Trước đó, trong 2 năm 2020 và 2021, Pizza 4P’s lỗ lần lượt là 20,8 và 37,9 tỷ đồng. Với 83,5 tỷ đồng lãi sau thuế của năm 2022, đã bù đắp lại được 2 năm kinh doanh khó khăn do Covid.
Tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Pizza 4PS đạt gần 152 tỷ đồng, cao gấp rưỡi so với mức hơn 98 tỷ đồng vào cuối năm 2021.
Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,51, tương ứng nợ phải trả khoảng 230 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu của công ty xấp xỉ 14 tỷ đồng.
Pizza 4P’s hoạt động chính trong 4 mảng nhà hàng, sản xuất phô mai, kinh doanh sỉ phô mai và buôn bán lẻ sản phẩm từ bơ sữa. Hiện nay, công ty sở hữu gần 30 cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng và Nha Trang. Riêng ở Hà Nội, Pizza 4P’s có 9 nhà hàng và 02 Hub chuyên phục vụ bán mang đi.
Lĩnh vực kinh doanh chính là nhà hàng nên trong 2 năm Covid, Pizza 4P’s bị ảnh hưởng nhiều do phải đóng cửa, tạm ngừng cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, nếu so sánh với mốc lợi nhuận giai đoạn trước dịch, sẽ thấy con số lợi nhuận 83,5 tỷ đồng của Pizza 4P’s trong năm 2022 là một kết quả kinh doanh có phần vượt trội.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động kinh doanh nhà hàng của Pizza 4P’s trong năm 2022 đã hồi phục sau đại dịch, lượng khách đến trực tiếp tăng lên so với thời điểm trước dịch. Mặc dù chịu sự cạnh tranh của nhiều đối thủ Pizza có tên tuổi trên thị trường như Cowboy Jack’s; Pizza Hut; Pizza Inn; Pizza Domino; Pizza Al Fresco’s; Pizza Pepperonis nhưng Pizza 4P’s vẫn có được lượng khách hàng riêng, khá trung thành.
Đầu tiên, vì Pizza 4P’s tự định vị là một chuỗi nhà hàng thay vì một cửa hàng thức ăn nhanh. Cùng với đó, điểm đặc trưng khác biệt của Pizza 4P’s là tập trung truyền thông một thông điệp xuyên suốt và nhất quán “tốt cho sức khỏe”. Họ có rất nhiều thông tin cho khách hàng tham khảo về quy trình khép kín từ nông trại đến bàn ăn đảm bảo hữu cơ, tốt cho sức khỏe: phô mai nhà làm, nông trại nuôi cua tự nhiên, rau củ hữu cơ…
Quan trọng nhất, yếu tố cốt lõi làm nên bản sắc riêng và thương hiệu này được giữ vững ngay cả trong điều kiện dịch bệnh,… hay hoạt động kinh doanh thua lỗ.
Bên cạnh đó, một động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh trong năm 2022 là việc thay đổi phương thức bán hàng và danh mục sản phẩm thông qua triển khai “delivery” (giao hàng) và bán các sản phẩm cấp đông.
Trước đây, Pizza 4P’s không bán “delivery” để đảm bảo chất lượng sản phẩm được tốt nhất khi phục vụ và dùng tại nhà hàng nhưng Covid đã làm thay đổi mọi thứ. Để thích ứng với tình hình mới, ban đầu Pizza 4P’s triển khai mở delivery cho tất cả các cơ sở.
Trong đợt dịch đầu tiên, nhờ kênh bán hàng mang về, Pizza 4P’s đã ghi nhận doanh thu 30 tỷ đồng, giao hơn 60.000 đơn hàng và tăng trưởng hằng tháng.
Cuối tháng 7/2021, trong bối cảnh làn sóng Covid-19 mới diễn biến nghiêm trọng, Pizza 4P’s đã mở thêm gian hàng chính hãng trên Shopee, Lazada. Đây được đánh giá là những nỗ lực của doanh nghiệp khi toàn ngành F&B chìm trong mùa đông Covid.
Sau một thời gian vận hành, hiện mô hình “delivery” của Pizza 4P’s đã được cấu trúc lại, việc làm đồ ăn phục vụ giao đi được chuyên môn hóa tại một số HUB để đảm bảo hiệu quả kinh doanh tối ưu.
Pizza 4P’s là thương hiệu pizza được sáng lập tại Việt Nam, bởi cặp vợ chồng người Nhật Yosuke Masuko – Sanae Tagasuki. Công ty được thành lập năm 2011.
Hiện CTCP Pizza 4P’S do ông Yosuke Masuko làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, có vốn điều lệ đạt 70 tỷ đồng, trong đó, vốn nước ngoài chiếm 99.99% do 4P’S Holidngs Pte. Ltd (trụ sở tại Singapore) nắm giữ.
Pizza 4P’s từng được biết đến với thương vụ đầu tư của quỹ Mekong Capital vào năm 2018. Tháng 05/2019, Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Mekong Capital thông báo Quỹ Mekong Enterprise Fund III đã hoàn tất khoản đầu tư vào Tập đoàn Pizza 4P’s. Thương vụ thực hiện thông qua việc mua kết hợp cổ phần sơ cấp và thứ cấp.
Hồi cuối năm ngoái, quỹ Mekong Capital thông báo Mekong Enterprise Fund III (MEF III) hoàn tất thoái 100% vốn đầu tư của quỹ tại Pizza 4P’s. Trong khi đó, Quỹ Cool Japan thông báo đầu tư 10 triệu USD vào Pizza 4P’s.