Tình trạng báo động ở Trung Quốc
Vào 11h30 trưa mỗi ngày làm việc, nhà ăn công ty nơi Mã Lâm Lâm làm việc sẽ giao bữa trưa đến từng tầng đúng giờ, tuy nhiên cô phát hiện mỗi ngày vẫn có một lượng lớn cơm hộp bị vứt bỏ, thậm chí có những hộp còn nguyên vẹn.
“Công ty phát cơm trưa miễn phí tùy theo số lượng nhân viên mỗi ngày nhưng nhiều người vẫn ra ngoài ăn. Phần cơm hộp dư thừa sẽ được một số đồng nghiệp mang về hoặc bị vứt bỏ“, cô nói, khoảng 1/10 bữa trưa của công ty sẽ không có người nhận.
Chu Nam, làm việc trong một doanh nghiệp nhà nước ở Bắc Kinh, nói với Chinanews rằng công ty của cô có hai căng tin và mỗi căng tin phục vụ hàng trăm nhân viên.
Mỗi bữa trưa, tại khu vực thu gom rác, thức ăn thừa có thể chất đầy hai thùng lớn, nặng ít nhất hàng chục kg.
Tại các nhà hàng, quán ăn, tình trạng lãng phí thực phẩm còn nghiêm trọng hơn.
“Khách hàng thường gọi nhiều món nhưng đa phần sẽ không ăn hết. Phần lớn thức ăn thừa là rau xanh, các món chính và rất nhiều món điểm tâm, nhiều món trong số đó chỉ mới được cắn miếng“, một nhân viên phục vụ tại Bắc Kinh chia sẻ.
Vào năm 2018, Phòng Nghiên cứu Khoa học Địa lý và Tài nguyên Thiên nhiên thuộc Viện Khoa học Trung Quốc và Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Thế giới cùng phát hành Báo cáo về Lãng phí Thực phẩm trong Dịch vụ ăn uống ở các thành phố của Trung Quốc.
Theo báo cáo, ước tính sơ bộ, năm 2015, lượng thức ăn bị lãng phí trên bàn ăn chỉ riêng ở các thành phố của Trung Quốc là từ 17 triệu đến 18 triệu tấn,tương đương mức lương thực có thể nuôi sống 30 triệu đến 50 triệu người/năm.
Trung Quốc thúc đẩy nhiều chính sách cải thiện
Thực tế, từ năm 2013, phong trào “vét sạch đĩa” đã được phát động trên cả nước. Tuy nhiên, Báo cáo về Lãng phí Thực phẩm trong Dịch vụ ăn uống ở các thành phố của Trung Quốc cho thấy mức lãng phí thực phẩm bình quân đầu người của Trung Quốc là 93 gr/gười/bữa, đạt tỷ lệ lãng phí là 11,7%, trong đó, lãng phí thực phẩm trong các buổi tiệc lớn lên tới 38%.
Theo Chinanews, điều này liên quan đến nhiều yếu tố như quan niệm tiêu dùng, thói quen sinh hoạt và quản lý kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Nhiều nhân viên phục vụ nhà hàng cho biết, họ thường nhắc nhở khách hàng về lượng món chứ không có quyền ép buộc. Hầu hết các nhóm sẽ gọi thêm một hoặc hai món, đặc biệt với một số bữa tiệc đặt riêng, chủ bữa tiệc thường gọi thêm món để lấy “thể diện”.
Và trong một số nhà ăn công ty, lãng phí thực phẩm đôi khi còn báo động hơn.
Mã Lâm Lâm cho biết vì không thể điều chỉnh theo khẩu vị của tất cả nhân viên nên căng tin thường chế biến hai món chính trong một suất ăn để đáp ứng khẩu vị của mọi người. Tuy nhiên, động thái này dẫn đến việc suất ăn quá lớn khiến nhân viên ăn không hết.
“Bây giờ bữa trưa của công ty đều miễn phí, mọi người cũng không coi trọng đồ ăn, họ vứt mà không thấy tiếc“, cô Mã nói.
Trên thực tế, liên quan đến lãng phí thực phẩm, các văn bản và chính sách liên quan đã được ban hành ở cấp quốc gia và địa phương.
Gần đây, đề xuất về “hình thức gọi món N-1” đã làm dấy lên sự quan tâm rộng rãi của dư luận Trung Quốc.
“N” là số người dùng bữa và “-1” có nghĩa gọi ít hơn một món ăn dựa theo đầu người. Mô hình này được kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm ở nước này.
Các doanh nghiệp kinh doanh dịch phụ ăn uống lớn ủng hộ việc cung cấp “khẩu phần một nửa” và “khẩu phần nhỏ”.
Ví dụ, để tạo điều kiện cho các nhóm người tiêu dùng đa dạng hơn, doanh nghiệp Toàn Tụ Đức đã tung ra các gói “vịt quay cho một người” và “vịt quay cho hai người”. Hay trên các nền tảng giao đồ ăn, các doanh nghiệp cũng tung ra thị trường những suất ăn nhỏ với trọng lượng khoảng 100-250 gram và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Trước tình trạng lãng phí đáng báo động, ngày 10/4 vừa qua, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã công bố Dự thảo lấy ý kiến về ngăn ngừa và Giảm thiểu Lãng phí Thực phẩm, đề xuất một loạt biện pháp từ các khía cạnh để thúc đẩy việc thực hiện công tác chống lãng phí thực phẩm.