Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, quý 1/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 79 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng dệt may, dù đã được dự báo trước, doanh nghiệp vẫn lâm vào thế khốn đốn khi đơn giá thấp hơn dự trù từ 20 – 50%; đơn hàng may cũng nhỏ giọt, thất thường. Thậm chí, nhiều bên mới có đơn hàng đến hết tháng 4, trong khi bình thường sẽ phải chốt được hết tháng 6 hoặc cả năm 2023.
Điều này cũng thể hiện rõ nét trên bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp xuất khẩu niêm yết quý đầu năm: Nhóm xuất khẩu hầu hết đều tăng trưởng âm, mức giảm lên đến 130%. Thậm chí, có đơn vị báo lỗ như Dệt may Garmex, Gilimex, Masan High-Tech Materials và Thuỷ sản Minh Phú.
Chi tiết, Gilimex (GIL) vừa công bố mức lỗ lên tới gần 39 tỷ đồng trong quý đầu năm, đây là mức lỗ cao nhất trong lịch sử niêm yết của Công ty. Theo giải trình, Công ty thua lỗ lớn do tình hình kinh tế khó khăn, đơn hàng sụt giảm nên doanh thu xuất bán sụt giảm. Bên cạnh đó trong quý 1 Công ty đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng để kịp bàn giao đất, khiến chi phí vận hành chung của mảng bất động sản khu công nghiệp tăng mạnh.
Một nguyên nhân khác liên quan đến khách hàng “ruột” Amazon đột ngột thu hẹp các đơn đặt hàng. Trước đó, Công ty này cũng gây chú ý khi đệ đơn kiện Amazon. Năm 2023, Gilimex cũng đặt kế hoạch lợi nhuận giảm hơn 77%.
Được biết, Gilimex có một thỏa thuận lâu dài với Amazon để có thể mua nguyên liệu, điều chỉnh công suất nhà máy… và Công ty đã đầu tư hàng chục triệu USD. Tuy nhiên, vào tháng 4/2022, Amazon đột ngột giảm mạnh nhu cầu trong thời gian còn lại của năm 2022 và năm 2023, khiến Gilimex phải gánh chịu tình trạng dư thừa năng lực sản xuất và nguyên liệu thô.
Một đơn vị dệt may khác, Garmex (GMC) tiếp tục lỗ 16 tỷ đồng trong quý 1/2023, sau khi lỗ ròng 66 tỷ trong năm qua. Cần nhấn mạnh, 2022 cũng là năm đầu tiên doanh nghiệp lỗ trong gần 19 năm qua.
Hiện, GMC chủ yếu sản xuất các đơn hàng gia công. Từ giữa tháng 8/2022, Công ty phải tạm ngừng sản xuất ở một số nhà máy để khắc phục chất lượng nên hầu hết hàng sản xuất ra phải lưu kho. Sang quý 4/2022, Công ty nhận sản xuất các đơn hàng gia công số lượng nhỏ, giá cạnh tranh, năng suất thấp nên doanh thu quý 4/2022 cũng giảm đáng kể.
Hôm 11/4/2023, cổ phiếu GMC bị đưa vào diện cảnh báo do đang lỗ lũy kế.
Ở diễn biến bất ngờ hơn, Thủy sản Minh Phú (MPC) báo lỗ sau thuế 97 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ quý 1/2022 vẫn lãi hơn 90 tỷ đồng. Lần gần nhất MPC thua lỗ là quý 2/2016. Chưa kể 2022 còn là năm Công ty lãi kỷ lục.
Năm 2023, MPC tham vọng với mức lãi tăng 38% lên 1.146 tỷ, song kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm đang cách xa kế hoạch đề ra.
Hiện, nhóm hàng xuất khẩu chính của MPC là tôm, trong khi theo VASEP, xuất khẩu tôm Việt Nam giảm 37% so với cùng kỳ, đạt khoảng 600 triệu USD. VASEP cho biết doanh nghiệp thủy sản đang chịu nhiều áp lực như thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu giảm mạnh, chi phí sản xuất tăng cao…
Tính đến cuối tháng 3/2023, hàng tồn kho MPC đang chiếm hơn một nửa tổng tài sản. Riêng lượng hàng bán bị trả lại ghi chiếm 77 tỷ, vượt con số cả năm 2022 là 49,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty cũng chịu áp lực chi phí lãi vay. Hiện, MPC đang có khoản nợ phải trả hơn 3.800 tỷ đồng. Khoản vay nợ tài chính chiếm hơn 80%, khiến chi phí lãi vay phải trả trong quý đầu năm tăng gần 3 lần, lên 33 tỷ đồng.
Duy nhất doanh nghiệp xuất khẩu tăng trưởng dương trong kỳ, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của bầu Đức tăng trưởng 27% lợi nhuận trước thuế lên 304 tỷ đồng. Tăng trưởng này chủ yếu đến từ xuất khẩu chuối. Nhu cầu tăng mạnh (đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa), giá xuất hiện tăng hơn 20% so với cùng kỳ.