Theo Thủ tướng, phát triển Thừa Thiên Huế toàn diện theo hướng “bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững” là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược.
Phát biểu tại lễ công bố quyết định quy hoạch Thừa Thiên Huế sáng 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối từ Bắc vào Nam, có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế biển – đầm phá. Đây cũng là cố đô lịch sử, thành phố di sản với 5 di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận (quần thể di tích cố đô Huế, nhã nhạc Cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế).
Lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của tỉnh, đạt 7,03%, xếp thứ 28/63 trong cả nước và 9/14 trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; cao hơn bình quân cả nước (5,05%). Tỉnh có nhiều tiến bộ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh: Chỉ số PCI xếp thứ 6, tăng 2 bậc; chỉ số PAPI tăng 4 bậc, đứng đầu cả nước; chỉ số ICT xếp thứ 4; chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) xếp thứ 14.
Tuy nhiên, Thừa Thiên Huế có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, ít diện tích đất canh tác; thiên tai, mưa bão, lũ lụt, ngập úng, trượt lở đất, xói mòn. Quy mô của nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ; hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ; thu hút đầu tư còn thấp, chưa có dự án sử dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn…
Vì vậy theo người đứng đầu Chính phủ, Thừa Thiên Huế cần tập trung thực hiện “1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đẩy mạnh” khi triển khai các quy hoạch.
“Một trọng tâm” là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, ứng phó biến đổi khí hậu.
“Hai tăng cường”, gồm đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm công bằng, tiến bộ, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối văn hóa và du lịch, kết nối giao thông, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hóa thị trường.
“Ba đẩy mạnh”, gồm phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ, bao trùm (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, văn hóa, y tế, giáo dục, xã hội…); phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, công nghiệp phục vụ cho chế biến, chế tạo, chuỗi sản xuất – cung ứng cho khu vực, thế giới; ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Thủ tướng cũng gợi mở một số giải pháp trọng tâm để Thừa Thiên Huế thực hiện quy hoạch. Trong đó, ông nhấn mạnh tỉnh phải phát huy hiệu quả 3 trung tâm động lực kinh tế, bố trí nguồn lực thực hiện đồng bộ và hiệu quả không gian phát triển. Kinh tế biển, kinh tế du lịch, kinh tế di sản cần được định hướng “xanh, số, tuần hoàn”; nâng cao hiệu quả khai thác Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Cảng hàng không Quốc tế Phú Bài, Cảng nước sâu Chân Mây, Lăng Cô – Bạch Mã, vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, Quần thể di tích Cố đô Huế…
“Thừa Thiên Huế cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ số như PAPI, PCI; chuẩn bị tốt các dự án, lĩnh vực mời gọi đầu tư để đón các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn, có tiềm năng”, Thủ tướng nói.
Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050, Quy hoạch chung đô thị đến năm 2045 tầm nhìn đến 2065 đặt mục tiêu đến năm 2025 đô thị Huế là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương có yếu tố đặc thù. Đây là đô thị phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể cố đô, bản sắc văn hóa Huế, đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Huế sẽ là cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm lớn của cả nước về khoa học – công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao…
Từ nay đến năm 2025, Thừa Thiên Huế sẽ được xây dựng để trở thành thành phố trực thuộc trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp huyện. Thành phố Huế hiện hữu chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương; 3 thị xã gồm thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và thị xã Phong Điền (thành lập mới); các huyện Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới; dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông.
Từ sau năm 2025 đến năm 2030, thành phố trực thuộc trung ương gồm quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, 2 thị xã Hương Trà, thị xã Phong Điền và huyện Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc – Nam Đông. Đô thị Chân Mây sẽ được xây dựng gồm khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và phần mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại III.
Từ sau năm 2030 đến năm 2045, thành phố trực thuộc trung ương với 4 quận gồm quận phía Bắc sông Hương, phía Nam sông Hương, Hương Thủy, Hương Trà; thành phố Chân Mây; thị xã Phong Điền và các huyện. Từ sau năm 2045 đến năm 2065, Thừa Thiên Huế ổn định và nâng cao chất lượng đô thị với mô hình khu vực đô thị trung tâm gồm 4 quận, 1 thành phố, thị xã và các huyện.
Võ Thạnh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thu-tuong-phat-trien-thua-thien-hue-toan-dien-la-yeu-cau-khach-quan-4731194.html