Nhiều xu hướng trong phát triển các khu công nghiệp và sứ mệnh của Liên minh công nghiệp G20 đã được các chuyên gia lưu ý tại buổi ra mắt chính thức Liên minh này (ngày 3/4).
XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI CÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG
Liên minh công nghiệp G20 được thành lập bởi công ty cổ phần Đầu tư và Phân phối DTJ, công ty cổ phần BRD Việt Nam, công ty TNHH Tư vấn và Xây lắp Phòng cháy chữa cháy NTK, công ty TNHH LIFE, công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Việt Nhật. Đây là 5 đơn vị uy tín với hơn 10 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực: Tư vấn phát triển khu công nghiệp, xúc tiến đầu tư; Xây dựng hạ tầng và nhà xưởng khu công nghiệp; Cung cấp giải pháp thiết kế, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện năng lượng mặt trời; Quản lý vận hành khu công nghiệp hướng tới khu công nghiệp xanh, Carbon thấp.
Mục tiêu của Liên minh công nghiệp G20 là trở thành một thương hiệu mạnh cả trong nước và quốc tế, tham gia vào những dự án quy mô quốc gia, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, cam kết đưa ra những giải pháp đóng góp vào sự phát triển bền vững của hệ sinh thái công nghiệp, nhằm xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp bền vững, nâng cao sức cạnh tranh quốc tế.
Sắp tới, Liên minh công nghiệp G20 sẽ tập trung tiếp cận và hợp tác mật thiết với các chủ đầu tư khu công nghiệp, các chủ đầu tư trong và ngoài nước thông qua tổ chức định kỳ các chương trình xúc tiến đầu tư, giới thiệu cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu, Đông Nam Á và nhiều quốc gia khác.
“Với sứ mệnh hướng tới cung cấp các dịch vụ và giải pháp cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Việt Nam, chúng tôi mong muốn tạo nên một sự kết nối mạnh mẽ, một liên minh đoàn kết để đẩy mạnh hiệu quả, cùng nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước và tham gia sâu vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu”, ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Liên minh Công nghiệp G20 chia sẻ.
Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đánh giá: “Ngay cả khi các phân khúc khác vô cùng khó khăn thì bất động sản công nghiệp vẫn là điểm sáng trên thị trường bất động sản Việt Nam. Giá cho thuê cũng liên tục tăng”.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính cũng nhấn mạnh rằng ở mỗi khu vực, mỗi khu công nghiệp lại có đặc trưng và khả năng cạnh tranh khác nhau. Các khu công nghiệp của các doanh nghiệp nước ngoài thường được đầu tư bài bản, có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Còn các khu công nghiệp của các nhà đầu tư trong nước thì thường thiếu tính cạnh tranh do chưa được đầu tư bài bản, chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp lớn, cũng như xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới.
LÀM KHU CÔNG NGHIỆP, PHẢI TÍNH NHIỀU YẾU TỐ ĐỂ TRÁNH RỦI RO
Ông Đính cũng kỳ vọng Liên minh công nghiệp G20 ra đời có thể góp phần tạo nên những mô hình khu công nghiệp chất lượng, hiệu quả, mang lại nhiều điểm mới cũng như nhiều giá trị cho các chủ đầu tư và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Qua nghiên cứu thực tế, Chuyên gia Kinh tế Trần Đình Thiên nhìn nhận: Chưa bao giờ doanh nghiệp Việt Nam suy yếu như hiện nay. Vì vậy, rất cần có một liên minh để vực dậy và tạo nên sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Với lĩnh vực phát triển khu công nghiệp, phải nhận thấy rằng xu thế đang thay đổi khốc liệt, Việt Nam cần phải phân tích, đánh giá, lựa chọn các xu thế để hình thành được chiến lược, chính sách phù hợp.
“Thứ nhất là xu hướng chuyển sang công nghệ cao; Thứ hai là chuyển đổi cấu trúc thành hệ sinh thái công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Chúng ta đã tốn quá nhiều đất đai, quá nhiều nhân công cho công nghệ thấp rồi, và hiện cũng vẫn còn thấp. Trong khi đó, nước ngoài họ tập trung tạo dựng các khu công nghệ cao, khu thương mại tự do…, có khu quy mô lên tới hàng chục ngàn ha. Còn ở Việt Nam, giờ quỹ đất hạn hẹp, để tìm được đất làm khu công nghiệp vài trăm ha là rất khó”, ông Thiên phân tích.
Trên cơ sở đó, ông Thiên gợi ý Liên minh công nghiệp G20 cần tập trung bàn thảo, xác định rõ những xu hướng mới và cần tiếp cận rất sớm, rất nhanh để định hình tầm nhìn, chiến lược… Cụ thể như: xây dựng khu công nghiệp theo mô hình mới thì thế nào; chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình mới phải thay đổi ra sao (chi phí làm mới, chi phí chuyển đổi bao nhiêu…); hay nên tiếp tục mô hình cũ đến bao giờ?… Chúng ta mong muốn sắp tới, thu hút những nhà đầu tư lớn, đầu tư 5-7 tỷ USD vào Việt Nam. Vậy, cần có cơ chế chính sách như thế nào, chuẩn bị ra sao?
Bên cạnh đó, theo ông Thiên, có thể thấy một xu hướng nữa là xây dựng các khu công nghiệp để đón “sóng” đầu tư nước ngoài. Nhưng chúng ta cũng phải lựa chọn, thu hút những doanh nghiệp nào mang lại lợi ích lâu dài chứ không phải chỉ đáp ứng được cái lợi trước mắt. “Có thực tế là nhiều doanh nghiệp ngoại đầu tư vào Việt Nam là đầu tư không đồng, họ chỉ phải trả nhân công giá thấp, còn chúng ta không được gì. Phát triển các khu công nghiệp cần tính đến việc này, không rất rủi ro”, ông Thiên nói.
Tại buổi lễ ra mắt, Liên minh công nghiệp G20 đã ký kết thoả thuận hợp tác với nhiều đối tác quan trọng như: Công ty cổ phần Đầu tư Hưng Yên – Chủ đầu tư Cụm Công nghiệp Hưng Yên, Công ty cổ phần Vertexco Sóc Đăng – Chủ đầu tư Cụm công nghiệp Sóc Đăng, Quỹ Đầu tư Quốc tế GreenYellow – Quỹ đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các giải pháp về năng lượng sạch, bền vững.
Theo đó, Liên minh công nghiệp G20 chịu trách nhiệm thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước cho các khu và cụm công nghiệp này. Các lĩnh vực được ưu tiên thu hút đầu tư gồm: công nghiệp hỗ trợ khuân mẫu, thiết bị điện tử, điện lạnh, công nghệ mới, cơ khí chính xác, linh kiện máy móc, vật liệu composite, vật liệu dẻo, siêu bền và nhẹ, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi, các sản phẩm phụ liệu dệt may, dịch vụ kho vận, ô tô, xe máy và phụ tùng ô tô xe máy…
Nguồn tin: https://vneconomy.vn/phat-trien-cac-khu-cong-nghiep-nhan-biet-xu-huong-de-tang-suc-canh-tranh.htm