Giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh trong phiên giao dịch đêm qua và sáng nay (4/5), sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đúng như dự báo và phát tín hiệu dừng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, giá vàng miếng trong nước thậm chí không tăng mà còn quay đầu giảm nhẹ ở một số nơi.
Đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường New York, giá vàng giao ngay tăng 23 USD/oz, tương đương tăng hơn 1,1 USD/oz, chốt ở 2.040,6 USD/oz – theo dữ liệu từ Kitco.
Lúc hơn 9h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng thêm 6,3 USD/oz so với đóng cửa phiên Mỹ, đạt 2.046,9 USD/oz. Trước đó, giá vàng có lúc đạt mức cao nhất mọi thời đại 2.075,7 USD/oz, nhỉnh hơn kỷ lục thiết lập vào tháng 8/2020.
Quy đổi so với giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới hiện tương đương 58,3 triệu đồng/lượng, tăng hơn 800.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Trong khi đó, Tập đoàn Phú Quý tại Hà Nội giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán ra của vàng miếng SJC so với sáng qua, còn 67,3 triệu đồng/lượng. Giá bán tăng 50.000 đồng/lượng, lên mức 66,7 triệu đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 56,3 triệu đồng/lượng và 57,3 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá so với sáng hôm qua.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 66,65 triệu đồng/lượng và 67,25 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với sáng qua.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang chênh cao hơn 9 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 9,8 triệu đồng/lượng vào sáng hôm qua.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên mức 5-5,25%. Động thái này không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích. Tuy nhiên, Fed phát tín hiệu dừng tăng lãi suất – được cho là để giới chức Fed có một khoảng thời gian cần thiết cho việc đánh giá ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng ngân hàng, chờ giải pháp cho cuộc khủng hoảng trần nợ của Washington, và xác định hướng đi sắp tới của lạm phát.
Vàng là tài sản không mang lãi suất nên môi trường lãi suất cao đặt ra nhiều bất lợi đối với giá vàng từ đầu năm 2022 tới nay. Ngược lại, tín hiệu dừng tăng lãi suất của Fed đang mở ra cánh cửa cho giá vàng tăng cao hơn. Sự hỗ trợ này được cảm nhận rõ trên thị trường vàng, ngay cả khi Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo thị trường không nên kỳ vọng Fed giảm lãi suất trong năm nay.
Đồng USD giảm giá sau quyết định của Fed, hỗ trợ thêm cho giá vàng vì kim loại quý này được định giá bằng đồng USD. Sau khi giảm 0,6% trong phiên ngày thứ Tư, chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tiếp tục giảm thêm 0,25% trong phiên sáng nay, về ngưỡng 110,1 điểm.
Thị trường lãi suất tương lai ở Mỹ đang nghiêng về khả năng Fed không tăng lãi suất trong cuộc họp vào tháng 6 và tháng 7.
Ngoài các yếu tố kể trên, giá vàng còn đang hưởng lợi từ nhu cầu phòng ngừa rủi ro liên quan đến cuộc khủng hoảng ngân hàng và khủng hoảng trần nợ Mỹ. Tuy nhiên, cũng chính những yếu tố này có thể khiến giá vàng biến động theo cả hai chiều.
“Mối lo ngại về các ngân hàng khu vực và trần nợ Mỹ cho thấy giá vàng sẽ còn nhiều biến động”, nhà phân tích Suki Cooper của Standard Chartered nhận định với hãng tin Reuters.
Giá vàng thế giới đã tăng 1% trong tháng 4 khi khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ thúc đẩy nhu cầu phòng ngừa rủi ro.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 23.305 đồng (mua vào) và 23.645 đồng (bán ra), tăng 15 đồng ở mỗi đầu giá so với trước khi nghỉ lễ 30/4-1/5.