Hoàng Nam Tiến – con trai thiếu tướng Hoàng Đan – muốn thế hệ trẻ hiểu thêm về “lãng mạn cách mạng” qua sách tập hợp thư tình thời chiến của cha mẹ.
Doanh nhân Hoàng Nam Tiến ra mắt cuốn Thư cho em cuối tháng 3, kể tình yêu sâu đậm của cha mẹ là thiếu tướng Hoàng Đan và đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị An Vinh. Dịp này, tác giả nói về quá trình thực hiện ấn phẩm, cùng ảnh hưởng của cha đến tính cách, quan điểm sống.
– Vì sao anh chọn kể lại mối tình của cha mẹ?
– Năm 2003, ba qua đời, tôi có lén mẹ giữ lại một hộp tài liệu với 400 bức thư. Biết chuyện, bà chỉ im lặng, dường như cũng hiểu lòng tôi. Trước đây, bà là người giữ các lá thư ấy, thi thoảng tôi sẽ đọc ”trộm”, rồi được mẹ kể thêm nhiều chi tiết. Sau khi bà mất năm 2022, cách đây 18 tháng, tôi quyết tâm chia sẻ mối tình đẹp của hai người.
Tôi muốn kể lại câu chuyện ấy để những bạn trẻ ngày nay quan tâm đến sẽ hiểu tình yêu của thế hệ xưa cũng rất lãng mạn, mãnh liệt. Đọc câu chuyện của ba mẹ, tôi phát hiện cụm “lãng mạn cách mạng” được hiểu chính xác. Tôi thích liên hệ đến Gen Z hay Alpha hiện nay, các bạn thường có câu hỏi: ”Tại sao tôi được sinh ra trên cuộc đời này”, ”Tôi sống vì lý do gì”. Nhưng thời xưa, đất nước chưa độc lập, những gì riêng tư nhất của con người phải gác lại để tập trung chiến đấu. Vì vậy, bao trùm tình cảm đôi lứa là tình yêu của người lính, cán bộ cách mạng dành cho đất nước.
Ngoài ra, tôi mong có thể giúp những người cùng trang lứa với mình hoặc ai đã sống ở giai đoạn đó thấy được một quá khứ nhiều kỷ niệm đẹp. Sách hoàn thành, tôi tặng một số người già, có cụ ông 78 tuổi đọc cho cụ bà 75 tuổi nghe, họ khóc rồi hỏi: ”Ngày xưa anh và em yêu nhau đẹp đẽ vậy, sao giờ lại suốt ngày cãi vã”. Hay một bạn trẻ nhắn tôi rằng: ”Khi đọc xong, việc đầu tiên là cháu mang về cho bố mẹ đọc, sau đó họ tự nhiên cầm tay nhau và kể chuyện cũ cho cháu nghe”.
– Anh đối diện thử thách gì khi thực hiện cuốn ”Thư cho em”?
– Tôi vẫn nói đây có thể là cuốn sách đầu tiên cũng như cuối cùng của mình. Bởi từ bé, tôi học chuyên Toán, điểm Văn rất thấp nên chưa từng nghĩ sẽ viết được sách. Ban đầu, tôi có hai người nhiều kinh nghiệm hỗ trợ biên tập lời kể. Nhưng qua cách hành văn của họ, tôi nhận ra đây không còn là lời nói cũng như câu chuyện của bản thân. Nó trở thành quyển sách đẹp, trơn tru, nhiều thán từ. Do vậy, tôi nhờ đến một bạn trẻ, mong được giữ nguyên giọng văn của mình.
Khi Nhã Nam ngỏ ý mua bản quyền sách, ban biên tập hỗ trợ tôi nhiều hơn, lược các phần rườm rà, làm rõ thêm các chi tiết mà họ thấy thú vị. Ngoài tái hiện mối tình của ba mẹ, ban biên tập muốn tôi mô tả về khu Trần Phú, ”quân khu” Nam Đồng, nhà tôi ở phố Cầu Gỗ ngày xưa, mục đích khắc họa rõ bối cảnh thời ấy. Tôi chỉnh sửa khoảng 16 lần, kéo dài trong hơn một năm. Ấn phẩm được ra mắt, tôi rất xúc động. Ngay hôm sau tôi xin nghỉ phép và về quê ở xã Nghi Thuận (Nghệ An). Tôi ra mộ ba mẹ, đọc cho họ nghe rồi đốt sách, như một món quà dâng lên đấng sinh thành.
– Trong các câu chuyện về ba mẹ, ký ức nào khiến anh nhớ mãi?
– Năm ba tuổi, khi đang ăn cơm, tôi làm vỡ chiếc bát sứ Hải Dương, một đồ vật rất hiếm ngày ấy. Theo lời kể của người anh, thấy tôi sắp khóc đến nơi, ông đã thả rơi chiếc bát của mình khiến tôi phá lên cười. Nhìn tôi cười say sưa như vậy, ông vào chạn lấy ra bốn chiếc bát và tiếp tục đánh vỡ.
Lúc làm sách, tôi nhớ ba mẹ rất nhiều, nhất là những lúc nằm ngủ cạnh mẹ, được bà xoa lưng, hát ru. Mỗi lần về nhà, mùi hương quen thuộc của mẹ luôn khiến tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. 52 tuổi, tôi vẫn được bà bóp chân, ru bằng các câu thơ Truyện Kiều. Ở tuổi gần đất xa trời, bà có thể quên mình đã ăn gì nhưng vẫn nhớ rõ số điện thoại của các con.
– Trong sách, anh đề cập việc thiếu tướng Hoàng Đan thường chiều con cháu đến mức ”cực đoan”. Ông thể hiện sự nghiêm khắc thế nào?
– Từ khi biết đọc, tôi nhớ chưa từng được ba bế hay ôm ấp, xoa đầu, động viên nhưng ông đều quan tâm mọi bước đi của tôi. Những ngày đầu làm ở tập đoàn FPT, công việc của tôi là bê, lắp và bán máy tính. Mẹ tôi biết, bà thất vọng, nói thay lời của ba: ”Tôi tưởng cậu làm vương làm tướng gì, hóa ra lại đi bán hàng”. Bởi ba muốn tôi làm trong ngành quân đội, mẹ tôi từng là phó giám đốc Sở Thương nghiệp, dưới quyền bà là hàng trăm cửa hàng, khoảng chục nghìn mậu dịch viên. Nghe vậy, tôi không buồn mà coi đấy là động lực lớn để thay đổi, và sau này tôi đã làm được.
– Thiếu tướng Hoàng Đan ảnh hưởng thế nào đến tính cách, quan điểm sống của anh?
– Tôi học được việc đã là người đầu tàu, không cầm súng bắn địch thay lính nhưng phải luôn làm gương. Ở Bảo tàng Quân sự Việt Nam lưu giữ một kỷ vật về ông là bộ quần áo ngụy trang, được ông mặc năm 1974, khi bò vào sát hàng rào nhằm chọn hướng tấn công, đảm bảo cho trận đánh chắc thắng, giúp không có thương vong. Là tướng giỏi nhưng suốt đời, ba chưa từng lên giọng, yêu cầu phải làm điều này, thứ kia mà luôn sống mẫu mực để mọi người noi theo.
Trong đời thường, ba tôi rất lãng mạn. Bài hát ông yêu thích là Tôi có hai tình yêu, em và Paris. Ông dành nhiều tình cảm cho gia đình, luôn là trung tâm đoàn kết của họ hàng. Tôi học được từ ba cách quan tâm bằng hành động thiết thực, không chỉ qua lời nói. Nghỉ hưu, ba không có nhiều tiền nên mỗi lần về quê, ông luôn hỏi tôi: ”Cậu có tiền không cho tôi một ít”. Sau đó, ông đến thăm các gia đình liệt sĩ ở trong xã. Hay thời điểm quê tôi bị lụt, ông mang theo một xe tải chở giống khoai tây ngắn ngày, có thể thu hoạch trong 45-60 ngày. Tôi hiểu rằng mỗi người hãy chăm lo quê hương mình trước khi làm việc thiện ở bất cứ đâu.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/con-trai-thieu-tuong-hoang-dan-chuyen-tinh-ba-me-toi-la-lang-man-cach-mang-4729264.html