Không hài lòng với khối nợ khổng lồ của Chính phủ Mỹ, các nghị sỹ Cộng hòa tại Hạ viện đã phê chuẩn một dự luật yêu cầu việc nâng trần nợ phải đi kèm với cắt giảm chi tiêu. Một cuộc đấu căng thẳng đang leo thang, khi các nghị sỹ Dân chủ không chấp nhận yêu cầu này của phe Cộng hòa, còn các nhà làm luật cứng rắn của phía Cộng hòa cũng quyết không nhượng bộ phía Dân chủ. Nếu hai bên không đi đến được một giải pháp, giới chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng nước Mỹ có thể rơi vào một “thảm họa kinh tế”.
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên khủng hoảng trần nợ xảy ra ở Washington. Chỉ có điều, câu chuyện lần này có thể tồi tệ hơn.
Luật của Mỹ quy định một mức tối đa đối với nợ của Chính phủ liên bang và định mức này gọi là trần nợ hoặc giới hạn nợ. Quốc hội Mỹ có quyền bỏ phiếu để nâng trần nợ đó mỗi khi khối nợ của Chính phủ kịch trần. Từ năm 1960 tới nay, Quốc hội Mỹ đã có 78 lần nâng trần nợ, đa phần không gây ra ồn ào gì. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cuộc đàm phán trần nợ đã trở thành cuộc tranh cãi căng thẳng nhất, thậm chí là nguy hiểm nhất, ở Washington.
Theo tờ báo Guardian, mâu thuẫn của năm nay có vẻ như là cuộc xung đột trần nợ nhiều rủi ro nhất kể từ năm 2011 – năm mà phe Cộng hòa dùng cuộc tranh luận về trần nợ làm “lá bài mặc cả” cho việc cắt giảm chi tiêu. Cuộc chiến trần nợ đó đã diễn ra gay cấn cho tới phút chót, và một cựu nghị sỹ đã tiết lộ với tờ báo New York Times rằng cuộc xung đột “có những điểm tương đồng và khác biệt so với những giai đoạn nhiều biến động khác trong lịch sử Mỹ, chẳng hạn như nội chiến”. Giữa lúc thị trường chứng khoán rúng động và chỉ còn 72 giờ trước khi nước Mỹ rơi vào cảnh vỡ nợ cấp quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử, hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cuối cùng đã nhất trí được về một dự luật nâng trần nợ thêm 900 tỷ USD và cắt giảm chi tiêu một khoản tương tự. Đối với các nghị sỹ Cộng hòa, đặc biệt là những thành viên của phong trào cánh hữu mới khi đó mang tên Đảng Trà (Tea Party) – những người một mực từ chối nhượng bộ phe Dân chủ – kết quả của cuộc chiến trần nợ năm 2011 là một thắng lợi chính trị.
Trong cuộc chiến trần nợ năm nay, vấn đề chính trị một lần nữa ngấm sâu, và nhiều người nhận thấy nhiều nét tương tự như hồi năm 2011.
LỊCH SỬ LẶP LẠI
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy đang bị mắc kẹt giữa phái ôn hòa và phái cực hữu trong Đảng Cộng hòa của ông. Nhưng dù ông McCarthy đã cố gắng tập hợp được sự đoàn kết trong nội bộ Đảng Cộng hòa để ủng hộ dự luật nói trên tại Hạ viện, phe Dân chủ đến nay vẫn từ chối ngồi vào bàn đàm phán.
Bộ Tài chính Mỹ thể hiện rõ sự lo ngại. Hồi tháng 1, cơ quan này bắt đầu dùng tới “các biện pháp bất thường” để tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ trái phiếu kho bạc Mỹ trong lúc cuộc đàm phán về nâng trần nợ vừa mới bắt đầu. Một số chuyên gia ước tính rằng ngày mà Chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ – thường gọi là “ngày X”, thời điểm Chính phủ liên bang chính thức hết tiền để trang trải các hóa đơn – sẽ đến vào cuối tháng 7. Điều này có nghĩa là hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hiện còn chưa đầy 3 tháng để tìm giải pháp cho vấn đề.
Nước Mỹ đến nay chưa từng vỡ nợ bao giờ. Nếu không có một giải pháp nào cho lần khủng hoảng trần nợ này, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chao đảo, người hưởng các khoản chi trả từ ngân sách liên bang sẽ không còn được nhận tiền định kỳ, nhiều bộ phận của Chính phủ sẽ phải ngừng hoạt động, và nền kinh tế Mỹ sẽ phải hứng chịu những tổn thất lâu dài – theo nhận định của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell.
Như đã nói ở trên, xung đột giữa hai chính đảng lớn nhất của Mỹ về trần nợ quốc gia vốn không phải là chuyện hiếm và thường được giải quyết sau một thời gian tranh cãi. Giới đầu tư ở Phố Wall cũng thường phớt lờ chuyện này, xem đây như chuyện “đến hẹn lại lên”. Nhưng như những gì đã xảy đến vào năm 2011, tất cả có thể thay đổi khi ngày X đến gần. Lần này, các thành viên phong trào Đảng Trà của phe Cộng hòa đã bị thay thế bởi những thành viên thậm chí còn cứng rắn hơn – những người thuộc phái Freedom Caucus. Những thành viên này miễn cưỡng ký vào dự luật trần nợ do ông McCarthy dẫn đầu nhưng đã thề sẽ giữ vững yêu cầu của họ về cắt giảm chi tiêu, mặc cho cái giá phải trả là bao nhiêu.
“Điều gây tổn hại cho nền kinh tế chính là những gì mà chúng ta đã chứng kiến trong 2 năm qua: chi tiêu kỷ lục, lạm phát kỷ lục, nợ kỷ lục. Chúng ta đều thừa hiểu rằng điều đó gây tổn hại cho nền kinh tế”, hạ nghị sỹ Jim Jordan, một thành viên sáng lập phái Freedom Caucus, nói với hãng tin Reuters.
Ông David Kamin, một giáo sư luật thuộc Đại học New York, từng làm cố vấn kinh tế cho các chính quyền Tổng thống Barack Obama và Joe Biden, bao gồm trong thời gian xảy ra khủng hoảng trần nợ năm 2011, nói với Guardian: “Quốc hội Mỹ đã đàm phán về trần nợ trong nhiều thập kỷ, đến nỗi việc này trở thành một câu chuyện trở đi trở lại. Nhưng lần này và năm 2011 có một điểm khác biệt so với những lần khác là phe Cộng hòa thực sự đe doạ về việc không nâng trần nợ. Họ đòi hỏi một bộ chính sách lớn để đổi lấy một cái gật đầu. Điều này đặt ra một cuộc đàm phán đầy nguy hiểm, mà nếu thất bại, hậu quả nghiêm trọng sẽ đổ xuống nền kinh tế”.
Một vụ vỡ nợ của Washington sẽ là thảm họa đối với nền kinh tế Mỹ và toàn cầu, gây ra bất ổn lớn trên thị trường tài chính và làm gián đoạn các dịch vụ của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, như cuộc khủng hoảng năm 2011 đã cho thấy, ngay cả việc gần suýt vỡ nợ cũng dẫn tới cái giá phải trả. Các thị trường khi đó đã lao dốc không phanh và tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P đã hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ lần đầu tiên trong lịch sử, khiến việc vay tiền của Chính phủ nước này trở nên đắt đỏ hơn. Chi phí đi vay của Washington đã tăng thêm 1,3 tỷ USD vào năm 2012 và tiếp tục tăng thêm trong những năm sau đó, về cơ bản xóa hết thành quả cắt giảm chi tiêu đạt được thông qua đàm phán trần nợ.
Đối với một số nhà kinh tế, đó chỉ là tác động ngắn hạn. Việc cắt giảm chi tiêu còn mở ra quãng thời gian nhiều năm thắt chặt ngân sách với những tác động lâu dài.
TỔN HẠI ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ
“Khi những cắt giảm đó được thực hiện, Mỹ còn đang ở trong một nền kinh tế khá yếu và chưa phục hồi hẳn sau cuộc suy thoái hậu khủng hoảng tài chính. Việc cắt giảm chi tiêu đã khiến cho sự phục hồi mất nhiều thời gian hơn. Trong 6-7 năm sau đó, những hàng hóa và dịch vụ công thực sự có giá trị đã không được cung cấp vì chi tiêu bị cắt giảm quá mạnh”, ông Josh Bivens, nhà kinh tế trưởng của Viện Chính sách kinh tế, một tổ chức nghiên cứu cánh tả, nhận định về hệ quả của cuộc chiến trần nợ 2011.
Chi tiêu chính phủ thường tăng sau suy thoái nhưng chi tiêu bình quân đầu người của Chính phủ liên bang Mỹ đã giảm sau cuộc khủng hoảng trần nợ năm 2011. Ông Bivens lập luận rằng nếu chi tiêu của Chính phủ tiếp tục ở mức bình thường, thì tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã quay trở lại mức trước suy thoái sớm hơn 5-6 năm so với năm 2017 – thời điểm mà thị trường việc làm cuối cùng đã phục hồi được toàn bộ mất mát trong thời gian suy thoái.
Lần này, dự luật của Đảng Cộng hòa – có tên “Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm và Tăng trưởng” – đề xuất tăng trần nợ thêm 1,5 nghìn tỷ USD để đổi lấy khoản cắt giảm ngân sách 1,47 nghìn tỷ USD trong năm tài khóa tới và giới hạn tăng chi tiêu ở mức 1% mỗi năm sau đó. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính rằng nếu được thông qua, dự luật sẽ giúp cắt giảm ngân sách liên bang 4,8 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới.
Dự luật trên đồng nghĩa việc cắt giảm chi tiêu ở các hạng mục như quốc phòng, giáo dục và dịch vụ xã hội, nhưng phe Cộng hòa không đưa ra chi tiết cắt giảm cụ thể. Họ đề xuất việc chấm dứt chương trình xóa, giảm nợ ăn học cho sinh viên – một chính sách quan trọng của Tổng thống Biden; đặt ra các yêu cầu khắt khe hơn đối với các chương trình phúc lợi của Chính phủ như Medicaid; và rút lại nhiều kế hoạch đầu tư trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà ông Biden khởi xướng, cụ thể là cắt giảm tín dụng thuế năng lượng sạch.
Cũng theo dự luật trên, Thuế vụ Mỹ (IRS) sẽ mất 71 tỷ USD ngân sách và việc này có thể dẫn tới công tác thu thuế kém triệt để, rốt cục có thể khiến Chính phủ Mỹ mất 120 tỷ USD thu ngân sách trong thập kỷ tới. Phe Cộng hòa đã nhắm vào việc cắt giảm ngân sách đối với IRS trong 1 thập kỷ qua – nỗ lực bị cho là dẫn tới suy yếu hiệu lực pháp luật về thuế đối với doanh nghiệp và tầng lớp nhà giàu. Theo ước tính của tổ chức ProPublica vào năm 2018, điều này gây thiệt hại 18 tỷ USD thu ngân sách trong 1 thập kỷ.
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 19-2023 phát hành ngày 08-05-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam