Người lao động có thể chọn nộp khoản bị doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH để đủ điều kiện xác nhận hưởng hưu trí, theo dự thảo Luật BHXH.
Trong dự thảo trình Quốc hội ngày 27/5, ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra đề xuất bổ sung cơ chế bảo vệ lao động trong trường hợp người sử dụng không còn khả năng đóng như phá sản, giải thể, bỏ trốn. Cơ quan BHXH sẽ tạm thời xác nhận thời gian đã đóng nếu lao động có yêu cầu để làm căn cứ hưởng các chế độ “đóng đến đâu tính đến đó”. Khi chủ sử dụng đóng bù thì lao động sẽ được xác nhận, cộng thời gian này vào để tính lại.
Trong trường hợp tính cả thời gian bị chậm, trốn đóng BHXH mới đủ điều kiện hưởng hưu trí và các chế độ khác thì lao động có thể chọn nộp khoản bị chậm, trốn này vào Quỹ Hưu trí tử tuất để được xác nhận hưởng.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương) băn khoăn việc lao động phải đóng bù tiền để hưởng quyền lợi mà họ đương nhiên được hưởng. Theo bà, khi doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHXH, người lao động đã mất trắng khoản lương hàng tháng trích đóng ban đầu. Nếu phải đóng bù lần nữa cho phần doanh nghiệp vi phạm thì lao động phải đóng tới hơn 40% tiền lương tháng (gồm 8% tiền lương tháng lần đầu, 22% khoản đóng bù lần hai).
“Quy định này sẽ gây bức xúc hơn cho người lao động lẫn dư luận xã hội. Họ sẽ đặt câu hỏi vì sao doanh nghiệp nợ BHXH mà cơ quan nhà nước không có biện pháp xử lý lại để cho người lao động phải bỏ tiền đóng thay?”, nữ đại biểu nói, cảnh báo đây có thể là nguyên nhân họ rời bỏ lưới an sinh.
Dẫn chứng vụ nữ kế toán BHXH quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chiếm đoạt hơn 70 tỷ đồng tiền đóng bị khởi tố hôm 24/5, bà Trân đề nghị đánh giá hiệu quả của hoạt động thanh kiểm tra của cơ quan BHXH. Bên cạnh đó, việc thu tiền BHXH sai đối tượng, điển hình là hơn 4.000 chủ hộ kinh doanh cá thể đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm quyền lợi.
“Vì sao đến nay tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHXH không hề giảm mà còn tăng lên. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan BHXH đến đâu”, nữ đại biểu đặt câu hỏi. Đồng thời, bà đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan, để khi luật thực thi sẽ hiệu quả để người dân yên tâm với hệ thống.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam (Phó đoàn Phú Thọ) đề nghị mở rộng nguồn lực để hỗ trợ lao động yếu thế trong khoảng thời gian bị công ty chậm, trốn đóng mà chưa xử lý được. Nhất là người bị suy giảm khả năng lao động do tai nạn, ốm đau, bệnh nền, khi họ đã trích đóng BHXH thông qua doanh nghiệp mà lại chịu thiệt thòi.
Trước đó, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng sớm chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội rà soát, có chính sách giải quyết quyền lợi bị “treo” cho hơn 213.000 lao động trong doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn. Theo thống kê hết năm 2022, tiền nợ tại các doanh nghiệp này tới hơn 4.000 tỷ đồng và gần như không thể thu hồi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết đã đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội chủ trương xóa khoản nợ xấu bằng tiền lãi từ kết dư Quỹ Bảo hiểm xã hội. Khi khoản này được xóa thì mới có thể giải quyết dứt điểm quyền lợi cho người lao động.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang đề xuất ba phương án xử lý quyền lợi cho 4.000 chủ hộ kinh doanh cá thể bị thu sai luật từ năm 2003 đến nay. Theo các phương án này, chủ hộ có thể được tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc để hưởng chế độ; được hoàn lại tiền đóng, trả lại tiền đã hưởng chế độ. Các khoản thu hồi lẫn hoàn trả này sẽ không tính lãi.
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp tháng 10/2023, dự kiến thông qua ngày 25/6 và có hiệu lực từ 1/7/2025.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-nguoi-lao-dong-dong-bu-khoan-bhxh-bi-tron-de-huong-che-do-4751222.html