Đang đi lại trong nhà thì bị chó nhà nuôi cắn, đó là trường hợp của ông Tiêu Đình Vũ ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên mà đã là lần thứ 2 ông bị chó cắn, dù trước đó gia đình đã đưa chó đi tiêm dại.
“Hằng năm chúng tôi đều dắt chó ra cơ sở chăm sóc thú y để tiêm ngừa dại, vừa làm phòng bệnh cho nó, vừa là bảo vệ sức khỏe gia đình và hàng xóm. Thế nhưng chẳng hiểu sao nó lại có hành vi bất thường.
Lần này vết thương lại sâu và đau hơn cả lần trước. Do đó, tôi đến Trung tâm kiểm soát Bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ tiêm ngay. Trường hợp của tôi cũng chỉ định tiêm huyết thanh giúp làm chậm sự lan tỏa virus dại”, ông Vũ cho hay.
2 tuần trở lại đây, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) cũng nhận thấy biểu hiện bất thường của chó nhà nuôi. Chị cho biết, dù chó ở quê, không tiếp xúc với chó dại khác nhưng dạo này dễ bị kích động, sủa nhiều hơn bình thường và thỉnh thoảng có bỏ bữa.
“Tôi cũng không biết do thời tiết nắng nóng, nó bị bệnh hay đó là biểu hiện ban đầu của bệnh dại. Gia đình tôi lo và đã mang nó đến thú y và kết quả không sao. Tuy nhiên, nhà tôi đã chủ động tiêm phòng dại cho chó để đảm bảo an toàn cho gia đình, đặc biệt là các cháu nhỏ”, chị Trúc nói.
Bác sĩ Chuyên khoa I Huỳnh Thanh Triều, phụ trách Phòng khám Đa khoa – Chuyên khoa, CDC Cần Thơ cho biết: Trong tháng 2, số người bị phơi nhiễm dại đến tiêm ở CDC Cần Thơ là 777 lượt người, tháng 3 là 917 lượt người.
Số người đến tiêm phòng bệnh dại tăng đòi hỏi mỗi gia đình đều phải chủ động phòng ngừa, ngay cả đối với chó nhà nuôi.
Theo đó, khi bị chó, mèo cắn, cào đều gây ra nhiều rủi ro. Chính vì vậy, bệnh nhân, người thân cần xử trí vết thương đúng cách, rửa vết thương với xà phòng dưới vòi nước chảy trong vòng 10-15 phút, rồi sát trùng bằng cồn 70 độ, i-ốt… Sau đó, đưa người bị cắn đến ngay cơ sở y tế khám, tiêm ngừa dự phòng bệnh dại.
Đối với những người nuôi chó hoặc làm nghề chăm sóc, điều trị bệnh cho chó, mèo… nguy cơ bị cắn, cào thì có thể tiêm phòng chủ động.
Hiện nay, còn một số quan điểm sai như chó nhỏ, nhà nuôi, chó đã được tiêm phòng thì người bị cắn, cào, không cần tiêm phòng. Theo bác sĩ Triều, khi bị chó cắn, mèo cào, cần đến cơ sở y tế để bác sĩ đánh giá nguy cơ, tuyệt đối không điều trị dân gian, lấy nọc…
Trước đó, ngày 8.4, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ phối hợp cùng UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức lễ phát động tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Cần Thơ có 28.202 hộ nuôi chó với tổng đàn 47.806 con, chủ yếu là nuôi chó kiểng, chó giữ nhà. Việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và phát động, kêu gọi người dân tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo là rất cần thiết nhằm chủ động phòng tránh bệnh dại xảy ra trên đàn chó, mèo và gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng của con người.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, các địa phương trên địa bàn TP Cần Thơ đã triển khai tiêm 5.000 liều vaccine phòng bệnh dại trên đàn chó, mèo. Tính đến thời điểm này, Cần Thơ chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh dại trên chó, mèo.