Bắc NinhNhiều ngôi nhà trên đê sông Cầu tuy có sổ đỏ nhưng thuộc hành lang bảo vệ đê điều nên không được phép xây dựng cao tầng, theo phường Vạn An.
Khu dân cư ngõ 58 đường Vạn An – Tam Đa, phường Vạn An, TP Bắc Ninh dài khoảng 50 m, nằm dọc tuyến đường đê hữu, một mặt tiếp giáp sông Cầu. Khoảng cách từ mặt đê xuống mép sông khoảng 50 m theo chiều dốc dần.
Khi con đê còn nhỏ hẹp và nằm sát mép sông, khu đất ngoài đê là nơi sinh sống lâu đời của nhiều gia đình. Năm 2001, chính quyền huyện Yên Phong bấy giờ cấp 8 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân với lý do “đất đã sử dụng lâu dài”.
Để phát triển kinh tế – xã hội khu vực dọc sông Cầu, tỉnh Bắc Ninh dịch chuyển đê lên vị trí hiện tại với mặt cắt ngang hơn 7 m, thảm nhựa thành đường hai chiều thuận tiện cho giao thông. Kể từ đó, khu dân cư ngõ 58 trở thành vùng đất nằm trong lòng sông.
Gia đình ông Nguyễn Văn Bồng, 60 tuổi, sinh sống ở đây qua bốn thế hệ. Trên thửa đất được cấp sổ đỏ, ông xây căn nhà hai tầng cách mép sông một bãi bồi dài 30 m. Ba năm trước, khi số thành viên gia đình tăng lên, ông Bồng xây thêm một căn nhà hai tầng cạnh nhà cũ, tiến sát hơn về phía lòng sông. Cuối tuần qua, căn nhà mới của gia đình ông bất ngờ sạt trượt, nghiêng về phía nhà cũ.
Hiện khu dân cư ven sông có 12 ngôi nhà xây dựng không phép, trong đó có hai công trình chưa hoàn thiện xây trên phần đất không được cấp sổ đỏ và sát mép sông. Ông Nguyễn Văn Du, cán bộ Tài nguyên và Môi trường phường Vạn An cho hay theo quy định thoát lũ và hành lang bảo vệ đê điều, chính quyền không cấp phép xây dựng cho các ngôi nhà hiện tại.
“Tuy nhiên, người dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi họ xây nhà để giải quyết nhu cầu ở tối thiểu, chúng tôi chỉ đến yêu cầu không được xây quá lớn chứ không thể cấm”, ông Du nói, cho hay nhu cầu về chỗ ở của người dân là chính đáng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Ninh cho rằng có hai nguyên nhân dẫn tới sạt lở. Thứ nhất, người dân xây dựng nhiều công trình kiên cố, đổ rác, phế thải xây dựng lấn chiếm dòng chảy. Thứ hai do khách quan, khu vực này là điểm bắt đầu của tuyến sông cong về phía tỉnh Bắc Ninh nên có sự biến đổi dòng chảy mạnh, dẫn đến sạt trượt.
“Người dân tự tôn tạo nhà ở sát mép nước khiến tải trọng công trình lớn, kết hợp với phía tả thuộc địa phận Bắc Giang cũng xây nhà lấn chiếm lòng sông nên làm biến đổi dòng chảy”, cơ quan chuyên môn đê điều tỉnh Bắc Ninh nêu nhận định ban đầu.
Tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị Viện Khoa học Thủy lợi khảo sát, tư vấn phương án khắc phục khu vực sạt lở trước ngày 15/5, đề xuất phương án xử lý cho toàn bãi sông trước ngày 31/10.
Chiều nay, tỉnh Bắc Ninh họp với các ban ngành để thảo luận phương án xử lý sạt lở bờ sông Cầu. Ông Vương Quốc Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết đây là vấn đề lớn nên phương án nêu ra tại cuộc họp sẽ trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Ninh quyết định trước khi triển khai.
Đêm 7/4, năm nhà và hai công trình chưa hoàn thiện trên đê sông Cầu ở TP Bắc Ninh sạt trượt, đổ nghiêng khiến các hộ dân phải sơ tán. Phường Vạn An xác định khu vực nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người dân trong phạm vi 25 m, tính từ vị trí ngôi nhà đầu tiên bị đổ sập xuống sông hôm 14/3.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang đã công bố tình huống thiên tai khẩn cấp làm sạt lở bờ sông. Thành phố Bắc Ninh được giao giải quyết chỗ ở cho người dân và lập phương án di dời toàn bộ công trình, nhà ở tại khu vực xảy ra sạt lở trong khoảng cách tối thiểu 50 m.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nha-do-nghieng-thuoc-hanh-lang-bao-ve-de-song-cau-4732150.html