Ngày 11/5/2023, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023 vào 18/5 tới đây, với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng – động lực thúc đẩy chuyển đổi số”.
ỨNG PHÓ VỚI TỘI PHẠM MẠNG TINH VI
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho biết Ngân hàng Nhà nước đã và đang thúc đẩy hoàn thiện hành lang pháp lý để chuyển đổi số an toàn, hiệu quả.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nứơc đã hoàn tất việc sửa đổi, bổ sung thêm hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử và sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Chính phủ dự thảo 2 nghị định, trong đó có nghị định ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các hoạt động fintech trong lĩnh vực ngân hàng.
Cũng trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với C06, Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia và tiếp tục mở rộng kho dữ liệu này lên mức trên 26 triệu hồ sơ .
Về phía các tổ chức tín dụng, năm 2022 một số đơn vị như Vietcombank, BIDV, VietinBank… đã phối hợp với C06 (Bộ Công an) hoàn thành triển khai thử nghiệm giải pháp ứng dụng xác thực qua thẻ căn cước công dân gắn chíp trong một số nghiệp vụ như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch; xác thực, định danh khách hàng giao dịch tại ATM,…
Đề cập đến những thách thức trong quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết đó là xu hướng gia tăng tội phạm trên không gian mạng.
“Luật dù chặt đến mấy, nghị định thông tư chi tiết đến mấy thì cũng có kẽ hở để tội phạm lách. Ví dụ, pháp luật hình sự của ta nghiêm cấm chiếm đoạt, sử dụng trái phép tài khoản ngân hàng của người khác. Nhưng hình thức cho thuê, cho mượn tài khoản thì chỉ xử lý hành chính thôi, không thể xử lý hình sự được. Đây là điểm rất khó. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp nhận rất nhiều văn bản của cơ quan công an các tỉnh/thành điều tra về các vụ án có liên quan đến cho mượn, cho thuê tài khoản”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, hiện nay nhận thức về pháp luật, nhất là liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân hàng của người dân nước ta còn hạn chế.
“Hiện nay, căn cước công dân của người dân khu vực miền núi được các đối tượng tội phạm thuê/mượn để sử dụng mở tài khoản rất nhiều. Các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm trong việc mở các tài khoản thanh toán. không thể vô trách nhiệm, chỉ việc mở, chỉ việc thu lợi, chỉ việc phát triển mạng lươí của mình để rồi tất cả những hậu quả, rủi ro, cơ quan quản lý lại phải đứng ra xử lý”.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước.
“Nhiều người rất chủ quan, nhất là ở các khu vực vùng sâu vùng xa, cứ nghĩ cho mượn/cho thuê tài khoản không vấn đề gì cả. Họ cho thuê/mượn tài khoản chỉ được 300 ngàn hay 500 ngàn thôi. Hiện nay, căn cước công dân của người dân khu vực miền núi được các đối tượng tội phạm thuê/mượn để sử dụng mở tài khoản rất nhiều. Chuyển đổi số nghĩa là không còn giới hạn thời gian, không giới hạn không gian, không giới hạn bất cứ một cái gì..Tội phạm có thể ngồi ở nước ngoài, ở bất kỳ đâu để thực hiện hành vi phạm tội trên không gian mạng. Do đó, sẽ luôn có cuộc rượt đuổi giữa cơ quan quản lý, cơ quan phòng chống tội phạm với đối tượng tội phạm công nghệ cao…Giống như khi diệt virus, không có phần mềm diệt virus nào xử lý được tất cả các loại phương thức, thủ đoạn, phát sinh…mà luôn phải cập nhật. Đây là thách thức rất lớn…”, ông Phạm Anh Tuấn cho biết.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định rằng nói khó không có nghĩa không làm. Thay vào đó, cần hiểu đầy đủ bức tranh tổng thể để đưa ra đề xuất. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong năm 2023 hoàn thiện các nghị định/thông tư liên quan đến chuyển đổi số sẽ sớm được ban hành để tăng cường quản trị rủi ro.
Cũng tại họp báo, Vụ trưởng Vụ Thanh toán đề nghị các tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm trong việc mở các tài khoản thanh toán.
Trong 3 tháng đầu năm, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,51% về số lượng so với cùng kỳ năm 2022. Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 8,55%.
Cũng theo ông, tổ chức tín dụng không thể chỉ việc mở, chỉ việc thu lợi, chỉ việc phát triển mạng lươí của mình để rồi tất cả những hậu quả, rủi ro, cơ quan quản lý lại phải đứng ra xử lý. Hiện tại Cục A05 (Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao – PV) đang điều tra một số vụ án ở một vài ngân hàng rất nổi tiếng liên quan đến cho mượn/cho thuê tài khoản. Bởi vậy, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa đổi văn bản pháp luật, bổ sung quy định về trách nhiệm của các ngân hàng trong việc mở tài khoản thanh toán.
Bên cạnh đó, còn tồn tại những khó khăn khác như sự phối hợp giữa các bộ/ngành trong tích hợp khai thác thông tin, chia sẻ thông tin giữa các đơn vị với nhau
Hiện, Chính phủ đã xây dựng cổng dịch vụ công rồi nhưng mới chỉ là khởi đầu. Cần phải có cơ chế để các bộ, ngành chia sẻ, trao đổi, khai thác thông tin của nhau một cách thuận lợi.
Ví dụ, làm sao đó để ngành ngân hàng có thể khai thác cơ sở dữ liệu về quyền sử dụng đất, về các giấy chứng nhận của bộ tài nguyên môi trường…, từ đó, giúp các ngân hàng thẩm định, đánh giá tài sản đảm bảo, khoản vay chặt chẽ hơn rất nhiều.
Ngoài ra, chuyển đổi số cần nguồn lực lớn, bao gồm cả tài chính, công nghệ, nhân lực. Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, không thể chuyển đổi số thành công bằng các nghị quyết, kế hoạch. Phải có tài chính, phải có nhân lực chất lượng cao, không phải ngân hàng nào cũng có đủ tiềm lực tài chính cho chuyển đổi số.
GIAO DỊCH THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TĂNG HƠN 53% TRONG 3 THÁNG ĐẦU NĂM
Theo công bố của Bộ Thông tin truyền thông, năm 2021 Ngân hàng Nhà nước được xếp hạng nhất về an toàn thông tin mạng, thứ 2 về kiến tạo thể chế và thứ 4 về hoạt động chuyển đổi số. Có tới 95% tổ chức tín dụng đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình.
Nhiều tổ chức tín dụng đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số. Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong 3 tháng đầu năm 2023, các chỉ số thanh toán không dùng tiền mặt tăng cao về số lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,51% về số lượng, trong đó qua kênh internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 65,55% và 13,31%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 160,71% và 43,84%; qua POS tăng tương ứng 37,57% và 32,09%.
Trong khi đó, giao dịch qua ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng ( tăng 8,55% về giá trị; qua hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và 18,55% về giá trị.
Theo lãnh đạo Vụ Thanh toán, thời gian tới cơ quan này sẽ tập trung đảm bảo hệ thống thanh toán của quốc gia an toàn, thông suốt. Không chỉ hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng mà cả hệ thống thanh toán bán lẻ đang được vận hành thông qua Napas…
Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Anh Tuấn thông tin Napas đã chuẩn bị hạ tầng đáp ứng 8,4 tỷ giao dịch trong năm 2023, tăng trưởng gần như gấp đôi so với năm trước.