AnhTriển lãm “Kafka: Making of an Icon” công bố nhiều tư liệu cho thấy Franz Kafka có tính hay đùa, trái với trang viết kỳ bí, đầy ắp nỗi đau của ông.
Theo Guardian ngày 31/3, nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của văn hào Franz Kafka (1883-1924), ban quản lý thư viện Bodleian trưng bày nhiều thư từ, bản thảo gốc, hình ảnh và tư liệu tham khảo giá trị của ông, diễn ra từ ngày 30/5 đến 27/10. Hãng tin cho biết triển lãm mang đến góc nhìn tươi sáng hơn về Franz Kafka, thông qua câu chuyện đằng sau những hiện vật.
Franz Kafka, đại văn hào gốc Do Thái sinh tại Praha (Czech), được xem là một trong những nhà văn vĩ đại của thế giới, nổi tiếng với lối viết khó hiểu, kỳ bí. Các số phận dưới ngòi bút của Kafka đều chứa nhiều nỗi đau và mâu thuẫn như phản ánh cách nhìn của tác giả về cuộc đời. Tuy nhiên, trái ngược với lối hành văn thần bí, Franz Kafka được nhận xét là người vui tính, theo Guardian.
Guardian cho biết trong số những hiện vật trưng bày, bưu thiếp gửi em rể của Franz Kafka gây chú ý vì thể hiện tính hài hước của nhà văn. Theo đó, Kafka đã đùa về khả năng trượt tuyết của ông dẫu tình trạng sức khỏe rất kém. Tác giả khẳng định hình minh họa vận động viên trượt tuyết trên tấm thiệp chính là ông đang tham gia cuộc đua trên núi Kriváň thuộc dãy High Tatras (Slovakia).
Trong một bản thảo của nhà văn Max Brod, bạn đại học của Franz Kafka, ông đã mô tả Kafka có thói quen cười không ngớt mỗi lúc Brod đọc thành tiếng. Khi đó, cả hai còn học ở trường luật. Điều này trái ngược với hình ảnh u ám, buồn bã thường thấy của nhà văn.
Guardian nhận định hiện vật thú vị nhất của triển lãm là thư tay Kafka gửi cho ông chủ công ty bảo hiểm – chỗ làm cũ của ông vào khoảng năm 1912. Đó là thư xin nghỉ phép với lý do ốm nặng. Trên thực tế, Kafka đã nói dối để ở nhà sáng tác truyện ngắn Phán Quyết (1912) – một trong những tác phẩm mang tính đột phá của nhà văn.
Triển lãm còn có bản thảo gốc tiểu thuyết Hóa Thân (1915), xoay quanh nhân vật George Samsa bị biến thành côn trùng khổng lồ sau khi tỉnh giấc. Ngoài ra, ban tổ chức còn trưng bày hai tác phẩm chưa hoàn thiện gồm Lâu Đài và Nước Mỹ cùng nhiều truyện ngắn khác. Nhiều tài liệu minh họa về côn trùng được nhà văn tham khảo trong quá trình sáng tác cũng xuất hiện tại sự kiện.
Phỏng vấn với Guardian, giáo sư Carolin Duttlinger, đồng giám tuyển của triển lãm, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng về cuộc trưng bày sắp tới. Đây là nơi kể lại câu chuyện về cuộc đời, thời đại và những tác phẩm của Kafka cùng với cách các bản thảo được đưa đến thư viện Bodleian tại Oxford”.
Theo Guardian, trước khi Franz Kafka qua đời, nhà văn đã yêu cầu Max Brod đốt tất cả bản thảo. Tuy nhiên, bạn thân kiêm biên tập viên của ông đã phớt lờ mong muốn, quyết định chuyển những tác phẩm cho bốn người cháu của Kafka. Các tài liệu được lưu trữ tại ngân hàng Zurich trong nhiều năm sau đó.
Đến 1961, Malcom Pasley – nghiên cứu sinh Đức – thương lượng với gia đình của Kafka về việc mượn vĩnh viễn các di vật nhằm mục đích trưng bày tại thư viện Bodleian. Tuy nhiên, vào năm 2011, hậu duệ của Ottla Kafka – em gái của nhà văn – muốn bán những bức thư ông viết cho bà. Khi đó, ban quản lý thư viện Bodleian biết họ không đủ khả năng thắng phiên đấu giá. Do đó, họ đã thực hiện cuộc môi giới kéo dài 11 giờ với các thư viện ở Oxford và bảo tàng Deutsches Literaturarchiv (Đức) để cùng mua lại hiện vật, lưu trữ chúng tại Bodleian.
Hiện bảo tàng Deutsches Literaturarchiv giữ bản thảo tiểu thuyết Vụ Án (1925). Một số văn bản do Max Brod quản lý được bảo quản tại Thư viện quốc gia Israel (Jerusalem). Những bức thư tình Franz Kafka viết cho Felice Bauer – vị hôn thê không bao giờ cưới của ông – đã được một nhà sưu tập tư nhân mua lại với giá khoảng 500.000 bảng Anh tại cuộc đấu giá do Sotheby’s tổ chức năm 1987. Kể từ đó, không ai nhìn thấy các lá thư.
Phương Thảo (theo The Guardian)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/trien-lam-tu-lieu-he-lo-tinh-hai-huoc-cua-franz-kafka-4728944.html