Chúng tôi có cuộc hẹn với CEO AWING Nguyễn Tiến Dũng ít ngày sau khi startup hoàn thành ký kết đầu tư với NTT (Nhật Bản), tập đoàn viễn thông – công nghệ thông tin đứng thứ 4 toàn cầu. Thương vụ giúp doanh nghiệp công nghệ phát triển nền tảng hiển thị quảng cáo thông qua màn hình đăng nhập wifi miễn phí này có bước đệm vững chãi để ra quốc tế.
“Vì muốn go global nên AWING mới hợp tác với tập đoàn lớn của Nhật”, anh Nguyễn Tiến Dũng nói về lần đầu tiên nhận vốn sau 8 năm khởi nghiệp.
– Con đường khởi nghiệp của anh bắt đầu thế nào?
Tốt nghiệp Đại học Bách khoa, tôi có duyên làm cho IBM Nhật Bản. Thời đó làm đúng thứ thiên hạ đang nói ầm ầm bây giờ là chip bán dẫn. Công việc tốt, lương cao, nhưng không hiểu sao sau một thời gian tôi muốn nghỉ, bởi thấy những thứ đó chưa mang về Việt Nam được. Trong đầu tôi lúc này làm gì cũng nghĩ, có thể mang về nước không? Sau đó tôi có học bổng học tại Hàn Quốc về viễn thông. Học xong, tôi cũng định học lên cao hơn nhưng rồi quyết định về nước, thử tham gia vào một công ty kinh doanh nhân sự công nghệ hàng đầu trong nước và tìm hiểu môi trường.
Thời điểm ấy, tôi thấy hầu hết công ty trong nước không đề cập về văn hoá innovation (sáng tạo). Trong khi những doanh nghiệp ban đầu tôi làm việc ở nước ngoài đều nhấn mạnh điều này. Thế là tôi quyết định nghỉ, nhảy ra khởi nghiệp với một số người bạn học chung ở Hàn Quốc. Chúng tôi thử phát triển nền tảng phân phối nội dung số bằng video, những thứ tựa như YouTube bây giờ, nhưng lúc đó chưa đủ lực, công nghệ, thị trường chưa có, nên phá sản. Toàn bộ tiền tích cóp bao năm bay hết. (cười).
Tôi lại đi làm thuê, kiếm tiền, rồi khởi nghiệp tiếp thì đến AWING, mô hình kinh doanh quảng cáo dựa vào wifi.
– Tại sao anh lại nghĩ đến việc phát triển nền tảng hiển thị quảng cáo qua wifi miễn phí?
Thời điểm 2012-2013, ai cũng nhận thấy smartphone sẽ là xu thế nên tìm hiểu mọi thứ liên quan. Wifi khiến tôi chú ý nhất. Nhiều người nghĩ wifi tầm thường nhưng bản chất nó rất quan trọng. Nền tảng này sẽ phát triển cùng với hệ thống 4G, 5G. Do đó, tôi thử liên kết wifi, smartphone và cuộc sống bên ngoài. Những ý tưởng về Location-based marketing (quảng cáo theo địa điểm) bắt đầu nhen nhóm. Thực ra hồi đó tôi cũng nhìn nhiều thứ lắm, nhưng game thì không thích, thanh toán hay thương mại điện tử lại “trèo cao”.
Càng tìm hiểu, tôi càng nhìn ra nhu cầu quảng cáo theo địa điểm rất lớn. LCD, Standee thì cổ điển, bây giờ phải là thứ gì mới hơn, gắn với con người nhiều hơn. Cũng có vài công ty đưa ra giải pháp về quảng cáo gắn với từng người dùng tại một địa điểm nhất định nhưng nó không hiệu quả.
Ý tưởng của chúng tôi khác hẳn: tập trung phát triển nền tảng phần mềm và gom những hệ thống wifi lẻ tẻ hiện có thành mạng lưới lớn, chuẩn hóa, đồng nhất nó. Nền tảng này sẽ tạo thành mạng lưới quảng cáo rộng lớn, giúp nhãn hàng tiếp cận đúng đối tượng khách hàng mục tiêu tại các địa điểm cụ thể, có hành vi tiêu dùng rõ ràng. Chúng tôi không bán giải pháp phần mềm, thay vào đó xây dựng kênh truyền thông mới và từ đó tạo ra doanh thu cho wifi sẵn có theo mô hình nền kinh tế chia sẻ. Cụ thể, chúng tôi là mạng lưới quảng cáo phát trên wifi miễn phí, nhưng không hề sở hữu một thiết bị wifi nào. Nhìn quanh có lẽ mô hình này cũng chưa có ở đâu.
– Khởi đầu với một mô hình hoàn toàn mới, khó khăn lớn nhất của anh và các cộng sự là gì?
Thực tế là khó toàn diện! Mô hình công nghệ chia sẻ của AWING thực tế chưa có trên thế giới nên không tham khảo được kinh nghiệm, bài học nào đâu. Trong khi đó, nếu mảng di động là thị trường khổng lồ từ lâu thì wifi lại khó để làm (tạo doanh thu). Năm 2015, khi chúng tôi thử nghiệm, không ai tin tưởng mô hình sẽ sống!
Nhiều người cũng nói tôi mạo hiểm khi làm cái này. Tuy nhiên, tôi tin vào duyên số.
Dù bắt đầu từ số 0, khó mọi mặt, Việt Nam lại có môi trường đặc biệt mà nhiều nước không có: wifi miễn phí được cung cấp ở hầu hết mọi nơi. Tỷ lệ người dùng di động cao, dân số trẻ, năng động. Những điều này tạo thuận lợi để phát triển, nôm na là “có nước cá mới sống được”. Do đó, tôi thấy rằng nếu làm đúng cách, đủ khác biệt, chúng tôi sẽ thành công.
Đơn cử, chúng tôi khi bắt đầu đã chọn làm với những ông lớn. Mọi người có thói quen làm dễ trước, khó sau. Nhưng tôi nghĩ đằng nào cũng mất công, làm với doanh nghiệp lớn, khả năng của mình sẽ được cải thiện tới mức cao nhất có thể; mặt khác, kết quả cũng thuyết phục ông nhỏ đi theo. Nếu làm ngược lại chưa chắc đã là giải pháp hay.
– Bước ngoặt của AWING là giai đoạn nào?
Năm nào chúng tôi cũng có bước ngoặt. Nhưng nếu nói dấu mốc đáng nhớ nhất là khi AWING triển khai ở Vincom. Chúng tôi có cơ hội để triển khai mô hình ở một trong những trung tâm thương mại hàng đầu, từ đó có nguồn tài nguyên dữ liệu, traffic khổng lồ đầu tiên.
Bước ngoặt thứ hai là lần hợp tác với Highland Coffee. 7 năm trước, wifi của chuỗi này chưa tốt được như bây giờ, tôi nghe nói rằng cứ cuối tuần là đội kỹ thuật vất vả xử lý sự cố. Cũng có nhiều bên đưa giải pháp cho họ, nhưng không hiệu quả. Tôi chủ động liên hệ, chủ yếu giao lưu thôi chứ không chào hàng gì. Hồi đó tên tuổi AWING chưa được biết đến nhiều.
Sau đó, họ thử tham gia vào mạng lưới AWING vì thấy chúng tôi có thể tin được. Tích hợp xong, vui được mấy ngày thì hệ thống của cả Highland lẫn AWING lăn quay ra chết, không hiểu vì lý do gì. Lúc đó, tôi gọi cho họ, không cố biện minh chỉ bảo sẽ tìm cách khắc phục, nếu không sửa được rút lui luôn vì không muốn làm phiền đối tác. May sao đến cuối giờ sáng cải thiện được.
Tình hình 50-50, tôi chia sẻ với đối tác, quyết định làm tiếp hay không là ở phía họ. Chúng tôi muốn họ an tâm về chất lượng. Kết quả, đối tác nói, cứ hợp tác vì thực tế lỗi phát sinh khi làm bên nào cũng gặp, nhưng AWING là đơn vị có thể tin cậy vì luôn nói thật, nói đúng vấn đề đang diễn ra.
Sau Vincom, Highland Coffee, chúng tôi có thêm các đối tác lớn như Golden Gate, Circle K, CGV, Sân bay… mỗi lần đều là bước ngoặt nhỏ, là quá trình đáng nhớ.
– Sau 8 năm thành lập, gần đây AWING mới bắt đầu nhận vốn lần đầu, tại sao vậy?
Chúng tôi kiêu! (cười) Nhưng là đùa thôi. Thực ra thời đầu cần tiền, đi gọi vốn khắp nơi không có bên nào đầu tư cả. Một là mô hình quá mới, hai là thị trường vốn cho startup lúc đó khan hiếm, ba là cơ cấu cổ đông của AWING cũng có đặc thù riêng. Vậy nên anh em đành nai lưng ra làm cùng nhau.
Khi doanh nghiệp bắt đầu có tiếng tăm, doanh thu tốt, cũng có một số bên muốn vào. Trước những tình huống đó, chúng tôi đặt câu hỏi, họ vào giúp được gì cho mình về công nghệ, thị trường không, còn vốn chúng tôi đã ổn rồi. Vì thế chúng tôi từ chối.
Những năm gần đây, thị trường trong nước có đà phát triển cao và ổn định, chúng tôi bắt đầu tầm nhìn go global. Bởi những dự báo đều chỉ ra, quảng cáo địa điểm là ngành có nhu cầu rất lớn trên toàn cầu nhưng phía cung lại thiếu. Đó là thứ AWING làm được, tại sao mình không mở rộng ra các nước khác.
Rồi duyên đến khi tôi và một người bạn cũ đang làm ở NTT e – Asia (Nhật Bản) trao đổi với nhau. Anh ấy cũng đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các startup cho tập đoàn. Còn chúng tôi muốn xuất ngoại công nghệ, con người Việt. Mọi thứ của hai bên cứ thế khớp dần. Họ ra quyết định đầu tư rất nhanh, chưa đến 2 tháng đã chốt deal.
– Khó khăn lớn nhất khi go global với anh là gì?
AWING là công ty thuần công nghệ nên yếu tố con người vẫn là chủ chốt. Tôi chủ yếu trăn trở về kỹ năng của người Việt. Xuất ngoại nhân lực lúc này không phải làm thợ như bao năm qua mà là để “làm thầy”, đi xây dựng mô hình, đào tạo nhân viên mới tại các nước, thậm chí ở những quốc gia phát triển như Nhật.
Vậy nên suy nghĩ của họ phải khác. Đi nhiều nơi tôi vẫn thấy người Việt có lòng trắc ẩn, hào phóng, thích giúp người. Nhưng trong môi trường chuyên nghiệp thì chưa bằng “Tây”, ví dụ để hoàn thành công việc, trao đổi “gay gắt” một chút là sẽ thấy tự ái cá nhân, không tách bạch được với công việc. Rồi kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng truyền đạt thông tin,… nói chung khá nhiều điều cần phải cải thiện.
Chúng tôi đang xử lý bằng cách đẩy mạnh bằng cách đưa tư duy “Chân – Thiện – Nhẫn” vào văn hoá của doanh nghiệp. Muốn hiệu quả nên “Chân” – tức là thẳng vào vấn đề, chân thật, minh bạch. Muốn có lợi thì nên “Thiện” – mình làm ra giá trị cho mình nhưng cũng phải có lợi cho người khác. Mô hình kinh doanh của AWING là nơi kết nối nhiều bên với nhau, nếu người này được lợi, người kia không thì khó thành mạng lưới quy mô lớn. Muốn tốt nên “Nhẫn”, tức là cần kiên nhẫn, tỉ mỉ, làm bằng được, cần có thói quen tự nhìn lại vấn đề của mình để sửa chữa. Và thấy thật sự hiệu quả, môi trường làm việc an lành, công việc rất tốc độ mà không cần phải đao to búa lớn gì nhiều.
– Đến nay kế hoạch vươn ra biển lớn của doanh nghiệp tiến hành đến đâu?
AWING nhìn vào hai thị trường lớn: Khối ASEAN – trong đó Indonesia, Philippines, Thái Lan, Malaysia, Singapore là ưu tiên và Nhật Bản. Hai thị trường này sẽ chạy song song. Chúng tôi đã bắt đầu thử nghiệm ở Indonesia mà chưa cần đưa nhân sự sang, kết quả khá tốt.
Mọi thứ giờ bắt đầu chuyển động. Chúng tôi cũng đang dần thay đổi mô hình vận hành công ty, chuẩn bị bộ quy tắc vận hành vì có ở đâu, DNA của doanh nghiệp vẫn phải được gìn giữ tốt.
– Theo anh, 10 năm tới, AWING sẽ có diện mạo như thế nào?
Thật ra không ai dự báo chính xác được thế giới bên ngoài sẽ chuyển biến ra sao. Tồn tại được và phát triển là do duyên phận. Do đó, trọng tâm của chúng tôi là cải thiện nội tại, thứ mình có thể kiểm soát được. Tốc độ cải thiện càng nhanh, mạnh, kết quả sẽ càng lớn. Tự thân doanh nghiệp mạnh, khi cơ hội đến, chuyển động, nắm bắt của doanh nghiệp sẽ càng nhanh. Tôi hy vọng AWING luôn giữ được tinh thần này, dù 5, 10 hay bao nhiêu năm sau đó.
Nguồn tin: https://cafef.vn/ceo-dung-sau-mang-luoi-quang-cao-25-trieu-nguoi-dung-tham-vong-dua-cong-nghe-chuyen-gia-viet-vuon-tam-the-gioi-188240403212944722.chn