Trong phần mở đầu của bộ phim Tây du ký 2: Mối tình ngoại truyện“, Châu Tinh Trì đã cho nhân vật Đường Tam Tạng tỉnh dậy ở một vương quốc của người tí hon. Những con người nhỏ chỉ bằng ngón tay, ăn mặc quần áo sặc sỡ, diêm dúa đang tấn công ông ấy bằng đủ loại vũ khí thô sơ – cũng nhỏ bé như cơ thể của chính họ.
Tinh Gia có lẽ đã lấy ý tưởng này từ Thần dị kinh – một cuốn sách cổ của Trung Quốc chép rằng: “Ở vùng Tây Bắc hoang vu của đất nước có một tộc người cao chỉ 1 tấc (10 cm), mặc áo đỏ chu sa và đội vương miện. Còn ở nước Hạc cũng có những người tí hon cao bảy tấc, hạc biển nhìn thấy những người nhỏ bé này sẽ nuốt họ”.
Sách Thuật dị ký của Trung Quốc cũng viết: “Ở vùng biển phía Tây của vương quốc Đại Thực có người tí hon sống trên cây, cao 6 đến 7 tấc, thấy người là cười. Nếu động vào tay, chân họ, không cẩn thận kéo ngã họ xuống thì họ sẽ chết”.
Nhưng người tí hon không phải một thần thoại văn hóa độc quyền của Trung Quốc. Từ truyện cổ Grimm, truyền thuyết của thổ dân da đỏ cho tới sử thi Hy Lạp, những người tí hon vẫn thường xuất hiện dưới nhiều hình dạng như thần tiên, yêu tinh hoặc đơn giản là người bình thường bị thu nhỏ.
Xuyên suốt lịch sử nhân loại, người tí hon cũng góp mặt trong các tác phẩm dân gian ở nhiều nền văn hóa khác nhau bao gồm Na Uy, Ireland, Philippines, Hawaii, New Zealand, và Indonesia.
Sự phổ biến của những câu chuyện về người tí hon khiến chúng ta phải tự hỏi: Liệu họ có thực sự tồn tại hay không?
Trong khi chờ đợi các nhà khảo cổ học tìm thấy bằng chứng về hài cốt, hay hóa thạch người tí hon, các nhà tâm lý học cho rằng người tí hon là một sản phẩm từ trí tưởng tượng, nhưng có thể dựa trên những gì mà não bộ con người thật sự “thấy“.
Cụ thể, có một hội chứng ảo giác từng được báo cáo trong y văn nói rằng bạn có thể thấy những con người tí hon tồn tại đằng sau võng mạc của mình. Não bộ, bằng một cách thần kỳ nào đó, có thể tự tạo ra chúng.
Vì vậy, nếu bạn đọc được ở đâu đó câu chuyện kể về người tí hon, có thể nó không phải là sự hư cấu 100% của tác giả. Những người sáng tạo ra câu chuyện có lẽ đã thực sự nhìn thấy họ, những người tí hon vui nhộn, thường xuyên nhảy múa trước mắt mình.
Ảo giác Lilliputian: Show diễn của những người tí hon
Một người đàn ông 63 tuổi ở tiểu bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ đến bệnh viện Noble và nói với các bác sĩ rằng ông bị tấn công bởi 200 người tí ngon ngay trong nhà mình.
“Bọn họ chỉ to bằng ngón tay cái”, ông ấy nói. “Người nhà tôi kể rằng khi đó tôi thường quát mắng họ. Tôi nghỉ hưu rồi nên chỉ suốt ngày ở nhà. Cứ hai lần một ngày, những kẻ tí hon đó lại xuất hiện và tấn công tôi”.
Kendre, bác sĩ điều trị cho ông ấy nói xét nghiệm không cho thấy người đàn ông này sử dụng ma túy hay bất kỳ chất kích thích nào. Ông ấy cũng không có khối u não, tiền sử bệnh tâm thần hay biểu hiện mất trí nhớ nào.
Chẩn đoán dành cho ông ấy là Lilliputian, một hội chứng ảo giác được đặt tên riêng, đặc trưng cho việc nhìn thấy những người tí hon không có thật.
Hội chứng Lilliputian lần đầu tiên được Raoul Leroy, một bác sĩ tâm thần người Pháp định nghĩa vào năm 1909. Cái tên Lilliputian được Leroy lấy theo vương quốc tí hon Lilliput mà tiểu thuyết gia nổi tiếng Jonathan Swift đã mô tả trong truyện Những chuyến du hành của Gulliver.
“Đây là những ảo giác thị giác về các vật thể, hoặc thường là các nhân vật nhỏ bé nhưng không quá nhỏ, những người tí hon được nhìn thấy trong hình ảnh thu nhỏ, có thân hình cân đối hoàn hảo, nhưng chỉ cao từ 15-20 cm, tương tự như những người Lilliputian của Gulliver”, Leroy viết trên tạp chí Annals Médico-Psychologique, mô tả về triệu chứng của một bệnh nhân ông gặp phải.
“Những nhân vật tí hon này thường mặc trang phục lòe loẹt, có nhiều màu sắc và rất hiếu động. Chúng là thực thể duy nhất bị thu nhỏ, bệnh nhân vẫn nhìn các vật thế khác xung quanh mình nhưng ở kích thước bình thường”.
Leroy báo cáo rằng đôi khi bệnh nhân chỉ thấy một người tí hon đi lạc. Nhưng phần lớn thời gian, chúng sẽ xuất hiện theo nhóm, trông như kiểu một rạp xiếc đông đúc.
Hình ảnh của người tí hon này đạt tới độ chi tiết rất tinh xảo mà người nhìn thấy chúng có thể nhận ra các nhân vật điển hình như chú hề, vũ công hoặc binh lính. Tất cả họ tương tác với thế giới vật chất theo đúng quy tắc vật lý, như thể họ có trọng lượng nhỏ bé thật.
Những người gặp ảo giác thường thấy người tí hon trèo lên bàn ghế, chui xuống cửa và nhào lộn nhưng vẫn tôn trọng lực hấp dẫn của Newton.
Cứ 1 triệu người thì có 1 người sẽ nhìn thấy họ
Kể từ sau phát hiện của Leroy năm 1909, các tài liệu y văn trên khắp thế giới chỉ ghi nhận được thêm tổng cộng 24 trường hợp gặp ảo giác Lilliputian khác. Thế nhưng theo giáo sư Jan Dirk Blom, một nhà tâm thần học tại Đại học Leiden, con số thực tế có thể cao hơn thế, ít nhất là gấp 10 lần.
Năm 2021, giáo sư Blom đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí Neuroscience & Biobehavioral Reviews, trong đó thống kê tới 226 trường hợp gặp ảo giác Lilliputian mà ông sưu tầm được từ sách báo, luận văn y khoa, và tài liệu lịch sử.
Hồ sơ của giáo sư Blom đã rọi một luồng sáng mới vào hội chứng hiếm gặp này, thứ mà theo ông đã bị lãng quên trong suốt 1 thế kỷ.
Giáo sư Jan Dirk Blom, một nhà tâm thần học tại Đại học Leiden, tác giả cuốn sách “Từ điển Ảo giác”
Theo các báo cáo của giáo sư Blom, các bệnh nhân mắc hội chứng ảo giác Lilliputian có lí lịch rất đa dạng, chia đều giữa cả nam và nữ. Người lớn tuổi nhất gặp ảo giác với người tí hon ở năm 90 tuổi, trong khi người trẻ nhất chỉ 4 tuổi.
Giống như mô tả của Leroy, giáo sư Blom cũng cho biết hầu hết các nhân vật tí hon xuất hiện trong tầm mắt của bệnh nhân Lilliputian với bộ dạng sặc sỡ. Họ thường rất hiếu động, lúc nào cũng chạy nhảy, khiêu vũ, leo trèo, một số còn diễu hành theo đội hình hoặc biểu diễn nhào lộn.
“Tất cả không phải chỉ là những cái bóng mơ hồ lẩn khuất trong khóe mắt – đó là một rạp xiếc sôi động với những chú hề, những vũ công, binh lính, nông dân hoặc quan lại”, giáo sư Blom viết. “Chỉ một số ít trường hợp báo cáo những hình ảnh người tí hon màu xám nâu buồn bã”.
Ngoài ra, gần như hầu hết các nhân vật mà người gặp ảo giác Lilliputian nhìn thấy là những người lạ. Số lượng những khuôn mặt quen thuộc được báo cáo chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đặc biệt, trong 3 trường hợp, bệnh nhân báo cáo mình đã nhìn thấy chính bản thân trong hình dạng bé nhỏ.
Con người cũng không phải là thực thể tí hon duy nhất mà những người gặp ảo giác Lilliputian báo cáo trong nghiên cứu của giáo sư Blom. Ông cho biết có gần một phần ba số trường hợp, bệnh nhân khẳng định đã nhìn thấy các loài động vật, chẳng hạn như những chú gấu nhỏ, hà mã tí hon hoặc những chú ngựa kéo theo những chiếc xe nhỏ bé.
Điều đặc biệt đáng lưu ý là 97% các trường hợp ảo ảnh đều xuất hiện trong không gian ba chiều, gắn liền với tính chất vật lý của thế giới thực. Phần còn lại được báo cáo là hình chiếu 2D trên bề mặt phẳng hoặc di chuyển theo chuyển động của đầu người quan sát.
Khoảng 20% các tình huống, trong đó, người gặp ảo giác Lilliputian báo cáo cả các âm thanh không có thật. Đó có thể là tiếng bóp nghẹt, tiếng âm sắc the thé hoặc tiếng huyên náo mà rạp xiếc tí hon tạo ra.
Dựa theo số liệu thống kê, các nhà khoa học ước tính ảo giác Lilliputian xảy ra ở tỷ lệ 1/1.000.000. Nghĩa là cứ trong dân số 1 triệu người thì sẽ có 1 người gặp phải nó ít nhất một lần tại một thời điểm nào đó trong đời.
Vì vậy, nếu bạn nằm trong con số một phần triệu đó, có thể vào một lúc nào đó bạn cũng sẽ nhìn thấy những người tí hon chạy nhảy xung quanh nhà mình. Theo báo cáo của giáo sư Blom, thời lượng của các ảo giác có thể kéo dài từ vài giây cho đến vài ngày, thậm chí nhiều năm liên tục.
Ví dụ trong trường hợp của một cựu chiến binh sau Thế chiến thứ nhất, ông ấy đã nhìn thấy những người tí hon bầu bạn với mình trong suốt 40 năm. Điều đáng nói là người đàn ông này thực ra đã bị mù, do tiếp xúc với khí mù tạt trong chiến tranh.
Trải nghiệm thú vị hay đáng sợ?
Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn là một cựu chiến binh bước ra từ Thế chiến I và đã bị khiếm thị vì vũ khí mù tạt. Thứ duy nhất mà bạn có thể nhìn thấy hóa ra lại là show diễn của những người tí hon trong não bộ mình.
Đó sẽ là trải nghiệm thú vị hay khó chịu? Chúng ta không biết.
Thế nhưng, các tài liệu của Leroy cho thấy khoảng 50% những người gặp ảo giác Lilliputian nói rằng tất cả những người tí hon mà họ gặp rất thân thiện. Trong khảo sát của giáo sư Blom, có 36% bệnh nhân báo cáo cảm xúc tích cực với những gánh xiếc tí hon xung quanh mình.
Họ sử dụng các từ ngữ như “giải trí”, “thú vị”, “vui nhộn”, “xoa dịu”, để mô tả ảo giác Lilliputian của mình. Trong một trường hợp, bệnh nhân còn nói rằng những người tí hon này là “niềm vui duy nhất trong cuộc đời anh ta” – bởi bệnh nhân này mắc bệnh trầm cảm và ảo giác Lilliputian hóa ra lại là cảm xúc tích cực nhất mà anh ấy trải nghiệm mỗi ngày.
Trên thái cực ngược lại, có 46% bệnh nhân gặp ảo giác Lilliputian nói rằng họ thấy “mệt mỏi”, “khó chịu”, “thấy đáng sợ” hoặc “bị đe dọa”. Một số bệnh nhân (8%) thậm chí còn thấy những người tí hon tấn công mình, bằng gậy gộc, vũ khí thô sơ cho tới súng chích điện mini…
Một trong những trải nghiệm đáng sợ nhất với ảo giác Lilliputian được Leroy ghi nhận lại:
“Một phụ nữ 50 tuổi mắc chứng nghiện rượu mãn tính, người tuyên bố đã nhìn thấy hai người đàn ông “cao bằng ngón tay”, mặc đồ màu xanh lam và hút tẩu thuốc, ngồi cao vắt vẻo trên dây điện báo.
Trong lúc quan sát họ, bệnh nhân cho biết đã nghe thấy giọng những người tí hon này dọa giết mình. Lúc đó, tầm nhìn biến mất và bệnh nhân bỏ chạy”.
“Dẫu vậy, ảo giác Lilliputian theo truyền thống được coi là lành tính và có tiếng là dễ chịu”, giáo sư Blom viết. Đa số các tình trạng khó chịu gây ra bởi ảo giác này xuất phát từ bệnh nền hoặc tình trạng nền, mà theo ông, có thể chính là nguyên nhân gây ra ảo giác.
Các căn bệnh và tình trạng nền này bao gồm: rối loạn giấc ngủ, mê sảng, nghiện rượu, tâm thần phân liệt, động kinh, ngộ độc hoặc sử dụng chất kích thích, bệnh Parkinson, nhồi máu não, giang mai thần kinh và u não.
Điểm chung của các bệnh nền này là nó khiến bệnh nhân rơi vào một trạng thái mơ hồ, mất tập trung mà giáo sư Blom gọi là “mất cảm giác ngoại vi”.
Ông suy đoán, các tình trạng nền đã làm ảnh hưởng tới những vùng não quan trọng đảm nhiệm xử lý thị giác, chẳng hạn như vỏ não thị giác sơ cấp và một mạch neuron có chức năng xử lý kích thước trong não được ký hiệu là vùng thị giác V4.
Rối loạn ở các vùng não này có thể đã gây ra ảo giác Lilliputian. Các ảo giác này còn có thể được kích thích thông qua sự tăng nhãn áp, mờ đục thủy tinh thể, hiện tượng ruồi bay hoặc đôi khi là từ ký ức của bệnh nhân.
Có một điểm thú vị nữa là những người tí hon thường hiện ra vào khoảnh khắc hoàng hôn, một thời điểm ánh sáng nhập nhoạng và thị giác dễ bị đánh lừa.
Ngoài ra, một hiện tượng được giáo sư Blom gọi là “sự xâm nhập của giấc mơ” cũng có thể khiến bệnh nhân nhầm tưởng mình nhìn thấy những người tí hon ngoài đời, nhưng thực ra đó chỉ là một phần giấc mơ của họ bị trộn lẫn với thực tại, ở một thời điểm nửa tỉnh nửa mê nào đó.
Để điều trị cho các bệnh nhân gặp ảo giác Lilliputian, thông thường, các bác sĩ sẽ đi tìm kiếm bệnh nền của họ và điều trị căn bệnh nền này. Sau đó, ảo giác sẽ tự nhiên biến mất.
Thế nhưng, cũng có những bệnh nhân hoàn toàn không mắc một bệnh nền nào cả mà vẫn gặp hiện tượng này.
Chẳng hạn, như người đàn ông 63 tuổi ở Ấn Độ. Khi không phát hiện ra bất cứ tình trạng bất thường nào có thể khiến ông ấy gặp ảo giác, các bác sĩ chỉ có thể điều trị bằng thuốc chống loạn thần và các buổi tư vấn tâm lý.
“Đối với những người cao tuổi, ngay cả căng thẳng hoặc mất ngủ cũng có thể gây ra ảo giác Lilliputian“, bác sĩ Kendre nói. Thật may mắn là sau 3 tháng điều trị, người đàn ông này đã bình phục hoàn toàn.
Những người tí hon trong vương quốc Lilliputian đã không còn hiện ra và tấn công ông ấy nữa.
Nguồn: Tham khảo Sciencealert, Unmc, Sciencedirect
Nguồn tin: https://genk.vn/bi-an-ao-giac-lilliputian-hoi-chung-khien-ban-nhin-thay-nguoi-ti-hon-xung-quanh-minh-20240410223913867.chn