Đồng ThápĐội bảo vệ cá sông quy tụ những người muốn bảo tồn, tái tạo nguồn lợi thủy sản vốn đang cạn kiệt ở dòng Cửu Long.
Sáng cuối tháng 5, ông Trương Minh Hải, mang thùng thức ăn khoảng 10 kg xuống bờ sông phía trước đình thần An Bình, TP Hồng Ngự. Người đàn ông 70 tuổi, cầm thanh tre gõ ra hiệu cùng tiếng gọi “về ăn cá ơi”. Đàn cá tra to bằng cổ tay, cá mè vinh, cá chép, cá rô tụm lại tranh thức ăn.
“Đây là số cá người dân phóng sinh còn sót lại nơi đầu nguồn sông Tiền. Buổi chiều nước lớn đàn cá xúm lại cầu bến, lúc cho ăn còn cưng nựng được chúng”, ông Hải chia sẻ.
Một tháng trước, sau khi thành phố có ý tưởng, ông Hải cùng hơn 10 người thành lập tổ cộng đồng bảo vệ cá sông. Ngoài các thành viên chính, tổ còn có sự tham gia của hàng chục người dân thường xuyên phóng sinh cá. Sau khi được thành lập, tổ mua cây tạp, chất đống chà rộng 2.000 m2 dưới bến sông, làm chỗ cho cá trú ngụ, bên trên được che mát bởi lục bình.
Vùng nước được quây lại bằng những thanh cây, hạn chế người bên ngoài vào đánh bắt, dưới nước không rào lưới để cá tự do ra vào. Các thành viên thay nhau cho cá ăn, vận động ngư dân không đánh bắt, không vứt rác xuống sông, trồng cây xanh tạo cảnh quan. Người dân ở khu vực thường gọi tổ cộng đồng là “biệt đội bảo vệ cá sông”.
Nhóm quy ước đoạn sông bảo vệ cá cũng là vùng nước được Chính phủ công nhận là khu bảo tồn thủy sản, rộng 140 ha, từ cầu Nguyễn Tất Thành đến cầu Sở Thượng, dài 3 km. Đây cũng là khu vực UBND TP Hồng Ngự cấm đánh bắt cá từ hai năm trước.
Những thành viên trong tổ thường lân la với bà con ngư dân, nhẹ nhàng khuyên nhủ theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Cả tổ nhất quán một điều khi đàn cá khi lớn, sẽ sinh sôi sẽ tỏa đi nhiều nơi, chắc rằng nhiều thế hệ sau còn thấy được những loài cá gắn liền với dòng Cửu Long.
Ông Bùi Tấn Lực, thành viên tổ kể gần đây việc câu trộm, đánh bắt lén lút cũng giảm hẳn. Giờ bến sông ở trước đình thần An Bình trở thành nơi phóng sinh quen thuộc của nhiều người. Ở khu vực sông không còn cảnh cá phóng sinh vừa thả ra liền bị nhiều người giăng lưới, xuyệt điện bắt lại.
Theo Bí thư TP Hồng Ngự Lê Hà Luân, để cộng đồng chung tay bảo vệ đàn cá, thành phố mời ban tế tự đình, các chức sắc tôn giáo, cán bộ địa phương tuyên truyền, thuyết phục cư dân trong vùng. Cách tuyên truyền không nặng tính hành chính, được bà con ủng hộ, lan tỏa.
Về lâu dài, thành phố định hướng đoạn sông phát triển thành điểm du lịch cộng đồng. Khi du khách đặt chân đến thủ phủ cá tra của miền Tây sẽ được ngắm đàn cá sông tự do bơi lội, thực hiện nghi thức cho cá ăn, phóng sanh cá. Từ đây người dân có thêm thu nhập từ việc bán thức ăn và các dịch vụ du lịch đi kèm.
Ngọc Tài
Nguồn tin: https://vnexpress.net/biet-doi-bao-ve-ca-song-4749009.html