Loạt số liệu khả quan về kinh tế Mỹ khiến nhà đầu tư giảm đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9. Dưới áp lực từ triển vọng lãi suất cao hơn lâu hơn, giá vàng thế giới “bốc hơi” thêm hơn 2% trong phiên ngày thứ Năm, sau khi đã lao dốc trong phiên trước vì quan điểm cứng rắn của Fed.
Giá vàng miếng trong nước sáng nay (24/5) “cố thủ” mốc 89 triệu đồng/lượng, chênh lệch gần 18 triệu đồng/lượng so với giá quốc tế quy đổi.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay mất 49 USD/oz so với đóng cửa phiên trước, tương đương giảm 2,1%, còn 2.330,2 USD/oz – theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của kim loại quý này trong vòng 1 tuần trở lại đây, đồng thời là phiên giảm thứ ba liên tiếp.
Hôm thứ Tư, giá vàng giao ngay giảm khoảng 1,8% do biên bản cuộc họp ngày 30/4-1/5 của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ lo ngại rằng tiến trình giảm lạm phát đang chững lại.
Tuy vậy, giá vàng thế giới vẫn tăng 14% từ đầu năm đến nay. Động lực tăng giá của vàng năm nay là nhu cầu phòng ngừa rủi ro địa chính trị, kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất, nhu cầu vàng vật chất tăng mạnh ở Trung Quốc do bất động sản và chứng khoán ảm đạm, cộng thêm xu hướng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương.
Các số liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự báo công bố ngày thứ Năm khiến nhà đầu tư giảm kỳ vọng vào khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Dữ liệu ngành dịch vụ và sản xuất tháng 5 đều tốt hơn so với dự báo của giới phân tích – theo kết quả khảo sát nhà quản trị mua hàng (PMI) của công ty nghiên cứu S&P Global.
Ngoài ra, theo báo cáo hàng tuần từ Bộ Lao động Mỹ, số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc vào ngày 18/5 là 215.000 người, ít hơn so với con số dự báo 220.000 người mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Sau khi các dữ liệu trên được công bố, các nhà giao dịch chỉ còn đặt cược khả năng 51% Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9, giảm từ mức 58% của ngày hôm trước và gần 68% trong tuần trước – theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME. Khả năng này giảm dưới 60% đồng nghĩa thị trường không còn tin Fed sẽ hành động trong cuộc họp tháng 9.
Vàng kém hấp dẫn thêm khi đồng USD tăng giá do khả năng Fed hoãn tăng lãi suất. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác chốt phiên trên 105,1 điểm, từ mức 104,9 điểm của phiên trước.
Theo chiến lược gia Daniel Ghali của công ty TD Securities, đồng USD tăng giá và triển vọng Fed hạ lãi suất suy giảm đã dẫn tới việc nhiều nhà đầu tư chốt lời đối với vàng. Tuy nhiên, ông Ghali cũng cho rằng dư địa giảm của giá vàng là hạn chế.
“Những nhà đầu tư quan tâm nhiều tới triển vọng lãi suất Fed thực ra đã không nắm giữ nhiều vàng. Họ đã bỏ lỡ đợt tăng vừa rồi nên không có nhiều vàng để bán. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng đợt điều chỉnh này của giá vàng sẽ không sâu”, ông Ghali nhấn mạnh.
Ngân hàng Thuỵ Sỹ UBS nâng dự báo giá vàng cuối năm nay lên mức 2.600 USD/oz và khuyến nghị mua vào khi giá giảm còn khoảng 2.300 USD/oz hoặc thấp hơn. Cơ sở của dự báo này là một vài số liệu kinh tế Mỹ tháng 4 yếu đi, nhu cầu vàng còn lớn của các ngân hàng trung ương, và căng thẳng địa chính trị còn tiếp diễn.
Tuy nhiên, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhập khẩu vàng của Ấn Độ, nước tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, có thể giảm gần 1/5 trong năm nay do giá vàng tăng cao.
Lúc hơn 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á đứng ở mức 2.334,9 USD/oz, tăng 4,7 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, tương đương 0,2% – theo Kitco. Mức giá này tương đương khoảng 71,7 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giảm 1,1 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Trong vòng 3 ngày trở lại đây, giá vàng thế giới quy đổi đã giảm gần 3 triệu đồng/lượng, nhưng giá vàng miếng trong nước chỉ giảm khoảng hơn 1 triệu đồng/lượng trong cùng khoảng thời gian, khiến chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới giá tăng.
Giá vàng miếng đầu giờ sáng nay chỉ giảm 200.000-300.000 đồng/lượng so với sáng qua, đang cao hơn so với giá vàng quốc tế quy đổi từ 17,6-17,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn giảm phổ biến 400.000-500.000 đồng/lượng, đang cao hơn giá quốc tế gần 5 triệu đồng/lượng.
Lúc hơn 9h sáng, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 87,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 89,3 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 200.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với cùng thời điểm ngày hôm qua.
Nhẫn tròn trơn 99,99 hiệu Phú Quý có giá 75,1 triệu đồng/lượng và 76,6 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, giảm 500.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Nhẫn tròn 99,99 hiệu Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu được báo giá ở mức 75,12 triệu đồng/lượng và 76,62 triệu đồng/lượng, giảm 500.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 87,5 triệu đồng/lượng và 89,5 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với sáng qua.
Nhẫn tròn 99,99 SJC có giá 74,8 triệu đồng/lượng và 76,4-76,4 triệu đồng/lượng, giảm 400.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.
Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có 13.400 lượng vàng được bán cho 11 thành viên trong phiên đấu thầu vàng miếng ngày 23/5. Đây là phiên đấu thầu vàng có lượng bán thành công lớn nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước nối lại hoạt động này vào tháng 4. Tổng số vàng mà cơ quan này đã bán ra từ tháng 4 đến nay đã đạt hơn 1 tấn.
Báo giá USD tại Vietcombank lúc gần 10h trưa nay là 25.247 đồng (mua vào) và 25.477 đồng (bán ra), tăng 7 đồng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/gia-vang-the-gioi-giam-chong-mat-trong-nuoc-ha-cam-chung.htm