Wellbeing không phải chỉ là “xu hướng”
“Wellbeing” thoạt nghe là một khái niệm khá “kêu” và xa lạ, nhưng thực chất, là tổng hòa của nhu cầu cảm xúc, sức khỏe và các mối quan hệ của mỗi con người.
Nhưng mỗi đứa trẻ, lại có những “màu sắc” cảm xúc và suy nghĩ khác nhau. Nhiều cha mẹ chia sẻ rằng, họ cảm thấy loay hoay trong việc nhận biết nhu cầu phát triển của con để hướng dẫn sao cho hợp lý.
Hơn nữa, thế giới con trẻ đang sống khác rất xa so với thời của những ông bố bà mẹ ngày trước. Một ví dụ điển hình luôn khiến chúng ta đau đầu, là trong khi chúng ta mong muốn con ra ngoài vận động, thì sự hấp dẫn của internet và vô vàn ứng dụng giải trí ra đời như Youtube, Tiktok… khiến con thu mình lại, trầm trọng đến mức nhiều phụ huynh không thể trò chuyện với con được nữa.
Đây là lúc, việc học “Wellbeing” trở nên cấp thiết và quan trọng, không chỉ đối với con cái mà cả với cả người lớn.
Học sinh UTS đang “học hạnh phúc” như thế nào?
Tại trường Quốc tế Nam Mỹ UTS, đây là năm thứ 3 áp dụng Wellbeing vào chương trình đào tạo, với môn học cốt lõi là Wellbeing – Sức khỏe và Quản lý cảm xúc xã hội, thuộc hệ Chương trình Quốc tế Oxford (OIC). Môn học được xây dựng dựa trên 2 phương pháp tiếp cận cốt lõi: Tư duy phát triển (Growth Mindset) giúp nuôi dưỡng niềm tin của học sinh rằng trí thông minh và kỹ năng của các em có thể trau dồi, và Sự chánh niệm (Mindfulness) giúp nuôi dưỡng sự chú tâm, lòng tốt, sự thấu cảm và kỹ năng quản lý cảm xúc.
Qua từng cấp lớp, bài học được xây dựng từ đơn giản đến chuyên sâu theo từng khía cạnh chính. Đơn cử, với khía cạnh về Chăm sóc cơ thể, học sinh Tiểu học bắt đầu với những bài học đơn giản như thiết kế thực đơn yêu thích, còn học sinh Trung học tìm hiểu về nhịp độ của giấc ngủ, hoặc thực hành những bài tập thư giãn tâm trí. Hoặc ở khía cạnh Chăm sóc các mối quan hệ, học sinh tìm hiểu về lòng biết ơn, kỹ năng giao tiếp hàng ngày.
Để tất cả các em học sinh đều tiếp cận dễ dàng với những khía cạnh về sức khỏe và hạnh phúc, thì việc đặt vấn đề sao cho dễ hiểu – dễ nhớ – dễ làm là những gì mà các thầy cô tại UTS đang tích cực thực hiện. Mục sở thị vào một lớp học Wellbeing của các em học sinh khối 3 tại UTS, thầy Liam bắt đầu tiết học bằng hướng dẫn đo và so sánh nhịp tim khi ở trạng thái bình thường và sau hoạt động chạy nhảy. Bằng việc thực hành “lắng nghe nhịp tim”, các em đã trở nên hứng thú hơn bao giờ hết với trải nghiệm làm “bác sĩ nhí” và đồng thời ghi nhớ lâu hơn về lời dặn “một trái tim khỏe mạnh cho một sức khỏe kiên cường”.
Wellbeing tại UTS kết hợp từ Tư duy phát triển và Sự chánh niệm
Nhưng không chỉ dừng lại ở chương trình học, trường Quốc tế Nam Mỹ UTS còn đề cao việc thực hành Wellbeing ở đời sống học đường của học sinh và giáo viên. Nhà trường đã thành lập “Wellbeing Committee – Hội đồng Hạnh phúc” để đảm bảo sự phát triển an toàn và vui vẻ mỗi ngày của tất cả mọi thành viên. Bất kỳ học sinh nào có khó khăn hay tâm tư trong cuộc sống, các em cũng có thể tìm tới Phòng chăm sóc sức khỏe tinh thần và Tham vấn tâm lý để được giãi bày, tìm lời khuyên.
Sang năm học tới, nhà trường chia sẻ về kế hoạch “phủ rộng” và “đào sâu” việc học Wellbeing qua việc áp dụng chương trình này đến rộng rãi độ tuổi và hệ chương trình học. Đồng thời, cả những bậc phụ huynh cũng có thể tiếp cận và “học hạnh phúc” cùng con qua nhiều buổi tập huấn, lớp học trải nghiệm cuối tuần mà trường UTS tổ chức định kỳ. Bởi cốt lõi của Wellbeing chỉ ra rất cụ thể rằng, hạnh phúc của một đứa trẻ được xây dựng từ sự phối hợp giữa cả gia đình và trường học.
Học sinh UTS hạnh phúc trong tiết học tại trường
Học sinh hạnh phúc hơn sẽ học tập tốt hơn
Để nhận biết một ngôi trường có thật sự “khỏe và hạnh phúc” hay không, rõ rệt nhất có thể nhận thấy ở phong thái của học sinh. Bước vào trường UTS, rất nhiều phụ huynh ngạc nhiên vì “Học sinh trường này năng động quá!”. Các em tươi vui, nhiều năng lượng, say mê khi thuyết trình hay phát biểu, nhưng luôn lễ phép chào hỏi người lớn. Không khí trong trường học cũng vì thế mà rất thân thiện và đầy sự tôn trọng giữa người với người.
Sau quá trình triển khai Chương trình Quốc tế Oxford tại trường Quốc tế Nam Mỹ UTS, có thể thấy được những kết quả tích cực trong quá trình học tập của học sinh. Không chỉ ở trong giờ học Wellbeing, mà ngay cả khi học Toán, Khoa học hay tiếng Anh thì tinh thần wellbeing vẫn được thể hiện rõ trong các hoạt động học tập. Cô Nguyễn Thị Ngọc Lan – Hiệu trưởng UTS chia sẻ: “Ngay cả các bạn nhỏ lớp 1, sau quá trình học tập cũng đã bắt đầu biết gọi tên cảm xúc của mình. Đó là một bước rất quan trọng đối với học sinh, vì từ đó khi lên các lớp lớn hơn, các con biết kiểm soát cảm xúc của mình.”
Một trong những bài học được yêu thích của các bạn học sinh Tiểu học là “Acts of kindness” – những hành vi của lòng tốt. Các em không chỉ thực hành những hành động tử tế, mà còn chia sẻ điều đó với học sinh trường khác trong hệ thống các trường học đang giảng dạy Chương trình Quốc tế Oxford. Cô Cao Mỹ Ngọc – Quản lý Chương trình Quốc tế tại UTS chia sẻ: “Rất dễ để người lớn kể một câu chuyện về sự tử tế, lòng thương hay nhắc nhở trẻ ‘Be nice’. Tuy nhiên, vẫn có một khoảng cách nhất định từ nhận biết đến thực hành ý niệm này. Chương trình OIC chính là giải pháp. Trẻ được học và hành, dù ở một chủ để tưởng chừng chỉ người lớn mới có thể thực làm được.”
Có thể nói, sau 3 năm áp dụng vào chương trình đào tạo, Wellbeing như một “làn gió mát lành” và đầy hứng khởi tác động tích cực lên sự phát triển của học sinh.
Đặc biệt, trong việc áp dụng Wellbeing cho trẻ, chính phụ huynh và thầy cô cũng phải trở thành người tích cực để trẻ hạnh phúc theo, bởi hạnh phúc cũng có tính lan truyền. Anh Trần Triều – phụ huynh có con học tại UTS chia sẻ: “Tôi đưa con đến trường, khi chào tạm biệt, tôi không chúc con đạt điểm cao mà chúc con học vui. Tôi biết có không ít phụ huynh khác cũng vậy. Nhiều người muốn con hạnh phúc khi đến trường. Mà nếu đứa trẻ hạnh phúc, việc đạt kết quả tốt trong học tập sẽ đến như lẽ tất yếu.”
Nguồn tin: https://cafef.vn/hoc-ve-suc-khoe-va-hanh-phuc-tai-truong-quoc-te-nam-my-uts-188240415124445109.chn