Không CV chỉn chu, không khoe bằng cấp, Phương Nhi đăng bản tin 50 chữ tìm việc trên mạng xã hội và thu hút 10.000 lượt tiếp cận.
Cô gái 27 tuổi ở Hà Nội cho biết bắt đầu dùng Threads – mạng xã hội của Meta ra mắt năm 2023 – vài tháng nay. Gần đây Nhi thấy đang đang có trào lưu tìm việc ở đây nên cũng thử sức.
Cô đang làm việc cho một hãng hàng không nhưng tính cách thích theo xu hướng nên vẫn muốn tìm một môi trường với ngành làm việc khác nổi trội và trẻ trung hơn.
Nhận thấy Threads đang trở thành “vựa công việc”, hôm 12/4, Hoàng Nam, 25 tuổi, ở TP HCM cũng quyết định “rao bán mình”. Trong bài đăng 70 chữ, Nam cung cấp ba thông tin cơ bản là ứng tuyển vào vị trí UX/UI Designer (thiết kế giao diện và trải nghiệm người dùng), đường link dẫn tới hồ sơ ứng tuyển, cũng như thông tin liên hệ.
“Bạn mình khoe tìm được công việc xịn trên này nên cũng muốn thử xem sao”, Nam nói.
Nhiều nhà tuyển dụng cũng đang nắm bắt xu hướng này. “Nghe nói Threads đang là nơi tuyển dụng hiệu quả, mong rằng chúng ta có thể sớm tìm thấy nhau”, Bế Hoàng Mai, bà chủ một chuỗi shop thời trang ở Hà Nội viết trong một bài đăng hôm 13/4.
Nữ doanh nhân cho biết chuẩn bị mở một cửa hàng mới ở phố Bà Triệu nên có nhu cầu tuyển nhân viên bán hàng. Mấy người bạn của Mai đã tìm được nhân sự từ đây nhanh và hiệu quả hơn hẳn các cách thức khác. “Trên các mạng xã hội khác phải chạy quảng cáo mới tìm được ứng viên, nhưng ở đây tôi đăng sau vài tiếng đã có 5 hồ sơ gửi về”, Mai cho hay.
Nhưng các nhà tuyển dụng cũng cho biết ở đây hầu hết chỉ có Gen Z, những người sinh từ năm 1997 đến 2012, ứng tuyển.
Theo báo cáo của McKinsey & Company, một nửa Gen Z đã bắt đầu gia nhập lực lượng lao động và đã chiếm 1/4 lực lượng lao động toàn cầu, tính đến năm 2023. Là thế hệ kỹ thuật số, họ lớn lên với công nghệ và Internet, các thiết bị điện tử, cũng như sự bùng nổ của truyền thông xã hội. Họ nhanh nhạy hòa mình vào thế giới, tức thì kết nối với các nền văn hóa, vấn đề và tin tức so với các thế hệ đi trước.
“Họ cũng đang làm nên cuộc cách mạng trong tuyển dụng”, ông Bùi Đoàn Chung, người sáng lập cộng đồng Nghề nhân sự Việt Nam, cho biết.
Theo ông, tại Việt Nam Gen Z hiện chiếm khoảng 1/3 lực lượng lao động. Họ năng động hơn, chủ động hơn trong việc tiếp cận nhà tuyển dụng và thường sử dụng phong cách ứng tuyển “không giống ai” hoặc từ chối những yêu cầu về hình thức, nội dung của hồ sơ ứng tuyển.
Đầu tiên, thấy họ chủ động tìm cơ hội việc làm. Thay vì tìm việc từ các kênh truyền thống và mạng nội bộ, họ đang tiếp cận đa kênh trên nhiều mạng xã hội.
“Việc sử dụng mạng xã hội có thể giúp ứng viên tìm kiếm công việc nhanh chóng, chủ động hơn và tiếp cận được gần hơn đến nhà tuyển dụng, cũng có thể xác thực được một phần mức độ uy tín của nhà tuyển dụng đăng tin”, Trang Nguyễn, quản lý tuyển dụng miền Bắc của một công ty truyền thông, chủ kênh podcast chuyên chia sẻ về công việc, tuyển dụng The workaholics cho biết.
Nguyễn Huyền Hảo, CEO một công ty “săn đầu người” (head hunter) ở Hà Nội bổ sung thêm rằng, tính chủ động trong tìm việc của người trẻ so với các thế hệ trước một phần là do họ gắn bó ngắn hơn, họ cũng tìm kiếm một lúc nhiều cơ hội việc làm cho mình hơn để không bị phụ thuộc vào một nguồn thu nhập hoặc một công việc cụ thể nào.
“Tôi đã gặp những bạn trẻ làm full time ở một nơi một đơn vị nhưng sẽ làm thêm partime hoặc làm từ xa cho một đơn vị khác”, Hảo nói.
Thứ hai, việc phô trương bằng cấp và tóm tắt quá trình làm việc thành một CV vốn là cách làm của những người săn việc kể từ khoảng năm 1950. Gen Z đang dần thay đổi phương thức này bằng cách trực tiếp phô trương các kỹ năng.
Ví dụ Đức Anh, 23 tuổi, ở Hà Nội, khi mới ra trường năm ngoái đã chia sẻ một video ngắn về kỹ năng của mình trên TikTok, không ngờ nhận được hàng chục lời mời làm việc.
Chàng trai vừa nghỉ việc từ một tổ chức phi chính phủ. Ngoài các cách tìm việc truyền thống, anh cũng đang tính tiếp cận thêm cách thức mới. “Mình sẽ thử bán mình trên mạng trong vài ngày tới”, Đức Anh nói.
Một báo cáo của công ty tuyển dụng nhân tài toàn cầu Randstad năm 2023 cho thấy 43% thanh niên từ 18 đến 24 tuổi gặp khó khăn trong tìm việc do những rào cản như không có “kinh nghiệm phù hợp”, 63% gặp vấn đề với CV truyền thống và tin rằng chúng không cho phép họ thể hiện bản thân tốt nhất.
Theo Randstad, điều này không có gì đáng ngạc nhiên khi quy trình nộp đơn truyền thống thường tốn nhiều công sức và không cho phép cá tính cũng như kỹ năng thực sự của một người tỏa sáng. Qua các mạng xã hội, có thể xây dựng lực lượng lao động đa dạng, đơn giản hóa quy trình đăng ký và xóa bỏ các rào cản.
Thứ ba, cách tìm việc trên các mạng xã hội, người lao động có thể sử dụng những ngôn từ gần gũi, thân thiện, nhí nhảnh hơn. “Điều này khiến cho một việc nghiêm túc là tìm việc, phỏng vấn trở nên nhẹ nhàng, tự nhiên hơn”, Trang Nguyễn nói. Thực tế này yêu cầu các công ty muốn thu hút nhóm lao động Gen Z cần thay đổi cách thức tuyển dụng và cả tìm cách điều chỉnh, nêu bật những giá trị, phúc lợi bên trong công ty.
Tuy vậy, ứng tuyển chỉ là một bước nhỏ trong toàn bộ quá trình thu hút tài năng của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp lớn và có thương hiệu, có vẫn có luật chơi riêng buộc ứng viên phải tuân thủ. Và theo ông Chung, việc tuyển dụng nhanh, gấp gấp chưa bao giờ hiệu quả.
Những bài đăng ngắn gọn đồng nghĩa với thông tin về nhà tuyển dụng không đầy đủ. Đây cũng là nguy cơ cho tình trạng lừa đảo việc làm hoặc các trường hợp không minh bạch khác như thu thập dữ liệu người dùng chứ không tuyển dụng thật.
“Vì mạng xã hội là miễn phí, thông tin không đầy đủ nên rất nhiều trường hợp đã bị lừa đóng tiền và mất tiền oan do không tìm hiểu kỹ”, ông Chung cảnh báo.
Chuyên gia Huyền Hảo cũng cho biết Threads đang là sân chơi thu hút người trẻ. Tuy nhiên, các tuyển dụng trên này thường là những vị trí cấp thấp, cộng tác viên, thực tập sinh, freelancer và đơn vị chiêu mộ thường là các công ty nhỏ, startup, chưa có được độ uy tín cao, nghiêm túc, chuyên nghiệp như các nền tảng khác.
Phương Nhi cũng nhận thấy điều này sau vài ngày đăng tải. Mặc dù bài viết được 10.000 lượt tiếp cận, cô chỉ nhận được một số lời mời làm việc. Hơn nữa, cô nàng nhận ra đó đều là những việc rất không hợp với kinh nghiệm mình có.
“Chắc là mình cứ show kỹ năng đã sở hữu ra để các bạn làm tuyển dụng có thể tìm đến, cũng là cách giúp tăng các kỹ năng cho mình”, cô nói.
Phan Dương
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cuoc-cach-mang-tim-viec-cua-gen-z-4734018.html