Bệnh nhân N.L.T (40 tuổi, TPHCM) sau bữa tiệc sinh nhật khoảng 3 giờ, bắt đầu xuất hiện mẩn đỏ, ngứa toàn thân. Trong khi trước đó, bệnh nhân chưa có bất cứ triệu chứng dị ứng nào khi sử dụng các loại thực phẩm khác nhau.
Theo bệnh nhân, đây là lần đầu tiên bệnh nhân ăn thử loại hải sản là con sam, nên khi xuất hiện các triệu chứng dị ứng thức ăn, chị đã đến bệnh viện khám, nhập viện và được bác sĩ chẩn đoán phản vệ độ 1 do thực phẩm, sử dụng thuốc giải mẫn cảm, kháng histamin để điều trị.
Tương tự, chị N.T.A (43 tuổi, tỉnh Long An) chia sẻ, khoảng gần nửa năm nay, mỗi lần chị ăn đậu phộng, cá biển thì cơ thể bị bắt đầu xuất hiện nhiều nốt sần phù nhỏ trên da, kèm tiêu chảy. Thời gian đầu, chị A. nghĩ mình bị rối loạn tiêu hoá do thời tiết nắng nóng, nhưng khi đi khám bác sĩ chẩn đoán chị bị dị ứng thức ăn với nhiều thực phẩm khác như gạo, đậu phộng, mè, hạt hạnh nhân, một số loại hải sản (cua, cá thu, tôm…).
BSCK2 Lê Thị Kim Lý, Phó Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Ðịnh, cho biết thông thường những loại thức ăn có hàm lượng protein cao như đậu phộng, các loại hạt (hạt dẻ, óc chó…), sữa (bò, đậu nành), các loại hải sản (tôm, cua, cá…) sẽ dễ gây dị ứng sau khi ăn. Nguyên nhân các protein này khó phân hủy ở nhiệt độ cao. Do đó, mặc dù đã được nấu chín nhưng chúng vẫn giữ nguyên cấu trúc và hoạt tính gây dị ứng cho con người. Ngoài ra, các chất protein này còn không bị phân hủy bởi men tiêu hóa và chất acid của dịch dạ dày.
“Nguyên nhân chính gây dị ứng là các protein khó phân hủy ở nhiệt độ cao trong thực phẩm. Khi không được phân hủy, các protein này đi vào máu và kích hoạt hệ thống miễn dịch. Sự tiếp xúc lặp đi lặp lại giữa kháng nguyên và kháng thể trong cơ thể sẽ gây ra phản ứng dị ứng mạnh hơn, phóng thích các hóa chất trung gian như histamin gây giãn mạch, phù nề và co thắt cơ trơn” – bác sĩ Lý cho biết thêm.
Theo lưu ý từ các bác sĩ, dị ứng có thể diễn tiến từ nhẹ (ngứa, nổi mề đay) cho đến nặng (viêm, sưng phù nề, khó thở), thậm chí, có thể phản vệ dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.