Sáng ngày 10/5/2023, CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam (BAF) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023, thông qua kế hoạch doanh thu 7.526 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 301 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ.
Trong đó, cơ cấu lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động chăn nuôi với 192 tỷ đồng, chiếm 64% tổng lợi nhuận; hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi ghi nhận 45,4 tỷ đồng, chiếm 15,1%; và hoạt động kinh doanh nông sản dự kiến 64 tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng lợi nhuận.
Về định hướng kinh doanh, năm nay BAF dự kiến tổng sản lượng heo bán ra thị trường là 348.770 con, trong đó heo giống bố mẹ là 61.470 con, heo thịt là 247.500 con, heo cai sữa là 39.800 con.
Đối với mảng sản xuất thức ăn chăn nuôi, nhà máy cám BAF Tây Ninh và nhà máy với tổng công suất 400.000 tấn/năm chính thức đi vào hoạt động năm 2022, kết hợp với nhà máy cám Phú Mỹ công suất 60.000 tấn/năm sẽ cung ứng đủ lượng cám cho các trang trại nội bộ của Công ty, đồng thời sẽ bắt đầu có doanh thu thương mại về cám khi cám dinh dưỡng công ty sản xuất ra sẽ được bán ưu đãi theo chính sách bán cám kèm con giống.
Đối với mảng kinh doanh nông sản, năm 2023, Công ty dự kiến doanh thu đến từ hoạt động kinh doanh nông sản là 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận 64 tỷ đồng.
Vì sao lợi nhuận quý 1/2023 thấp?
Được biết, trong năm 2022, BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 7.085 tỷ đồng – vượt kế hoạch song lợi nhuận 287 tỷ đồng – chỉ đạt 71,39% kế hoạch lợi nhuận năm. Quý 4/2022, Công ty thoát lỗ nhờ lợi nhuận khác.
Sang quý 1/2023, nhờ nguồn thu thanh lý tài sản, Nông nghiệp BaF (BAF) thêm một quý thoát lỗ ngoạn mục. Ghi nhận, doanh thu quý 1/2023 của BAF giảm 47% xuống còn 816 tỷ đồng. Trong kỳ, đáng chú ý có lãi vay tăng đột biến (từ 4 tỷ lên hơn 22 tỷ đồng) khiến Công ty lỗ thuần 3 tỷ. Nhờ nguồn thu từ việc thanh lý tài sản, BAF vẫn có lợi nhuận sau thuế với gần 4 tỷ đồng, giảm 95,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chia sẻ tại Đại hội, Chủ tịch là ông Trương Sỹ Bá cho biết quý 1/2023, kết quả thấp thứ nhất do khó khăn từ thị trường. Nguyên nhân thứ hai, liên quan đến chi phí, quý 1 xây dựng rất nhiều trang trại nên chi phí tăng mạnh.
“Nuôi heo lỗ tức là đàn heo đã bị dịch tả hết rồi”
Chia sẻ với cổ đông về tình hình ngành heo cũng như dịch tả châu Phi hiện nay, ông Bá nói: “Dịch tả châu Phi hoành hành tại Việt Nam từ năm 2019 đến nay, tôi nhấn mạnh là chưa có vắc xin chính thức. Hiện có nhiều bên dùng vắc xin, nhưng chưa có kiểm định rõ ràng nên BAF không dùng. Thay thế, BAF chú trọng nuôi bằng công nghệ sinh học, tăng sức đề kháng con heo.
Hiện, rất nhiều công ty sử dụng thử nghiệm vắc xin dịch tả châu Phi, và hậu quả là bị dịch cả bầy, chết hết thậm chí chết cả đàn nái.
Nhìn chung, chăn nuôi nếu ông nào bảo vệ được đàn thì sẽ không bao giờ lỗ. Còn ông nào lỗ thì bị dịch hết rồi, dù họ không thể nào hô tôi dịch hết rồi. BAF trong nghề, chúng tôi biết rõ bên nào đàn bao nhiêu và dịch ra sao. BAF có thể báo cáo quý cổ đông, chúng tôi bảo vệ được đàn nên không lo lắng gì”.
Dịch tả, bỏ đàn là cơ hội và BAF đang nỗ lực lấy thị phần từ nông dân
Ông Bá xác định ngành bây giờ là phải sống chung với dịch. Giá thấp, dịch bệnh, thua lỗ khiến nhiều hộ chăn nuôi bỏ đàn… đây là cơ hội cho công nghiệp chăn nuôi phát triển, bao gồm BAF.
“Trước đây các hộ nhỏ lẻ chiếm đến 70% chăn nuôi, nhưng nay có dịch nên tỷ trọng này giảm. Và BAF đang đón sóng này, tức lấy thị phần từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Nói vậy nhưng không phải là chúng tôi mong có dịch tả.
Từ hồi dịch đến nay, theo BAF khảo sát thì tổng đàn Việt Nam mất đi 20-25%. Chắc chắn giá sắp tới sẽ tăng.”, đại diện BAF nói thêm.
Cái khó của thị trường thịt Việt Nam là thay đổi thói quen tiêu dùng của bà nội trợ
Nói thêm về chiến lược 3F (Feed-Farm-Food), BAF xác định đây là chiến lược dài hạn, bắt buộc BAF phải làm. Khép kín nói nhiều, và theo Chủ tịch là một từ mỹ miều rất dễ nói nhưng để làm được thì không dễ tí nào.
Trong đó, khâu Feed là dễ làm nhất và cũng hiệu quả nhất. Chỉ cần bán được sản phẩm, thì biên lãi 8-10% dễ dàng có. Nhưng, khó là đầu ra, và đầu ra là chăn nuôi. Trong bối cảnh thị trường rất xấu, nhiều nhà máy đóng cửa… BAF nhấn mạnh chỉ có bán cho nội bộ, tức mình phải chăn nuôi.
Và đó là khâu thứ hai: Farm. Như đã nói, khâu chăn nuôi hiện nay đang rất thách thức. BAF với mô hình khép kín và nuôi theo hướng sinh học, giảm thiểu tỷ lệ dịch bệnh nên may mắn vẫn giữ được đàn.
Cuối cùng là Food, người tiêu dùng Việt hiện nay trên 90% cứ ra chợ mua thịt tươi, hay còn gọi là thịt nóng. Thậm chí, bà nội trợ còn sờ, nhấn thịt không lún mới tươi, mới mua. Do đó, cái khó của thị trường thịt Việt Nam là thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng.
Và Siba Food đang xây dựng chuỗi cửa hàng theo mô hình mẹ và con. Tương tự Bách Hoá Xanh, Siba Food sẽ có một cửa hàng lớn (cửa hàng mẹ) tại một điểm, từ đó phát triển 7-10 cửa hàng con lân cận với tên gọi là Meat Shop.
Làm Farm đã khó, đến Food là cực khó: Giải quyết được phụ phẩm sau khi giết mổ con heo là bài toán lớn
“Chúng tôi có lợi thế là từ Tập đoàn Tân Long. Không chỉ vốn, hệ thống mà cả truyền thông (ví dụ tên BAF được gắn cùng với các giải đấu). Nhưng nói thật là mảng này chưa hiệu quả. Trong đó, bài toán khó hiện nay là giết mổ càng nhiều, bán được thịt nhưng phụ phẩm dư rất nhiều. Do đó, với Siba Food hiện nay tập trung xử lý phụ phẩm, giải quyết được mới bán được. Nhiều bên hỏi sao không đẩy vào các cửa hàng khác, vì họ cũng chỉ mua Top-Sale (những sản phẩm bán chạy).
Nên làm Farm đã khó, thì đến Food là cực khó. Làm sao phải giải quyết được phụ phẩm, do đó BAF đang xây dựng chiến lược để làm điều này. Và không chỉ một sớm một chiều, hiện BAF chỉ mới dùng tiền từ Tân Long chưa chưa dùng tiền của BAF.
Tại Siba Food, do còn đầu tư và chưa thành công nên mới đây BAF rút vốn không còn chi phối. Điều này nhằm đảm bảo không ảnh hưởng chỉ số của BAF. Và mảng Food này chúng tôi tiếp tục xây dựng, khó đến mấy cũng phải làm”, ông Bá nói.
Ông Bá cũng chỉ ra nhiều DN bán thịt được nhiều, nhưng do phụ phẩm nhiều chưa xử lý được nên họ vẫn cứ lỗ. Trước đây, các DN này cấp đông phụ phẩm, nhưng đang bị cạnh tranh với các công ty ngoại, và cũng không thể cấp đông được.
Do đó, với phân khúc thịt mát (như MEATDeli) thì BAF suy nghĩ lại việc đầu tư nhà máy… vì đầu tư ra nhưng công suất không thể lấp đầy nhanh sẽ ngốn chi phí, ảnh hưởng đến lợi nhuận Công ty và cổ đông BAF.
Phát hành huy động hơn 684 tỷ đồng để mở rộng quy mô chăn nuôi…
Tại Đại hội, Công ty còn bổ sung kế hoạch cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 17%, tương ứng phát hành thêm 24,4 triệu cổ phiếu, nguồn vốn thực hiện là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Bên cạnh đó, Công ty cũng thống nhất phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành là 7,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 5% vốn điều lệ với giá phát hành là 10.000 đồng/cp.
Nếu tính so với giá thị trường ngày 9/5 là 21.750 đồng/cp, nhân viên Công ty sẽ được mua chiết khấu 54% so với giá thị trường. Trong đó, đối tượng được mua là Thành viên HĐQT, Thành viên Ban kiểm soát, nhân sự chủ chốt của Công ty và các công ty con. Cổ phiếu ESOP chỉ hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ khi phát hành.
Ngoài ra, Công ty còn trình cổ đông kế hoạch chào bán cổ phiếu ra công chúng với tỷ lệ 47,677% với giá 10.000 đồng/cp. Như vậy, Ước tính nếu phát hành thành công, Công ty sẽ phát hành thêm 68,4 triệu cổ phiếu mới để huy động 684,26 tỷ đồng.
Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 400 tỷ đồng bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh nông sản; 119,15 tỷ đồng tăng vốn điều lệ tại các Công ty con để thực hiện đầu tư xây dựng dự án trang trại chăn nuôi heo và bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh; và 165,1 tỷ đồng bổ sung vốn phục vụ hoạt động chăn nuôi heo.
Thời gian thực hiện chào bán dự kiến từ quý 2 đến quý 4/2023.
Đại hội lần này cũng thống nhất miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT đối với ông Phan Ngọc Ấn do có đơn xin từ nhiệm. Trước thời điểm niêm yết, ông Phan Ngọc Ấn giữ chức Chủ tịch HĐQT BaF Việt Nam từ ngày 2/3/2021, đồng thời sở hữu lên tới 30% vốn điều lệ tại BaF Việt Nam (ngày 30/6/2021).