TPO – Taxi bị quản lý, ràng buộc rất gắt gao, điển hình về số lượng xe, có hãng hoạt động tới 20 năm như Mai Linh cũng chỉ được 480 xe. Hiện Hiệp hội taxi gồm 8 hãng chỉ được 1.700 xe. Trong khi Grab đã có hơn 2.700 xe…
Liên quan đến việc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đà Nẵng vừa có văn bản gửi Bộ GTVT kiến nghị hướng dẫn, làm rõ nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty TNHH Grab (gọi tắt là Grab), Hiệp hội taxi Đà Nẵng cũng lên tiếng trước hoạt động của Grab trên địa bàn.
Trao đổi với Tiền phong, ông Trần Thanh Tâm – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng – bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng làm rõ hoạt động kinh doanh của Grab tại Đà Nẵng. Năm 2017, UBND TP đã từ chối Grab hoạt động thí điểm vì lo ùn tắc, phá vỡ quy hoạch taxi truyền thống. Sau đó để được hoạt động tại Đà Nẵng, Grab ký hợp đồng hợp tác kinh doanh dịch vụ vận tải (KDDVVT) với các HTX trên địa bàn.
Theo ông Tâm, nếu Grab hợp tác trên danh nghĩa là đơn vị cung cấp dịch vụ ứng dụng gọi xe thì không được tham gia quyết định giá cước, điều hành lái xe, các HTX mới quyết định việc này. Còn nếu Grab hợp tác với HTX trên danh nghĩa cũng là đơn vị kinh doanh vận tải thì cả hai cũng phải chịu sự quản lý của cơ quan chức năng như taxi truyền thống.
Ông Tâm dẫn chứng việc taxi bị quản lý, ràng buộc rất gắt gao, điển hình về số lượng xe, có hãng hoạt động tới 20 năm như Mai Linh cũng chỉ được 480 xe. Hiện Hiệp hội gồm 8 hãng taxi chỉ được 1.700 xe. Trong khi Grab đã có hơn 2.700 xe từ việc hợp tác với các HTX.
“Vì vậy chúng tôi đề xuất cơ quan chức năng phải cấp “quota” số lượng xe để công bằng với các đơn vị kinh doanh. Không thể để nơi chỉ được vài trăm xe, nơi muốn kết nạp thêm bao nhiêu cũng được. Việc này đồng thời cũng bớt được tình trạng kẹt xe, trong mùa thấp điểm du lịch tránh xe nhiều, khách ít dễ xảy ra tiêu cực”, ông Tâm nói và bất bình khi các hãng taxi chỉ hoạt động những xe mang biển số địa phương, còn Grab tràn lan xe ngoại tỉnh, khắp nơi đổ về làm ăn. Nhiều nhất là Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi,…
Về giá cước, các hãng taxi công bố niêm yết rõ ràng, muốn tăng giá phải có cơ sở, đề xuất, chờ được đồng ý, thông báo cho khách hàng, niêm yết rõ ràng mới được tăng. Còn Grab thu thêm phụ phí trong giờ cao điểm, nắng nóng… Ngoài ra, các hãng taxi phải tuân thủ logo nhận diện xe, có đồng phục cho tài xế, số điện thoại đường dây nóng và nhiều quy định khác. Trong khi Grab không có đồng phục, màu xe, tài xế có thể mang quần đùi, dép lê đón khách….
“Chúng tôi luôn quán triệt mỗi tài xế là một đại sứ du lịch của thành phố, chỉn chu từ trang phục tới ứng xử, tay nghề chuyên nghiệp. Hiệp hội nỗ lực hết mình để đóng góp vào hình ảnh của Đà Nẵng, vì vậy mong cơ quan chức năng làm rõ hoạt động của Grab trên địa bàn để tạo môi trường làm việc lành mạnh, cạnh tranh công bằng”, ông Tâm bày tỏ.
Chủ tịch Hiệp hội Taxi Đà Nẵng nói thêm, Hiệp hội đã từng và sẽ tiếp tục gửi kiến nghị tới cơ quan chức năng về hoạt động của Grab trên địa bàn.
Như Tiền phong đã thông tin, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT hướng dẫn, làm rõ nội dung hợp đồng hợp tác kinh doanh của Grab trên địa bàn do có hai quan điểm trái chiều.
Grab hiện chỉ được Sở GTVT TPHCM cấp giấy phép KDVT. Tuy nhiên, Grab không đặt trụ sở chi nhánh tại Đà Nẵng và chưa được Sở GTVT Đà Nẵng cấp giấy phép KDVT theo quy định nên hoạt động KDVT của Grab tại Đà Nẵng là sai quy định.
Doanh nghiệp đã được Sở GTVT TPHCM cấp giấy phép KDVT và ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đơn vị KDVT đã được Sở GTVT Đà Nẵng cấp phép, vì vậy hoạt động của Grab trên địa bàn Đà Nẵng là đúng quy định. Tuy nhiên, việc Grab không có chi nhánh tại Đà Nẵng lại gây khó khăn trong công tác quản lý hoạt động vận tải tại địa phương.