Chị Kim Hoàn (25 tuổi, TPHCM) nhiều lần nghĩ đến cái chết bị căn bệnh vảy nến. Chị Hoàn chia sẻ, đêm nào cũng ước mơ giá như sau đêm nay đừng thức dậy nữa, không muốn sống như vậy. Vì với cơ thể này, chị Hoàn không thể làm được gì hết và còn ảnh hưởng đến người thân. Có những thời điểm ngủ dậy, hai đầu gối cứng lại và không thể hoạt động được, khiến cơn đau tấn công chị Hoàn.
“Lúc nào tôi cũng cầu nguyện sáng mai đừng thức dậy được nữa, nhiều lần đã quyết định mua thuốc ngủ về rồi đó…”, chị Hoàn khóc, chia sẻ.
Còn trường hợp anh Tuấn Anh (30 tuổi, tỉnh Hà Tĩnh) cũng là bệnh nhân như vậy, có những thời điểm anh bị phát bệnh 80% cơ thể. Thời điểm đó, chỉ cần trở mình thôi là phần da vảy nến nghe rộp rộp. Anh Tuấn Anh đã từng đi rất nhiều nơi điều trị, ai mách gì làm theo đó nhưng tuyệt vọng vì bệnh vẫn luôn đeo bám anh mỗi ngày.
Chị Kim Hoàn, anh Tuấn Anh… chỉ là một trong số rất nhiều những bệnh nhân mắc bệnh vảy nến mà các y, bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM từng thăm khám, điều trị.
Mỗi người một câu chuyện, một số phận, nhưng điểm chung của họ là những tổn thương về thể xác lẫn tinh thần khi chống chọi với bệnh tật.
Vảy nến không phải là vấn đề bệnh da liễu bình thường, mà nó còn là một căn bệnh mạn tính khó chữa trị hoàn toàn. Việc kiểm soát triệu chứng đôi khi trở nên khó khăn. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, việc điều trị bệnh vảy nến bằng thuốc sinh học đã mở ra một cánh cửa mới cho hàng loạt bệnh nhân mắc bệnh.
Theo Th.S.BS Đặng Thị Hồng Phượng – Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da liễu TPHCM, trong điều trị vảy nến, thuốc sinh học hoạt động bằng cách ngăn chặn các phản ứng gây bệnh trong cơ thể và các triệu chứng của nó. Nếu bạn bị viêm khớp vảy nến, thuốc sinh học có thể làm giảm đau, giảm sưng, giảm cứng các khớp. Thuốc sinh học có thể ngăn ngừa tình trạng viêm khớp và tổn thương khớp nặng hơn.
Về hiệu quả điều trị, nghiên cứu cho thấy thuốc sinh học rất hiệu quả trên bệnh nhân vảy nến mảng và viêm khớp vảy nến. Nếu bệnh nhân duy trì điều trị thuốc sinh học thường xuyên liên tục, nó có xu hướng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu ngừng và bắt đầu lại thuốc sinh học có thể gây mất đáp ứng và gây ra các tác dụng phụ.
“Không phải tất cả người bệnh đều đáp ứng với một loại thuốc sinh học. Nếu không đáp ứng với thuốc sinh học này, bác sĩ có thể xem xét chỉ định một loại thuốc sinh học khác. Theo thời gian, thuốc sinh học có thể mất dần hiệu quả, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cho thấy nhiều người bệnh điều trị thuốc sinh học vẫn duy trì hiệu quả và an toàn trong nhiều năm”, bác sĩ Phượng nhấn mạnh.
Sau thời gian điều trị bằng thuốc sinh học, chị Kim Hoàn đã có thể tự tin sinh hoạt và làm việc như một người bình thường, các triệu chứng bệnh gần như biến mất. “Mình không nghĩ mình có thể hồi phục như ngày hôm nay, mình sống vui vẻ tự tin hơn và có nhiều thời gian chăm sóc mẹ”, chị Hoàn vui vẻ chia sẻ.