Bài viết dưới đây là của Lý Xuân Hoa được chia sẻ trên diễn đàn Toutiao.
Năm 2008, vợ chồng tôi từ quê hương Hồ Bắc đến Thâm Quyến, Trung Quốc làm việc. Sau 6 năm làm và tích luỹ, năm 2014, chúng tôi tiết kiệm được 150.000 NDT. Lúc đó tôi rất muốn mua nhà nhưng sau khi xem xét giá nhà đất ở Thâm Quyến thì số tiền này không đủ để đặt cọc.
Trong khi đó giá nhà ở Huệ Châu, Quảng Đông rẻ hơn nhiều. Vợ chồng tôi quyết định mua căn hộ 3 phòng ngủ rộng 100m2 giá 500.000 NDT với khoản trả trước 150.000 NDT, số còn lại được vay ngân hàng.
Năm 2016, chúng tôi nhận bàn giao nhà và có sửa chữa thêm phù hợp với mục đích sử dụng. Đúng năm 2017, tôi đón bố mẹ chồng và các con về đây ở. Tuy nhiên được một thời gian, ông bà muốn về quê vì không quen ai ở đây nên luôn cảm thấy buồn. Vì chúng tôi làm việc ở Thâm Quyến nên không tiện trông con. Các con theo ông bà về quê. Kể từ đó, ngôi nhà bỏ trống.
Chán cuộc đời làm thuê
Sau vài năm làm việc ở Thâm Quyến tôi dần cảm thấy mệt mỏi. Bởi kể từ khi mua nhà, lại thuê nhà ở Thâm Quyến, dường như tiền lương của tôi bỏ hết vào tiền nhà. Năm ngoái, tôi chia sẻ với chồng về chuyện nếu mãi làm thuê sẽ không có tương lai nên có ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh nhỏ. Sau khi nghe lời đề nghị này, tôi không ngờ chồng mình tán thành.
Vào thời điểm đó, chúng tôi muốn mở một cửa hàng ăn sáng. Tuy nhiên khi chia sẻ ý tưởng này với một người bạn, cô ấy đã ngăn lại. Người bạn khác của tôi tên Hoa Thương, điều hành một cửa hàng làm đẹp ở Thâm Quyến đã đạt tự do tài chính khuyên tôi nên mở quán trà sữa.
Sau nhiều năm ở Thâm Quyến, tôi cũng nhận thấy những quán trà sữa kinh doanh rất tốt và thường đông nghịt khách. Tuy nhiên tôi không hiểu về công nghệ và cách vận hành nên không biết bắt đầu từ đâu. Ngay khi đó, Hoa Thương đã cho tôi thông tin liên lạc.
Sau khi về nhà, tôi đã liên hệ với người phụ trách một thương hiệu trà sữa. Ở đầu dây bên kia, ngay sau khi tôi đặt vấn đề, người đàn ông đã tự tin nói: “Chị ơi nếu chị gọi cho tôi là chị tìm đúng người rồi. Thương hiệu của chúng tôi hiện đang rất nổi tiếng. Nhiều người muốn nhượng quyền mà không được. Tuy nhiên do chị là bạn của Hoa Thương nên chắc chắn sẽ được”.
Người này cũng cho biết thêm một năm qua những người kinh doanh thương hiệu trà sữa này đều có thu nhập hàng năm ít nhất 2 triệu NDT. Việc mua được biệt thự, xe sang không có gì to tát.
Hôm đó, tôi đã nói chuyện với người đàn ông này hơn một giờ đồng hồ. Với những hứa hẹn về thành quả có được, nhiệt huyết khởi nghiệp cứ thôi thúc trong tôi.
Với sự sắp xếp của người chủ thương hiệu trà sữa, tôi và chồng đã xin nghỉ một tuần để đến Thượng Hải nhằm thăm trụ sở chính của thương hiệu này. Khi chúng tôi đến đó, những người ở trụ sở tiếp đón rất niềm nở và được thưởng thức hương vị trà sữa. Vợ chồng tôi cảm thấy hương vị đồ uống rất ngon. Các nhân viên ở trụ sở chính cũng rất chuyên nghiệp, đồ uống được phục vụ sạch sẽ.
Sau đó tôi đề cập phí nhượng quyền là bao nhiêu. Người này cho biết hiện thương hiệu đang giảm giá phí nhượng quyền. Sau khi giảm giá, chi phí còn 200.000 NDT.
Chủ thương hiệu trà sữa vẽ ra một tương lai tươi sáng: “Nếu hoạt động tốt, các chi nhánh của chúng tôi thường bán được 1.000 cốc/ngày. Doanh thu hàng ngày là 15.000 NDT, tương ứng 450.000 NDT/tháng. Sau khi trừ đi tiền nhân công, thuê nhà, điện nước, chủ cửa hàng sẽ nhận về khoảng 310.000 NDT/tháng.
Chi phí đầu tư một lần khoảng 400.000 NDT. Với tên tuổi của thương hiện, bạn có thể hoàn vốn trong 2 tháng, chậm nhất cũng chỉ 3 tháng nên không cần lo lắng về bất kỳ rủi ro nào”.
Bán nhà để có tiền mở tiệm trà sữa
Với những lời quảng cáo bùi tai, sau khi từ Thượng Hải trở về, chúng tôi vay mượn khắp nơi để có được 400.000 NDT nhằm mở cửa hàng trà sữa. Tuy nhiên do là số tiền lớn nên cũng khó có thể vay mượn hết được. Lúc này tôi chợt nghĩ ra việc bán căn nhà ở Huệ Châu. Dù sao thì căn nhà này cũng đang để trống. Khi đề xuất điều này với chồng, tôi không ngờ anh đồng ý.
Do căn nhà có thiết kế đẹp nên thu hút nhiều người đến xem. Sau một tháng ngôi nhà đã được bán. Căn nhà được mua với giá 500.000 NDT. Sau 8 năm, chúng tôi bán được 1,05 triệu NDT.
Sau khi nhận được tiền bán nhà, chúng tôi lập tức đến Thượng Hải để ký kết hợp đồng và trả khoản phí chuyển nhượng 200.000 NDT. Ngay sau đó, chúng tôi cũng lập tức xin nghỉ việc ở nhà máy để dồn thời gian tìm mặt bằng kinh doanh.
Một tháng sau chúng tôi đã tìm được một căn nhà ở ngay gần ga tàu điện với diện tích tương đối rộng.
Chủ nhà đưa ra điều kiện khá “chặt’, ký hợp đồng 3 năm với tiền cọc 120.000 NDT, còn giá thuê nhà là 30.000 NDT. Lúc đó tôi cho rằng những điều kiện này không thành vấn đề bởi dù sao tôi cũng mong kinh doanh lâu nhất có thể.
Về khoản trang trí cửa hàng, chúng tôi phải làm đúng theo tiêu chuẩn của thương hiệu, cần khoảng 200.000 NDT. Nghe con số này vợ chồng tôi khá sửng sốt. Bởi lúc đầu chúng tôi nghĩ cao nhất là 60.000-80.000 NDT. Lúc này chúng tôi muốn cắt giảm khoản này để tự trang trí cho tiết kiệm nhưng phía thương hiệu không đồng ý.
Cuối cùng, chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài thoả hiệp. Vào lúc này, tôi nhận ra rằng mình như đang bị “chặt chém” và rơi vào cái bẫy của thương hiệu. Sau nửa tháng, cửa hàng trà sữa cuối cùng cũng hoàn thiện.
Để chuẩn bị cho hoạt động kinh doanh, tôi tuyển thêm 4 nhân viên. Trước khi khai trương, 4 người này đã được đưa đến trụ sở chính ở Thượng Hải để đào tạo miễn phí. Sau khi trở về từ Thâm Quyến, chúng tôi phải đầu tư mua thiết bị và nguyên liệu. 200.000 NDT là số tiền tiếp theo chúng tôi phải bỏ ra.
Dường như số vốn đang đội lên quá nhiều so với dự tính ban đầu. Tuy nhiên do là thương hiệu nhượng quyền nên tôi không còn cách nào khác là đâm lao phải theo lao. Ước tính, chúng tôi đã chi đến 750.000 NDT (khoảng 2,5 tỷ đồng).
Cửa hàng mở được 6 tháng phải đóng cửa
Sau khi mọi thứ đã sẵn sàng, cuối cùng chúng tôi quyết định khai trương mở bán. Theo yêu cầu của phía thương hiệu, chúng tôi sẽ phải giảm giá 40% giá bán để thu hút khách hàng trong tuần đầu.
Khi mới mở, hoạt động kinh doanh rất tốt, doanh thu mỗi ngày lên đến 3.000-4.000 NDT. Tuy nhiên do giảm giá cao nên lãi không được nhiều. Dẫu vậy vợ chồng tôi an ủi nhau cái gì mới cũng cần phải có thời gian. Song, một tuần ngay sau khi đợt giảm giá kết thúc, trở lại giá bán ban đầu, công việc kinh doanh của cửa hàng lập tức sa sút. Doanh số bán hàng ngày không bằng ⅓ so với những ngày đầu khai trương.
Thêm nữa, sau khi ông chủ thương hiệu không còn giám sát ở chi nhánh, những nhân viên trong cửa hàng pha trà sữa không ngon như trước. Thời gian sau đó, việc kinh doanh ngày càng chậm dần, thậm chí tôi phải cắt giảm nhân viên, chưa kể tiền thuê nhà còn lên đến 30.000 NDT/tháng.
Để kiếm được tiền từ phí nguyên liệu, chủ thương hiệu quy định nếu gói nguyên liệu đã mở thì chỉ được phép dùng trong ngày. Nếu không dùng hết thì buộc phải đổ đi. Tuy nhiên, do cửa hàng của tôi không bán chạy song phải tuân theo quy định này nên một lượng lớn nguyên liệu bị lãng phí.
Trong những ngày tiếp theo, doanh thu hàng ngày chưa đạt được 1.000 NDT. Với mức thu này, chúng tôi ước tính không đủ trả tiền thuê nhà chứ đừng nói đến việc trả lương cho nhân viên. Kiên trì bám trụ đến tháng thứ 6, chúng tôi phải tuyên bố đóng quán.
Sau khi đóng cửa, tôi làm một phép toán và nhận ra toàn bộ số tiền 750.000 NDT chúng tôi đầu tư đã mất trắng. Bây giờ nghĩ lại, lòng tôi đầy hối hận. Tôi cảm thấy như mình đã hoàn toàn rơi vào cái bẫy của thương hiệu. Tôi đã vất vả ngược xuôi nhưng không lãi một đồng nào mà còn mất 750.000 NDT (2,5 tỷ đồng).
Theo Toutiao