Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập cho biết ngôi mộ gạch bùn này có tên mastaba. Công trình mang cấu trúc hình chữ nhật, có mái bằng và các cạnh dốc. Qua những dòng chữ tượng hình khắc trên mộ, nơi đây được xác định là khu chôn cất ông Seneb-Neb-Af, người giữ một số chức vụ trong hoàng gia, liên quan việc quản lý người thuê nhà và vợ – bà Idut.
Trên nền gạch bùn không nung xuất hiện những hình ảnh đời thường như các con lừa đang giẫm lên lúa, chiếc thuyền trên sông Nile, người hầu mang vật phẩm dâng lên bậc tôn quý, cảnh bán hàng hóa. Ông Stephan Seidlmayer, cựu giám đốc Viện Khảo cổ Đức ở Berlin (Đức), người dẫn đầu nhóm thám hiểm nhận định các hình ảnh vẫn được bảo tồn, dù một số góc tường không còn nguyên vẹn.
Theo trang Mused, thời Ai Cập cổ, con người sống chủ yếu dọc theo sông Nile, bởi đây là nguồn cung cấp nước chính cho sinh hoạt và trồng trọt. Họ thường trồng lúa mì và lúa mạch, chăm sóc những vườn cây ăn quả như nho, ô liu, dưa hấu.
Hàng năm vào mùa xuân, sông Nile ngập lụt và lan rộng tới một dặm (khoảng 1,6 km), giúp các mảnh đất trở nên màu mỡ. Đàn ông dùng cuốc phá vỡ những khối đất lớn, sau đó phụ nữ dùng tay rải hạt giống. Cuối cùng một đàn cừu sẽ đi qua cánh đồng để chôn chúng xuống đất.
Nông nghiệp là một trong số chủ đề xuất hiện nhiều trong trang trí lăng mộ ở Ai Cập cổ đại, do đó là hoạt động gắn liền cuộc sống người dân thời ấy. Ngoài ra, thực phẩm được coi là điều không thể thiếu để người đã khuất mang sang ”thế giới bên kia”.
Năm 2015, khi khai quật được hai ngôi mộ ở Luxor (Ai Cập), các nhà khảo cổ học người Mỹ tìm thấy những bức tranh tường vẫn rõ nét, đậm màu, tả cảnh tiệc tùng và sinh hoạt thường ngày của người dân. Tờ Daily Mail cho biết hai công trình dự đoán được xây dựng từ thời Vương triều mới (New Kingdom), vào khoảng năm 1543-1292 trước công nguyên.
Phương Linh (theo CNN)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/tranh-ve-doi-song-ai-cap-duoc-tim-thay-trong-mo-co-4730014.html