Để đẩy nhanh thi công nút giao An Phú, một phần giao lộ Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống thuộc phạm vi dự án được nghiên cứu đóng tạm trong khoảng 4 tháng.
Đề xuất trên được ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP – chủ đầu tư), đưa ra khi Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi kiểm tra công trường dự án nút giao An Phú, TP Thủ Đức, chiều 12/3.
Đây là công trình giao thông trọng điểm của TP HCM, khởi công cuối năm 2022 với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Nút giao được xây dựng với quy mô ba tầng, gồm hầm chui hai chiều nối cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây với đường Mai Chí Thọ (phía hầm vượt sông Sài Gòn), rồi tiếp tục kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống.
Trên cao, nút giao có hai cầu vượt: một cầu dạng chữ Y nối tuyến Mai Chí Thọ (phía xa lộ Hà Nội) và Lương Định Của qua đường dẫn cao tốc; một cầu rẽ phải từ đường dẫn cao tốc qua Mai Chí Thọ. Ở mặt đất, nút giao sẽ có đảo tròn trung tâm cùng tháp biểu tượng.
Riêng giao lộ Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống, ngoài hầm chui kéo dài qua đây, hai cầu vượt cũng được xây dựng kết nối các tuyến này với nhau. Cầu Giồng Ông Tố hiện hữu trên tuyến Đồng Văn Cống cũng có hai nhánh được xây thêm bên cạnh để tăng diện tích.
Ông Phúc cho biết đoạn hầm kín qua nút giao Đồng Văn Cống chuẩn bị thi công nên các đơn vị đang cải tạo đường Mai Chí Thọ nhằm phục vụ tổ chức giao thông trong thời gian triển khai. Do đây là nút giao có tình hình giao thông rất phức tạp, tư vấn cùng các nhà thầu đề xuất đóng một phần để thi công các đốt hầm kín cùng hạng cầu mục.
Theo phương án đưa ra, xe ở đường Mai Chí Thọ hướng về hầm vượt sông Sài Gòn thay vì rẽ trái qua Đồng Văn Cống sẽ được tổ chức chạy thêm một đoạn, rồi quay đầu về hướng ngược lại, rẽ vào tuyến đường trên tới khu Cát Lái. Theo cách này, chủ đầu tư cho biết thời gian thi công sẽ được rút ngắn 3-4 tháng. Nếu phương án được thông qua, dự kiến nút giao sẽ đóng từ cuối tháng 4, đến tháng 9 cơ bản hoàn thành đoạn hầm chui và hai cầu ở nút giao Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống, giảm áp lực giao thông cho khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Phúc, mật độ xe qua khu vực trên rất lớn, đặc biệt là xe container với khoảng 22.000 lượt mỗi ngày nên trước khi điều chỉnh giao thông như trên, các phương án sẽ được tính toán kỹ lưỡng. Trong đó, Sở Giao thông Vận tải sẽ phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, chạy mô phỏng tình hình giao thông và lấy ý kiến các bên liên quan nhằm tổ chức giao thông đồng bộ, khoa học.
“Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, trên công trường nút giao An Phú hiện huy động khoảng 350 kỹ sư, công nhân triển khai 8 gói thầu chính. Tiến độ đang được kiểm soát chặt, trong đó năm nay dự kiến hoàn thành các hạng mục lớn là các cầu Bà Dạt, Giồng Ông Tố, hầm chui… giúp giảm áp lực giao thông tại khu vực”, ông Phúc nói.
Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cũng cho rằng vấn đề quan trọng nhất trong quá trình triển khai dự án nút giao An Phú hiện nay là vừa đẩy nhanh tiến độ thi công, vừa tổ chức giao thông phù hợp, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đi lại của người dân.
Trước phương án đóng một phần nút giao Đồng Văn Cống – Mai Chí Thọ, ông giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp chủ đầu tư nghiên cứu tổng thể, đánh giá tác động nhằm tổ chức giao thông khoa học. Trong đó, nếu có phương án mở đường thay thế hợp lý, không quá ảnh hưởng đi lại nhưng giúp đẩy nhanh tiến độ dự án thì có thể triển khai.
“Mục đích cuối cùng là đưa các công trình khai thác sớm nhất có thể, phục vụ người dân”, ông Mãi nói.
Nút giao An Phú là cửa ngõ ở phía Đông để vào trung tâm TP HCM. Đây cũng là điểm giao nhau giữa các trục giao thông lớn gồm cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ, đường Lương Định Của, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống nên thường xuyên ùn tắc. Hiện, công trình xây dựng nút giao được đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ vào năm 2025.
Gia Minh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/de-xuat-dong-mot-phan-nut-giao-cua-ngo-phia-dong-tp-hcm-4733695.html