Thực hiện chức năng được giao, hàng năm, Kiểm toán nhà nước đã tập trung kiểm toán đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đặc biệt là nguồn ngân sách địa phương. Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước không chỉ xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, mà còn đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm bảo đảm các nguồn lực tài chính công, tài sản công được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
THU – CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CÒN NHIỀU BẤT CẬP
Cụ thể, về công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, Kiểm toán nhà nước phát hiện tình trạng phổ biến là các địa phương thường lập dự toán thu thấp hơn khả năng thu thực tế; phân cấp nguồn thu cho ngân sách cấp huyện không đủ để cấp huyện chủ động thực hiện những nhiệm vụ chi được giao theo đúng quy định.
Còn về quản lý chi ngân sách nhà nước, tại các địa phương có tình trạng giao dự toán chi cho ngân sách cấp dưới và các đơn vị dự toán cấp tỉnh chưa tuân thủ định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên; giao dự toán cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo định mức, mà không căn cứ vào dự toán chi và nguồn thu sự nghiệp của đơn vị để xác định mức tự chủ và số ngân sách nhà nước cấp hàng năm, hoặc xác định sai mức tự chủ, dẫn tới cấp thừa kinh phí cho đơn vị…
Bên cạnh đó, một số đơn vị sự nghiệp có thu chưa thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; một số địa phương bố trí vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư cho các dự án đầu tư xây dựng mới các công trình; sử dụng nguồn tăng thu ngân sách chưa đúng nguyên tắc và thứ tự ưu tiên; chi chuyển nguồn sai quy định; xử lý kết dư không quy định, không ưu tiên trả nợ và lãi vay, không trích 50% bổ sung quỹ dự trữ tài chính theo quy định.
Về quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển, qua kiểm toán cũng cho thấy các dự án đầu tư công được duyệt còn nhiều hạn chế, tồn tại và sai sót. Cụ thể là: xác định quy mô, giải pháp thiết kế không hợp lý, không phù hợp với quy định, dẫn đến tình trạng trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh dự án, kéo dài thời gian đầu tư và làm tăng chi phí đầu tư xây dựng công trình; nhiều dự án tính sai khối lượng, áp sai định mức, đơn giá, xác định cấp đất, cấp đá, cự ly vận chuyển không chính xác, giải pháp thi công không hợp lý làm dự toán được duyệt, dự toán trúng thầu tăng cao không hợp lý, gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư…
GÓP PHẦN NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG
Nhiều gói thầu tổ chức đấu thầu, ký hợp đồng và khởi công khi chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, dẫn tới chậm tiến độ, kéo dài thời gian thi công, kinh phí tăng cao so với dự toán và tổng mức đầu tư được duyệt, do phải bù chênh lệch giá cho phần khối lượng chưa thực hiện do không giải phóng được mặt bằng.
Công tác lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu chưa đầy đủ nội dung, đưa ra tiêu chí làm hạn chế sự tham gia của một số nhà thầu, chưa phù hợp với hồ sơ thiết kế; hồ sơ mời thầu xác định hình thức hợp đồng trọn gói chưa phù hợp quy định; tiên lượng mời thầu sai so với thiết kế. Tỷ lệ tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng chưa đảm bảo quy định.
Ngoài ra, qua kiểm toán ngân sách địa phương, Kiểm toán nhà nước còn xác định các địa phương có sai sót, hạn chế trong lập và giao dự toán; quản lý, sử dụng nhà đất được giao không đúng quy định, không đúng mục đích sử dụng, xác định giá đất để tính tiền sử dụng đất của các dự án giao đất có thu tiền sử dụng đất chưa đúng, dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước…
Nói về kết quả của công tác kiểm toán, ông Vũ Khánh Toàn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực VI, chia sẻ thông qua hoạt động kiểm toán, hàng loạt văn bản có liên quan đến chính sách, chế độ quản lý tài chính công, tài sản công đã được đề nghị hủy bỏ, bổ sung cho phù hợp với thực tế.
Từ thực tiễn kiểm toán, Kiểm toán trưởng Kiểm toán nhà nước khu vực V Nguyễn Đức Tín cho biết hầu hết các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã được kiểm toán đều có những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công. Minh chứng rõ nhất là kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng được các đơn vị nghiêm túc thực hiện; tỷ lệ thực hiện năm sau cao hơn năm trước; các sai sót được đoàn kiểm toán chỉ ra các năm trước dần được chấn chỉnh và không còn lặp lại trong lần kiểm toán sau…
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải nhận định công tác kiểm toán nói chung, các báo cáo kiểm toán nói riêng là một trong những căn cứ rất quan trọng giúp cho Thành phố, lãnh đạo Thành phố có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn trong công tác quản lý, phát triển kinh tế, đặc biệt là việc khai thác, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn. Đối với các đơn vị khi được kiểm toán, cũng nhận ra những vấn đề chưa đầy đủ, còn sai sót để kịp thời khắc phục, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Còn ông Dương Huỳnh Khải Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau thì cho rằng qua kiểm toán, Kiểm toán nhà nước đã tư vấn và góp phần giúp HĐND tỉnh hoàn thiện hơn công tác chỉ đạo, điều hành; hỗ trợ cho công tác thẩm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, từ đó giúp nâng cao hiệu quả điều hành ngân sách của địa phương.
Theo Chiến lược Phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030, Kiểm toán nhà nước sẽ kiểm toán thường xuyên hằng năm đối với ngân sách địa phương. Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu này, số địa phương được kiểm toán đã tăng dần qua từng năm.
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/kiem-toan-nha-nuoc-da-thuc-hien-hang-nghin-cuoc-kiem-toan-ngan-sach-dia-phuong.htm