Tài liệu ĐHĐCĐ của Công ty cổ phần Traphaco (mã chứng khoán TRA) hé lộ tham vọng lớn ở lĩnh vực tân dược bằng thuốc mới và chiến thuật “đón đầu xu hướng” thay vì “đi theo xu hướng”.
Tìm kiếm dư địa tăng trưởng mới
HĐQT Traphaco nhận định, năm 2024, kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp, thách thức lớn với ngành chăm sóc sức khoẻ là thu nhập suy giảm khiến nhu cầu tiêu dùng của người dân chịu ảnh hưởng. Dù vậy, Traphaco vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng, với doanh thu hợp nhất 2.485 tỷ, lợi nhuận hợp nhất sau thuế 303 tỷ, tăng trưởng lần lượt là 7% và 6% so với năm trước.
Nếu như mảng đông dược – đang dẫn đầu tại thị trường Việt Nam – được làm mới bằng các sản phẩm cao cấp trên nền tảng phát triển các nhãn hàng như Boganic, Cebraton… thì mảng tân dược đang được đặt tham vọng mới.
Traphaco cho biết sẽ đầu tư nghiên cứu, sản xuất các dòng thuốc được công bố tương đương sinh học, thuốc First Generic, sản phẩm chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đó, nhà máy Tân dược thông minh 4.0 tại Hưng Yên sẽ được nâng cấp lên EU-GMP.
Các sản phẩm này được định danh là nhóm sản phẩm Tân dược chất lượng cao, điều trị các bệnh có dung lượng thị trường và nhu cầu rất lớn như: tim mạch, dạ dày, gan mật và nhiễm khuẩn. Đến nay Traphaco đã có 9 sản phẩm được Bộ y tế công bố tương đương sinh học với biệt dược gốc, công tác sản xuất các sản phẩm chuyển giao công nghệ đã bước sang giai đoạn 3 với 6 sản phẩm được tung ra thị trường.
Trong năm 2023, Traphaco đã hoàn thành việc sản xuất và đưa ra thị trường các sản phẩm chuyển giao công nghệ bao gồm: thuốc trị sỏi mật Acid Ursodeoxycholic; thuốc dạ dày DW-TRA RebaTot, thuốc điều trị mỡ máu cao DW-TRA TimaRo, …. Các sản phẩm chuyển giao công nghệ đã được phân phối trên cả hai kênh bán hàng OTC/ETC, đóng góp vào kết quả doanh số sản phẩm mới năm 2023 vượt 19% kế hoạch.
Năm 2024, thuốc điều trị tiểu đường Bexita của Traphaco đã được Viện Kiểm Nghiệm Thuốc TW chứng minh đạt Tương đương sinh học so với biệt dược gốc, được kỳ vọng triển khai ra thị trường sẽ mang lại doanh số lớn cho Traphaco.
Đón đầu xu hướng
Theo IQVIA, tổng dung lượng thuốc điều trị các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn Lipid máu, viêm loét dạ dày tá tràng, các bệnh lý gan mật và kháng sinh lên tới hàng nghìn tỷ đồng mỗi nhóm. Bởi thế đây sẽ là mảng miếng nhiều dư địa để Traphaco phát triển.
Nhưng cũng bởi dung lượng thị trường lớn, nên đây là lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt khi thị trường đã có rất nhiều doanh nghiệp khai thác, đặc thù người bệnh sử dụng những sản phẩm thuộc nhóm này cần có kê đơn từ phía bác sỹ, tâm lý ngại thay đổi sản phẩm đang sử dụng của người bệnh…
Đối với Traphaco, năm 2023, doanh số nhóm sản phẩm này đóng góp khoảng 11% vào doanh số chung của cả công ty, tăng trưởng 213% so với năm 2022.
Trong năm 2024, Traphaco tiếp tục định hướng đầu tư cho nhóm tân dược chất lượng cao. Doanh số nhóm sản phẩm này dự kiến tăng trưởng gần 50%, góp phần cho việc đạt mục tiêu doanh số toàn công ty.
Một trong những giải pháp mà Công ty thúc đẩy thực hiện là gia tăng sức mạnh Kênh hệ thống điều trị (ETC).
Lãnh đạo Công ty nhận định, năm 2024, nhu cầu sử dụng thuốc kênh ETC sẽ tiếp tục tăng mạnh bởi 3 yếu tố. Thứ nhất, đây là hệ quả của sự thay đổi mô hình bệnh tật, bao gồm gia tăng mô hình bệnh tật kép, cả bệnh truyền nhiễm và bệnh mãn tính, chấn thương, không lây lan; kết hợp với sự nỗ lực của nhà nước giúp bao phủ bảo hiểm toàn dân lên đến 93%.
Thứ hai, Luật khám, chữa bệnh 15/2023/QH15 được thông qua, thúc đẩy mạnh mẽ bệnh viện công lập hoàn tất tự chủ về tài chính, tự chủ nguồn vốn. Các bệnh viện công lập sẽ tăng cường ưu tiên các dòng thuốc nội địa có chất lượng cao, phù hợp với đường lối của Đảng và Nhà nước đề ra trong Quyết định số 376/QĐ-TTg ” Thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường”.
Thứ ba, sau một năm, các cơ sở y tế còn lúng túng với hình thức đấu thầu qua mạng. Hiện tại, mọi hoạt động đấu được hoàn toàn triển khai trực tuyến, cùng với thông tư số 06/2023/TTBYT đã tạo ra một “sân chơi” giàu tính cạnh tranh.
Theo dự phóng của các tổ chức nghiên cứu thị trường, giá trị kênh ETC tại Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 6 tỷ USD.
Với những cơ hội bứt phá mạnh mẽ cho kênh điều trị ETC như vậy, Traphaco đặt mục tiêu tăng trưởng 20% doanh thu kênh ETC so với năm 2023. “Toàn kênh hệ thống điều trị ETC ở cả 3 miền: Bắc – Trung – Nam đã ghi nhận được nhiều tín hiệu tích cực về doanh thu ngay trong quý I/2024”, lãnh đạo Công ty tiết lộ.
Rõ ràng, với xu hướng tiêu dùng và ý thức chăm sóc sức khoẻ ngày càng nâng cao của người dân Việt Nam, nhóm sản phẩm tân dược chất lượng cao sẽ có chỗ đứng trên thị trường và ngày một phát triển. Điều này minh chứng cho chiến lược thay đổi, đón đầu xu hướng ở Traphaco đang đi đúng hướng, hứa hẹn những thay đổi lớn trên bản đồ các nhà sản xuất thuốc hóa dược tại Việt Nam.
Nguồn tin: https://cafef.vn/traphaco-dat-ke-hoach-loi-nhuan-303-ty-cho-nam-2024-tham-vong-lon-voi-mang-tan-duoc-188240408152937933.chn