Bài viết dưới đây là chia sẻ của Huỳnh Kháng Thu đang được chia sẻ trên diễn đàn Toutiao.
Tôi có một người bạn tên là Tiểu Lý (35 tuổi, Thượng Hải, Trung Quốc). Người này đã làm việc trong công ty liên quan đến xuất-nhập khẩu hàng hoá được 11 năm. Dẫu đã là một nhân sự lâu năm trong công ty tuy nhiên đến hiện tại cô vẫn chỉ là một nhân viên bình thường, không có cơ hội thăng chức chứ đừng nói đến chuyện tăng lương. “Tôi mãi quanh quẩn ở vị trí nhân viên. Dẫu những người đồng nghiệp của tôi đã lên đến chức phó phòng, thậm chí là quản lý của hơn 50 nhân viên”, cô nói.
Tuy nhiên, trong một sự kiện về thăm trường cũ, chúng tôi kể về công việc của mỗi người. Nghe kỹ những câu chuyện của Tiểu Lý ở công ty tôi nhận ra, dẫu cô ấy có làm việc thêm 10 năm nữa thì mức lương cũng chỉ như người 1 năm kinh nghiệm. Lý do xuất phát từ 2 nguyên nhân này:
1. Tốc độ cố gắng chậm hơn độ tuổi
Điều đầu tiên bạn cần hiểu rằng công ty không phải ngân hàng gửi tiết kiệm. 20 tuổi bạn nỗ lực làm việc kiếm tiền gửi vào để đến năm 35 tuổi chỉ cần ngồi hưởng lương và thăng chức. Thực tế, với tâm lý này, dẫu cho đến năm 40 tuổi, chắc chắn bạn cũng chỉ có mức lương như ở độ tuổi ngoài 20.
Điều bạn cần làm là 20 tuổi bạn cần phải cố gắng kiểu 20 tuổi, 35 tuổi bạn vẫn cần phải cố gắng theo kiểu 35 tuổi. Bạn không thể 35 tuổi nhưng vẫn kể công từ năm 20 tuổi. Bởi nỗ lực ở thời điểm đó của bạn đã nhận được mức lương tương xứng tại thời điểm đó.
Thực tế không có công việc nào là dễ dàng và cũng không có một độ tuổi nào là không cần cố gắng. Việc ở tuổi trung niên nhưng mãi vẫn chỉ là nhân viên và không được thăng chức hay tăng lương chỉ là do bạn tiến bộ chậm hơn số tuổi.
Vì thế đôi khi bạn cần học cách quên đi tuổi tác và lý lịch của mình. Độ tuổi nào cũng vậy, muốn tăng lương, thăng chức bạn phải đủ năng lực làm sếp, muốn đãi ngộ tốt thì thái độ làm việc cũng phải tốt.
Thời gian làm việc không nói lên điều gì, chỉ có năng lực và thành tựu đạt được mới là khía cạnh mà công ty quan tâm. Hãy tự hỏi rằng: “Bạn đang có 10 năm kinh nghiệm làm việc hay bạn chỉ có 1 kinh nghiệm làm việc trong suốt 10 năm qua?”.
“Thiên tài chỉ có 1% năng khiếu bẩm sinh, còn 99% là do khổ luyện”, câu nói của Thomas Edison dường như hoàn toàn chính xác dù đặt trong bất cứ hoàn cảnh nào. Có nỗ lực không ngừng, chúng ta mới có thể biến cái bình thường trở thành phi thường. Và ngược lại, không có quá trình khổ luyện thì người phi thường đến mấy cũng có ngày bị người bình thường vượt qua. Đặc biệt là trong công việc, chỉ cần xao nhãng một ngày là chúng ta đã ít cơ hội học hỏi và rèn luyện kỹ năng hơn người khác rất nhiều.
2. Thiếu kỹ năng mềm
Tại nơi làm việc khả năng được liên kết trực tiếp với mức lương của bạn. Nguyên nhân chính dẫn đến thu nhập thấp và không thể thăng tiến là do bạn thiếu năng lực, nghĩa là những gì bạn đã làm chưa đủ để hài lòng sếp.
Ở đây bạn cần hiểu năng lực bao gồm cả kỹ năng cứng và kỹ năng mềm. Kỹ năng cứng là mức độ thông minh, thành thạo các kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực đang làm việc, có thể hiểu là “làm được việc”. Kỹ năng mềm là cách bạn quản lý cảm xúc, làm việc nhóm, giao tiếp với đồng nghiệp và sếp…
So với kỹ năng cứng, kỹ năng mềm phức tạp hơn rất nhiều. Nếu kỹ năng cứng chủ yếu dựa vào học tập và tích luỹ. Song kỹ năng mềm là những trải nghiệm khác nhau của từng người ở mỗi góc độ khác nhau vì thế không có tiêu chuẩn và phương pháp thống nhất. Chúng ta chỉ có thể dựa vào chính trải nghiệm của cá nhân để đúc kết và lĩnh hội.
Trong điều kiện kỹ năng cứng ngang nhau thì kỹ năng mềm trở nên đặc biệt quan trọng. Ở nơi làm việc, bạn tiếp xúc với đủ kiểu người. Vì vậy các yếu tố như EQ, cách thức kiểm soát cảm xúc, làm việc nhóm… đều ảnh hưởng đến việc bạn có thể làm tốt mọi việc hay không.
Nhiều người có thành tích học tập xuất sắc ở trường tuy nhiên lại thiếu kỹ năng mềm nên rất khó để đối phó với mối quan hệ phức tạp hay hợp tác với người. Việc này khiến bạn đơn độc ở nơi làm việc.