“Aliss bên đám lửa” tiêu biểu cho lối viết theo “chủ nghĩa tối giản’ của Fosse – giải Nobel Văn học 2023.
Dù còn xa lạ với độc giả châu Á, Jon Fosse nổi tiếng từ lâu ở châu Âu. Ông là nhà soạn kịch còn sống có tác phẩm được biểu diễn nhiều nhất châu Âu, được dịch sang 40 ngôn ngữ, tiếp nối sự cách tân của truyền thống kịch do Henrik Ibsen thiết lập vào thế kỷ 19.
Các tác phẩm văn xuôi của ông được đánh giá cao với lối viết hậu hiện đại và tính tiên phong, giúp ông được đề cử và chiến thắng nhiều giải thưởng văn chương uy tín tại châu Âu và quốc tế.
Trong nước, sáu tháng sau khi giải Nobel Văn chương 2023 được trao cho Fosse, hai cuốn sách Ánh sáng trắng và Aliss bên đám lửa của ông nhanh chóng được chuyển ngữ và giới thiệu đến bạn đọc.
Trong các sách của ông, Aliss bên đám lửa là tác phẩm nổi tiếng và được dịch sớm nhất. Nội dung xoay quanh Signe, người phụ nữ quẩn quanh trong căn nhà hàng trăm năm tuổi bên một bờ vịnh. Jon Fosse xóa mờ ranh giới thời gian, trong đó Signe ở tuổi 20 ngóng trông người chồng – Asle – trở về, hay như nhân vật vào độ trung niên, trầm ngâm suy nghĩ về những gì từng xảy ra với Asle trong nhiều thế hệ gia đình ông.
Fosse từng tiết lộ những gì ông viết không phải sáng tác, mà đã ở sẵn trong đầu ông, chờ đợi được định hình trên trang giấy. Sách được viết một mạch, không phân đoạn với những câu văn dường như nối đuôi nhau vô tận. Những hành động lặp đi lặp lại như: Đứng bên cửa sổ, nằm dài trên ghế, đi nhóm lửa lên của nhân vật Signe, hoặc việc trăn trở có nên ra vịnh vào một ngày giông của Asle là “điểm neo”, giúp giữ tác phẩm có sự thể nghiệm về nghệ thuật viết, đồng thời vẫn dễ đọc.
Dịch giả Bùi An Bình so sánh việc dịch Fosse giống như thiền. Trong đó, sự phức tạp hay hoa mỹ đều không trung thành với văn bản gốc của tác giả. Từ ngữ ông dùng không phức tạp, chúng giản dị và mô tả những gì đang xảy ra. Những đặc trưng này góp phần tạo nên điều được gọi là “chủ nghĩa tối giản Fosse”.
Bằng cách đặt những câu văn nằm liền kề nhau, Fosse tái hiện nỗi trăn trở không có lời đáp của con người. Các nhân vật không thể tìm được câu trả lời hay những quyết định cho cuộc đời. Họ cứ quẩn quanh bởi những câu hỏi, di chuyển vô hướng và rồi lạc lối trong suy tư. Thông qua nghệ thuật viết mới lạ, Fosse khơi dậy cảm xúc, tình thế của những nhân vật chìm đắm trong thế lưỡng nan của đời họ, từ đó biến một câu chuyện riêng tư trở nên mang tính phổ quát hơn.
Bên cạnh độc đáo về thể nghiệm viết, Aliss bên đám lửa cho thấy việc khắc họa nỗi đau và tác động lâu dài của nó. Bằng cách xóa nhòa các dòng thời gian giữa hai nhân vật Asle và Signe, Fosse làm rõ đặc tính di truyền và tính bền vững của nỗi đau, khi dẫu đã qua biết bao thời gian, sự mất mát vẫn còn lại đó, không ngừng tác động đến tâm tư con người.
Với Signe, đó là nỗi dằn vặt liệu Asle có quay trở về nếu cô ngăn anh ra vịnh vào ngày hôm ấy? Còn với Asle, đó là tiếng gọi của tổ tông, của nguồn cội, khi ông cố Kristoffer cũng như anh trai của ông nội anh cũng từng đi theo những nỗi thôi thúc của nơi bờ vịnh. Với Asle, đó là động lực nguyên sơ, là một bản năng mà bản thân anh không thể giải thích, không thể cưỡng lại.
Những trải nghiệm này đậm tính tâm linh, là thôi thúc bắt nguồn bên trong mỗi người. Jon Fosse từng tiết lộ một trải nghiệm cận tử đưa ông đến nghệ thuật. Và trong các tác phẩm văn chương của ông, độc giả cũng thường thấy những trải nghiệm này có vị trí lớn, chi phối nhân vật.
Một điểm nữa dễ nhận thấy là Fosse kết hợp một cách nhuần nhuyễn yếu tố địa phương truyền thống cùng phong cách thể nghiệm hiện đại. Theo đó, phong cảnh Na Uy hiện lên trong tác phẩm này một cách khác biệt, với các mô tả về địa hình, khí hậu, thời tiết đặc trưng.
Với tác phẩm này, tạp chí The Atlantic đặt Fosse ngang hàng với William Faulkner, viết: “Thông qua những giọng nói, câu chuyện liên tục ngắt quãng và giao thoa nhau, Fosse nắm bắt được nỗi đau buồn, tình yêu và những điều không nói thành lời”. Publishers Weekly cho rằng ở tác phẩm, “gánh nặng to lớn của di sản gia đình, ký ức và bi kịch va chạm nhau, từ đó tạo ra những hiệu ứng vừa gây hoang mang lại vừa soi sáng một góc tâm hồn”.
Jon Fosse, 65 tuổi, là nhà văn Na Uy thứ tư đoạt Nobel Văn học, đồng thời là người đầu tiên viết bằng tiếng Nynorsk (hay còn gọi là tiếng Na Uy mới) – phương ngữ phổ thông tại Na Uy – được gọi tên ở giải thưởng danh giá. Ông có 70 cuốn tiểu thuyết, thơ, sách thiếu nhi, tiểu luận và kịch sân khấu.
Sắp tới, tác phẩm Ba hồi kịch (tên tiếng Anh: Trilogy), Ban ngày và Đêm muộn (Morning và Evening) của ông ra mắt trong nước.
Minh Ngô
Nguồn tin: https://vnexpress.net/aliss-ben-dam-lua-chu-nghia-toi-gian-fosse-4743675.html