Thừa Thiên – HuếNhững bản đúc nổi trên bảo vật quốc gia Cửu đỉnh ở Thế Tổ Miếu được UNESCO công nhận di sản tư liệu thế giới, ngày 8/5.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết hồ sơ Cửu đỉnh – Hoàng cung Huế đã được đưa vào Danh mục ký ức thế giới tại hội nghị toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (UNESCO) tổ chức ở Mông Cổ.
Cửu đỉnh là 9 chiếc đỉnh đồng lớn được vua Minh Mạng cho đúc năm 1835, với hơn 20.000 kg đồng, chì, kẽm và hoàn thành năm 1837, được đặt trước sân Thế Tổ Miếu ngay từ khi ra đời đến nay.
Cả 9 chiếc đỉnh đều có hình dáng giống nhau: Bầu tròn, cổ thắt, miệng loe, trên miệng có hai quai, dưới bầu có 3 chân. Mỗi chiếc đỉnh cao 2,3-2,5 m, thiết kế quai và chân riêng biệt. Trọng lượng mỗi đỉnh từ 3.200 đến hơn 4.300 kg. Trên thân đỉnh có các dòng ghi chú bằng chữ Hán về niên đại, trọng lượng và tên đỉnh, kèm hình tượng chạm nổi núi sông, văn vật nước Đại Nam thế kỷ 19.
Vua Minh Mạng cho đúc Cửu đỉnh nhằm biểu thị sự trường tồn của triều đại, sự giàu đẹp và thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Đây là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp, được giới nghiên cứu Việt Nam và nước ngoài đánh giá cao.
Đến nay, Thừa Thiên Huế đã có 6 di sản thế giới, gồm: Quần thể di tích cố đô Huế; nhã nhạc, âm nhạc cung đình Việt Nam; mộc bản triều Nguyễn; châu bản triều Nguyễn; thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế; những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh.
Võ Thạnh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ban-duc-noi-tren-cuu-dinh-duoc-cong-nhan-di-san-tu-lieu-the-gioi-4743548.html