Qua nhiều năm, ông Phan Văn Phúc, 71 tuổi, huyện Hoà Bình, khai phá nhiều đất đai hoang hóa để làm muối, thu lãi hơn tỷ đồng mỗi vụ.
Ngày đầu tháng 5, một trong những cánh đồng muối rộng hơn 2 ha của gia đình ông Phúc ở ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Thịnh, đang vào cao điểm thu hoạch. Dưới cái nắng rực lửa, nhân công tất bật cào, vác muối kịp giao cho khách hàng.
Cha mẹ ông Phúc là một trong những diêm dân đầu tiên khai phá vùng đất hoang hóa ở xã Vĩnh Thịnh, tạo nên những cánh đồng muối bạt ngàn. Tiếp nối truyền thống gia đình, năm 1979, ông Phúc xuất ngũ rồi về quê lấy vợ, khởi nghiệp từ nghề muối.
Ban đầu, ông Phúc khai phá khoảng 6 ha đất ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh. Khu vực này đất hoang hóa, phèn mặn, mọc đầy cây mắm, vợ chồng ông tạo mặt bằng, đắp bờ bao xung quanh để làm muối. Thời gian đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm cộng thêm bờ bao không kiên cố nên sản lượng rất thấp.
Ông Phúc bỏ ra khoảng 50 triệu đồng đầu tư, song 2 năm đầu phải chịu lỗ. Đến năm thứ 3, ruộng muối của gia đình mới cho năng suất ổn định, ông bắt đầu huề vốn. Một năm sau, hoạt động sản xuất dần nâng cao, gia đình ông sống được với nghề.
“Thời điểm này tôi thường xuyên phải thức trắng đêm canh lấy nước biển đưa vào sân muối”, ông Phúc nói. Nước biển được dẫn lên ruộng sau đó trải qua quá trình bốc hơi dưới ánh mặt trời, rồi kết tinh thành hạt muối. Toàn bộ quá trình mất khoảng 2 tháng. Vụ muối rơi vào 4 tháng bắt đầu từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau. Mỗi vụ nông dân có thể thu hoạch 3-4 lần.
Có lãi từ nghề, ông Phúc tích lũy mua thêm đất, mở rộng diện tích sản xuất. Đến năm 2000, ông sở hữu 45 ha đất làm muối, mỗi năm thu hoạch trên 75.000 giạ muối (mỗi giạ 30 kg). Đến nay ông là người có diện tích sản xuất muối quy mô lớn nhất vùng. Mỗi vụ ông thu lợi nhuận khoảng một tỷ đồng.
Theo ông Phúc, nghề muối có nghịch lý hễ năm nào trúng đậm, giá sụt giảm, còn năm nào thời tiết không thuận lợi, sản lượng thấp, giá tăng cao. Chính sự không ổn định về sản lượng và giá cả, thu nhập của diêm dân bấp bênh. Nhiều hộ ít vốn, thiếu kho bảo quản dễ lâm cảnh túng thiếu, phải bỏ nghề.
Nhiều năm theo nghề, ông Phúc cho rằng để làm được hạt muối đạt chất lượng, nông dân cần chuẩn bị làm sân thật bằng phẳng, sạch sẽ, nguồn nước luôn được đảm bảo. Đây cũng chính là điều kiện khiến hạt muối đạt độ mặn nhưng không chát đắng, thị trường ưa chuộng.
Ông cho biết thường giá muối sẽ có chu kỳ 3-4 vụ tăng cao một lần. Người sản xuất sau khi thu hoạch bán liền giá sẽ không cao, nhất là những năm trúng mùa, sản lượng lớn. Vì vậy ông chủ động xây nhiều kho để trữ lại, khi giá cả phù hợp mới xuất bán.
Nhờ gắn bó với nghề muối, gia đình ông Phúc trở nên khấm khá. Hiện ông có hơn 20 ha đất sản xuất muối, ba kho trữ với sức chứa khoảng 30.000 giạ, 2 ha để đầu tư trải bạt làm muối trắng. Ông truyền nghề, cho các con nhiều ruộng làm muối để lập nghiệp.
Ông Trần Minh Đức, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, cho biết gia đình ông Phúc là hộ sản xuất muối có diện tích lớn nhất ở địa phương. Ông thường xuyên hỗ trợ các hộ cùng nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi ở xã.
Bạc Liêu là một trong những tỉnh có diện tích muối lớn nhất nước với gần 1.400 ha. Sản xuất muối là nghề truyền thống tại địa phương với bề dày hơn 100 năm. Năm 2020, nghề làm muối ở tỉnh được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Muối Bạc Liêu không chỉ được sử dụng rộng rãi trong nước mà còn được xuất khẩu sang các nước, nhất là thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc… Để bảo tồn, nâng cao hiệu quả nghề muối tại địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 130 tỷ đồng cho đề án nâng cấp cánh đồng muối của tỉnh.
Chúc Ly
Nguồn tin: https://vnexpress.net/ty-phu-muoi-o-bac-lieu-4739278.html