Kình ngư Singapore Joseph Schooling khép lại sự nghiệp của VĐV vĩ đại bậc nhất Đông Nam Á với đủ thăng trầm, từ nỗ lực tột bậc để đạt đỉnh cao đến những sai lầm và tranh cãi.
Ngày 12/8/2016, Schooling khi ấy 21 tuổi, bước vào chung kết bơi 100m bướm Olympic Rio, cùng lời cổ vũ “hãy làm thế giới choáng váng” từ bố Colin. Joseph xuất phát ở làn bốn. Bên trái anh là VĐV vĩ đại nhất Thế vận hội Michael Phelps, còn bên phải là đương kim á quân Olympic Chad Le Clos. Cuộc đua kết thúc theo cách đặc biệt, khi Phelps, Le Clos và Laszlo Cseh cùng về nhì với thời gian 51 giây 14, bị đánh bại bởi VĐV Đông Nam Á Schooling đạt 50 giây 39 – đồng thời phá kỷ lục Thế vận hội.
Thể thao Singapore sang trang với tấm HC vàng Olympic đầu tiên trong lịch sử, còn Đông Nam Á có HC vàng đầu tiên ở bơi – môn mang tính biểu tượng cho tinh thần Olympic, cùng điền kinh. Khi Schooling chiến thắng, bình luận viên ESPN hét lên “Singapore nhỏ bé đã làm rung chuyển Rio”, còn New York Times giật tít “Ai đó (Tên là Joseph Schooling) cuối cùng đã đánh bại Michael Phelps”. Ba kỳ Olympic trước đó, kình ngư Mỹ đều thâu tóm HC vàng 100m bướm.
HC vàng Olympic là khoảnh khắc huy hoàng nhất của Schooling trong sự nghiệp bơi đỉnh cao, cùng hai HC đồng vô địch thế giới, bảy huy chương ASIAD (ba vàng, một bạc, ba đồng) và 29 HC vàng SEA Games. Nhưng sau khoảnh khắc ấy, Schooling không bao giờ tìm thấy nấc thang mới ở Olympic. Anh thậm chí sa sút phong độ và có những năm tháng khó hiểu.
Vậy chuyện gì đã xảy ra?
“Sự tự mãn”, Schooling đáp trước câu hỏi từ New Straits Times (NST).
Anh nói thêm: “Sai lầm của tôi là tự mãn khi nghĩ vinh quang sẽ kéo dài mãi mãi vì bản thân đã tiến quá xa. Thêm nữa là cái tôi, niềm kiêu hãnh và không chịu thay đổi thái độ ấy. Đó là công thức của sự tự mãn, là một trong những bài học tôi rút ra”.
Schooling sinh ra trong gia đình có truyền thống thể thao với bố Colin, mẹ May Yim đều là VĐV bóng mềm, còn chú là VĐV Singapore đầu tiên thi đấu ở Olympic năm 1948. Sau ba lần sảy thai, bà May Yim mới hạ sinh được Joseph vào năm 1995. Tinh thần thể thao của gia đình đã được Joseph kế thừa hoàn hảo.
Hai tuổi, Schooling bị HLV Vincent Poon thả xuống nước xem có hoảng sợ hay không, nhưng chỉ có niềm vui. HLV đánh giá Schooling có bản năng tìm về nước. Bốn tuổi, Poon cho những đứa trẻ khác đeo chân vịt bơi trước nửa vòng, rồi bắt Schooling đuổi theo. Cậu bé phát điên nhưng sau một thời gian đã cảm thấy tốc độ bơi nhanh hơn. Sáu tuổi, Schooling nói với mọi người muốn trở thành nhà vô địch Olympic.
Thế vận hội năm 2008 tổ chức tại Trung Quốc cũng được coi là định mệnh với Schooling, khi đội tuyển bơi Mỹ chọn Singapore làm điểm tập huấn, giúp anh có cuộc gặp không thể nào quên với huyền thoại Michael Phelps. Mùa hè năm ấy, chàng trai 13 tuổi dán mắt chặt vào màn hình TV chứng kiến thần tượng làm nên kỳ tích giành tám HC vàng và phá bảy kỷ lục thế giới trong một kỳ Olympic. “Tôi muốn được giống như anh ấy”, Schooling tự nhủ.
Một năm sau, bố mẹ gửi Schooling sang Mỹ theo học trường Bolles với sự kèm cặp của HLV Tây Ban Nha Sergio Lopez – HC đồng Olympic 1988. Tờ NST đánh giá gia đình Schooling rất dũng cảm vì quyết định đầu tư vào tài năng thể thao cho một đứa trẻ thay vì chú trọng chú trọng học thuật như nhiều gia đình khác ở Singapore.
Tại cường quốc bơi thế giới, Schooling tiếp tục đương đầu với những đối thủ nhiều hơn năm tuổi và liên tục thua. “Nhưng tôi thấy mình ngày càng bắt kịp họ”, anh nói. “Tôi sẽ không bao giờ nhả ra khi đã cắn chặt vào bất cứ thứ gì”. Thiếu niên Đông Nam Á nhận ra chỉ có bám theo những người giỏi nhất thế giới thì bản thân mới có thể trở nên giỏi nhất. Khi đạt chiều cao 1,84 m cùng sải tay 1,93 m, Schooling cảm thấy bản thân đã hòa làm một với “nước” và cũng là lúc bắt đầu hành trình thi đấu quốc tế ở mọi cấp độ.
Tấm HC vàng 200m bướm SEA Games 2011 đã đem về tấm vé thông hành đầu tiên cho Schooling đến Olympic London 2012. Nhưng cuộc chơi đỉnh cao là vô vàn biến số. Trước phần thi, Schooling nhận quyết định không được phê duyệt kính bảo hộ và mũ từ ban tổ chức khiến anh bị ảnh hưởng tâm lý, thi đấu dưới sức nên xếp cuối vòng loại. Phelps tiến đến nói “hãy ngẩng cao đầu và tiếp tục tiến bước”, nhưng thất bại ấy vẫn quá sức chịu đựng với một VĐV đang ở tuổi dậy thì.
Schooling thường xuyên giận dữ, đi tập muộn rồi ném mọi sự tiêu cực vào HLV Lopez. Chỉ đến khi HLV nghỉ việc, Schooling mới tỉnh ngộ nhưng nhận tiếp bài học về sự tôn trọng. Mâu thuẫn giữa thầy trò chỉ được hàn gắn ở Olympic Rio 2016 khi Schooling chủ động nhờ Lopez – lúc đó là HLV đội bơi Singapore – dẫn đến phòng chuẩn bị. “Lopez sốc, còn Schooling đang nói lời cảm ơn và xin lỗi”, NST bình luận.
Thế vận hội ấy càng thêm đẹp với Schooling với tấm HC vàng 100m bướm cùng liên tiếp những khoảnh khắc đáng nhớ. Hành động đập nước chỉ dành cho nhà vô địch và nó thuộc về Schooling. Từ làn bên cạnh, Phelps tiến đến ôm chặt Schooling. Phelps hỏi kế hoạch tối nay của đàn em là gì, Schooling đáp rằng sẽ đi ngủ vì rất mệt mỏi. “Cậu sẽ không ngủ đâu”, Phelps cười nói.
Và kình ngư Mỹ đã đúng. Schooling trằn trọc cả đêm vì không tin vào sự thật, đồng thời nhận ra lời của Phelps là kinh nghiệm được đúc kết từ 23 lần đứng trên bục cao nhất Olympic.
Trên khán đài, mẹ May Yim khóc cười vì mãn nguyện với lá cờ Singapore trên tay. Bà cùng chồng đã chi hơn một triệu USD cho con trai theo đuổi giấc mơ, đã đứng lên kháng cáo Bộ quốc phòng Singapore năm 2013 để con trai được hoãn nghĩa vụ quân sự thêm bốn năm và hưởng trái ngọt tại Rio 2016.
Schooling về Singapore với một chiếc xe buýt mui trần chờ đưa anh qua các con phố, với hàng nghìn người dân đang chờ đón biểu tượng quốc gia. Schooling vẫn tiếp tục giành thêm thành tích mà không VĐV Singapore nào đạt được là HC đồng thế giới 2017 và hai HC vàng ASIAD 2018. Thế nhưng, thành tích dần đi xuống.
Vấn đề của Schooling không phải từ bên ngoài, mà từ chính bản thân gặp khó khăn trong tái tạo động lực sau khi hoàn thành mục tiêu lớn nhất cuộc đời là HC vàng Olympic. Kình ngư sinh năm 1995 muốn xả hơi trong khi nhiều người, gồm cả bố anh, lo lắng sẽ không duy trì được thành tích tốt nếu đánh mất sự tập trung. “Tôi phát ốm và mệt mỏi sau gần hai thập kỷ bơi không ngừng nghỉ”, Schooling nói. “Tôi gần như mất hứng thú với bơi”.
Kể từ năm 2019, Schooling chỉ còn cạnh tranh được ở cấp độ Đông Nam Á. Nỗi buồn ập đến khi bố anh qua đời vào tháng 11/2021. Một năm sau, hình tượng của anh bị ảnh hưởng sau lời thú nhận sử dụng cần sa cùng hai đồng đội khác tại SEA Games 32. Kình ngư 28 tuổi coi đó là điều đáng xấu hổ và nhục nhã trong sự nghiệp. Không ai hoàn hảo nhưng với tư cách một VĐV truyền cảm hứng cho người trẻ, anh cảm thấy đáng lẽ phải giữ mình ở một tiêu chuẩn cao hơn.
Schooling đã nghĩ về giải nghệ trong những ngày sóng gió ấy, để rồi chính thức nói lời tạm biệt vào ngày 2/4, khép lại sự nghiệp có cả vĩ đại, sai lầm và tranh cãi. Anh không còn nghĩ về những thử thách trên đường đua xanh mà chuyển sang các dự án đầu tư mạo hiểm, chơi golf và dành thời gian bên mẹ. “Bơi đã mang lại cho tôi cả thế giới”, Schooling chia sẻ. “Nhưng đã đến lúc tôi trở thành một chàng trai bình thường”.
Trung Thu
Nguồn tin: https://vnexpress.net/joseph-schooling-nha-vo-dich-olympic-va-bai-hoc-tu-su-tu-man-4730125.html