Bị quấy rối trong lúc tập chạy, nhiều phụ nữ bối rối, không biết cách xử lý và thậm chí bỏ chạy.
Cuối tuần qua, nữ runner Thanh An đăng bài trong một nhóm lớn về chạy bộ trên Facebook. Cô cầu cứu mọi người chỉ cách chống lại những tên biến thái khi chạy bộ ở khu vực gần Hồ Đá, thuộc thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Theo An, cô từng nhiều lần gặp tình trạng này, với nhiều kẻ quấy rối khác nhau mà không biết cách giải quyết.
“Tôi chạy bộ vào mỗi sáng, khoảng từ 5h đến 6h. Trước đây, tôi chỉ gặp biến thái khoe hàng rồi bỏ đi. Vài lần giáp mặt, tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý cho cảnh này. Tuy nhiên, gần đây, tên biến thái manh động, tiếp cận và động chạm cơ thể tôi, nên tôi hoảng. Tuyến đường này thường được một số bạn nữ chọn để tập chạy vì thông thoáng. Có lẽ vì thế nên lọt vào tầm ngắm của bọn quấy rối”, Thanh An kể.
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với Lan Anh – một runner khác ở TP HCM, khi cô tập vào sáng sớm ở đường Nguyễn cơ Thạch lên cầu Thủ Tiêm 1. Nhưng khác với Thanh An, khi bị kẻ quấy rối chạy xe bên cạnh đi theo một đoạn và làm nhiều động tác dung tục, runner sinh năm 1982 này phản ứng mạnh mẽ. “Tôi tấp vô lề, kiếm cục đá dọa thì nó bỏ đi. Một lúc sau, kẻ này lại tiếp cận, và tôi phải dùng lại chiêu cũ. Nhưng sau lần đó, tôi quyết định bỏ tập ở cung đường ấy, tìm nơi khác để chạy”, Lan Anh kể.
Vấn nạn phụ nữ bị quấy rối khi chạy bộ nghiêm trọng và phổ biến ở nhiều quốc gia. Hồi tháng Hai, Đại học Manchester (Anh) công bố khảo sát cho thấy hai phần ba phụ nữ từng đối mặt với các hành vi quấy rối khi chạy bộ, và chỉ 5% trong số này tố cáo với cảnh sát. Nhiều người thậm chí chấp nhận hứng chịu các hành vi quấy rối mỗi ngày, vì không biết cách giải quyết. Trước đó, hồi năm 2021, tạp chí Women’s Health cho biết 60% trong 2000 phụ nữ Mỹ tham gia khảo sát của họ cho biết từng bị quấy rối khi chạy bộ.
Năm ngoái, hãng đồ thể thao adidas thực hiện cuộc khảo sát trên 9000 runner tuổi từ 16 đến 34 từ chín quốc gia: Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Mexico, UAE, Pháp, Đức và Hàn Quốc. Kết quả, 92% runner nữ cho biết họ lo ngại cho sự an toàn của bản thân trong lúc chạy, với 51% lo ngại bị tấn công thể chất. Trong khi chỉ 28% runner nam lo ngại vấn đề này.
Hành vi quấy rối phổ biến là những lời nhận xét thô tục, ánh mắt soi mói, tiếng huýt sáo. Một số runner nữ còn bị kẻ quấy rối theo chân, bị tấn công thể chất… Kể quấy rối có thể ngang nhiên thực hiện hành vi giữa chốn đông người, chứ không cần đợi đến nơi vắng vẻ.
“Tôi từng bị quấy rối khi chạy bộ ở một công viên tại Hà Nội. Lúc đó khoảng 16h đến 17h, mọi người đi tập thể dục rất đông. Khi tôi chạy ngang qua một người đàn ông ngồi ở ven hồ thì bị trêu chọc bằng lời lẽ khiếm nhã. Bên cạnh có các cô, bác đang tập chảy aerobic nhưng chắc vì tiếng nhạc lớn, họ không nghe thấy. Tôi ngừng lại, lườm rồi chạy tiếp”, runner Bích Điệp ở Hà Nội kể lại.
Đối mặt với nạn quấy rối khi chạy bộ không phải điều dễ dàng. Trong bài đăng của runner Thanh An , nhiều người góp ý nhưng chưa tìm ra phương án thỏa đáng. Có người cho rằng phụ nữ có thể mang theo vũ khí phòng thân như dao, kéo, bình xịt hơi cay, roi điện hay gậy. Nhưng hành động này vi phạm pháp luật, có thể khiến khổ chủ gặp rắc rối.
Một số người cho rằng có thể đối phó bằng cách chạy nhanh hơn, hoặc rủ bạn nam chạy cùng. Nhưng với những người mới tập, chạy với tốc độ nhanh không dễ dàng. Nhiều phụ nữ cũng không muốn phụ thuộc vào người khác để đảm bảo an toàn cho mình. Có người khuyên Thanh An đổi đường chạy, nhưng tìm một khu vực thoáng đãng để yên tâm chạy không dễ. Chạy ở khu vực đông người thì lại bị soi mói.
Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân cũng góp phần khiến runner nữ rụt rè hơn trong việc chống lại nạn quấy rối. Nhiều phụ nữ bị quy kết là mặc đồ khêu gợi, khiến kẻ quấy rối không thể làm chủ hành vi. Có người được khuyên bớt trang điểm lại, thay đổi cách mặc đồ hay hóa trang thành đàn ông để bớt bị chú ý. Tập luyện chạy bộ nói riêng và thể thao nói chung là quyền tự do, bình đẳng của mỗi người. Dù vậy, nhiều phụ nữ phải chọn cách kiềm chế bản thân để thoát khỏi sự chú ý từ người lạ, chỉ để họ có cơ hội được chạy.
“Tôi muốn tập chạy bộ từ mấy năm trước rồi. Những lần trước, cứ gặp kẻ biến thái một, hai lần là tôi sợ, nghỉ ở nhà. Sau một vài lần bắt đầu lại, gặp kẻ biến thái khoe hàng, tôi đã bớt sợ. Nhưng thấy người đó chạy theo quay phim, tôi lại sợ và nghỉ chạy. Lần này, tôi rất quyết tâm. Mặc dù bị tấn công thể chất nhưng tôi chưa muốn bỏ chạy”, Thanh An chia sẻ.
Trong một cuộc khảo sát của tạp chí Runners World, 69% phụ nữ thực hiện các biện pháp tự đảm bảo an toàn trước khi chạy như buộc tóc cho giống đàn ông hay nhét chìa khóa giữa các ngón tay để sẵn sàng chống trả. Các nữ runner có lẽ cần sự chung tay từ các runner nam trong cuộc chiến họ có phần đơn độc. Cũng theo số liệu từ cuộc khảo sát này, 62% nam giới cho biết họ nhận thức về tình trạng này, nhưng chỉ 18% cho rằng nam giới có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn cho phụ nữ trong lúc chạy.
*Tên nhân vật trong bài đã đổi.
Quỳnh Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/van-nan-phu-nu-bi-quay-roi-khi-chay-bo-4745777.html