồn đến khu chợ thông qua tăng diện tích thấm, hồ điều tiết, hoặc tách dòng chảy qua các lưu khu khác. Đồng thời, quanh khu chợ Thủ Đức cũng cần nghiên cứu nâng cao độ nền, mở rộng rạch cầu Ngang, Thủ Đức và thêm các hướng tiêu thoát mới.
Tại tọa đàm, một số chuyên gia cũng cho rằng hướng thoát nước chính ở khu vực trên đổ ra rạch Cầu Ngang, rồi dẫn ra rạch Thủ Đức, nhưng các tuyến này đã quá tải trầm trọng. Trong đó, rạch cầu Ngang hiện rộng khoảng 5 m, “thắt cổ chai”, rạch Thủ Đức lại bị bồi lắng, rác làm thu hẹp dòng chảy nên khi lượng nước lớn dồn về không đủ khả năng tiêu thoát. Vì vậy, giải pháp trước mắt là TP Thủ Đức cần giải pháp khơi thông các hướng này.
PGS.TS Châu Nguyễn Xuân Quang, Viện phó Môi trường và Tài Nguyên, Đại học Quốc gia TP HCM, cho rằng hệ thống thoát nước ở thành phố những năm qua thực hiện theo quy hoạch cũ, hiện không còn phù hợp. Địa bàn Thủ Đức cần cập nhật số liệu và có nghiên cứu tổng thể hệ thống thoát nước để đáp ứng tình hình mới. Đây sẽ là cơ sở để đưa ra các kịch bản, giải pháp triển khai phù hợp.
Phó chủ tịch UBND TP Thủ Đức Mai Hữu Quyết cho biết địa hình ở địa bàn nhiều nơi rất cao, nhưng nhiều khu vực lại trũng thấp, độ dốc lớn, nhất là khu vực chợ Thủ Đức. Trong khi đó, mạng lưới thoát nước chưa được đầu tư, hoặc xây dựng từ lâu đã xuống cấp. Tại khu vực này, trước mắt địa phương thực hiện duy tu, nạo vét hệ thống cống trên các tuyến đường xung quanh và khu vực rạch Cầu Ngang nhằm tăng khả năng tiêu thoát.
Về giải pháp lâu dài, TP Thủ Đức sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nước xung quanh chợ gồm Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân, Hồ Văn Tư, tổng kinh phí khoảng 70 tỷ đồng. Ngoài ra, địa phương sẽ xây mới cống rạch Cầu Ngang, tổng vốn dự kiến khoảng 27 tỷ đồng nhằm tăng khả năng thoát nước từ thượng lưu qua nơi này.
Tuy nhiên, lãnh đạo TP Thủ Đức cho biết giải pháp căn cơ nhất là dự án xây kè, cải tạo rạch Thủ Đức kết hợp trạm bơm rạch Thủ Đức với tổng kinh phí hơn 4.400 tỷ đồng. Do mức đầu tư lớn nên địa phương sẽ tham mưu, đề xuất TP HCM sớm triển khai.
“Ngoài khu vực trên, trong định hướng lâu dài chống ngập cho toàn địa bàn, Thủ Đức sẽ nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về lĩnh vực để làm cơ sở triển khai”, ông Quyết nói.
TP Thủ Đức rộng khoảng 211 km2 với hơn một triệu dân, được thành lập đầu năm 2021, trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9 và Thủ Đức cũ. Hiện, ngoài khu vực chợ Thủ Đức, tại địa phương này còn nhiều điểm ngập cũng đã tồn tại từ lâu, như khu Thảo Điền với các tuyến: Quốc Hương, đường số 65, Tống Hữu Định, Trần Ngọc Diện. Khu vực phường Hiệp Phú – Tăng Nhơn Phú A cũng có các điểm ngập ở đường Lê Văn Việt, đường Lã Xuân Oai.
Gia Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cho-thu-duc-nhu-long-chao-la-nguyen-nhan-gay-ngap-4752819.html