Chia cổ tức lên tới 40%
Từ ngày 24 – 28/4, có 7 doanh nghiệp thông báo chốt quyền cổ tức. Đáng chú ý, tất cả doanh nghiệp đều trả cổ tức bằng tiền mặt , không có doanh nghiệp trả cổ tức bằng cổ phiếu, thưởng cổ phiếu hay phát hành thêm trong tuần này. Trong số các doanh nghiệp chia cổ tức tiền mặt tuần này, cao nhất là 40% và thấp nhất là 7%.
Cụ thể, Công ty CP Cơ khí và Thiết bị Áp lực (mã chứng khoán: APL) thông báo, 25/4 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách trả cổ tức bằng tiền năm 2022 tỷ lệ 12%, có nghĩa 1 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng. Ngày thanh toán là 12/5/2023. Với hơn 1,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự kiến chi 1,4 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông trong đợt này.
Đến ngày 26/4, Công ty CP Đại lý Vận tải SAFI (mã chứng khoán: SFI) sẽ chốt danh sách cổ đông trả cổ tức đợt cuối năm 2022. Theo đó, cổ tức được trả bằng tiền mặt với tỷ lệ 40%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 4.000 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 25/4, thời gian thanh toán cổ tức dự kiến từ ngày 25/5. Trước đó, SFI đã thực hiện 2 đợt tạm ứng cổ tức với tổng tỷ lệ là 40% bằng tiền mặt.
Công ty CP Phát hành sách TPHCM (Fahasa – mã chứng khoán: FHS) thông báo, 27/4 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách nhận cổ tức bằng tiền đợt 2 năm 2022 với tỷ lệ 9%. Ngày thanh toán là 10/5/2023. Với hơn 12,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, doanh nghiệp dự kiến sẽ chi khoảng 11,4 tỷ đồng để trả cổ tức.
Công ty CP Bia Sài Gòn – Hà Nội (mã chứng khoán: BSH) cho biết, 28/4 là ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách trả cổ tức bằng tiền đợt cuối năm 2022 với tỷ lệ 10%. Trước đó, vào tháng 9/2022, Công ty CP Bia Sài Gòn – Hà Nội đã trả cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Như vậy, tổng tỷ lệ chi trả năm 2022 là 20% bằng tiền mặt, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu.
Nhiều doanh nghiệp lớn tổ chức đại hội
Trong tuần, từ ngày 24 – 28/4 sẽ có hàng loạt doanh nghiệp lớn tổ chức đại hội cổ đông , như: Công ty CP Cao Su Sao Vàng (mã chứng khoán: SRC), Công ty CP Xi măng VICEM Hà Tiên (mã chứng khoán: HT1), Công ty CP Tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN), Công ty CP Công nghiệp Thương mại Sông Đà (mã chứng khoán: STP), Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán: HHV), Công ty CP Bánh kẹo Hải Hà (mã chứng khoán: HHC), Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (mã chứng khoán: VNS), Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (mã chứng khoán: SCR).
Công ty CP Chứng khoán SSI (mã chứng khoán: SSI), Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đô thị Thăng Long (mã chứng khoán: TLD), Công ty CP Nước giải khát Chương Dương (mã chứng khoán: SCD), Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD), Công ty CP Chứng khoán TPHCM (mã chứng khoán: HCM), Công ty CP Sữa Việt Nam (mã chứng khoán: VNM), Công ty CP Phát triển Điện lực Việt Nam (mã chứng khoán: VPD), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (mã chứng khoán: STB), Ngân hàng TMCP Quân đội (mã chứng khoán: MBB), Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3 (mã chứng khoán: DP3), Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (mã chứng khoán: POW), Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (mã chứng khoán: GAS)…
Cổ phiếu PVL phải qua sàn Upcom
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam có hiệu lực đến ngày 24/4, nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 17,23% trên tỷ lệ 30% cổ phần được sở hữu tối đa tại Ngân hàng BIDV (mã chứng khoán: BID). Như vậy, tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã BID giữ nguyên so với mức 17,23% của 1 tuần giao dịch trước đó.
Tại Vietinbank (mã chứng khoán: CTG), nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ 28,05% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa. Tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã CTG giảm 0,01% so với mức 28,06% của 1 tuần giao dịch trước đó.
Tại Vietcombank (mã chứng khoán: VCB), nhà đầu tư nước ngoài hiện đang nắm giữ 23,51% trên tỷ lệ 30% được sở hữu tối đa. Tỷ lệ nắm giữ của khối ngoại với mã VCB giảm 0,01% so với mức 23,52% của 1 tuần giao dịch trước đó.
Ông Lê Thành Lâm – Tổng giám đốc Công ty CP Cơ điện miền Trung (mã chứng khoán: CJC) – đăng ký mua 800.000 cổ phiếu CJC từ ngày 25/4 đến 22/5 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Hiện tại, ông Lâm chỉ đang nắm giữ 7.500 cổ phiếu CJC (tỷ lệ 0,19%).
Ông Đặng Quang Đạt – Giám đốc Công ty CP Sông Đà 505 (mã chứng khoán: S55) – đăng ký bán toàn bộ hơn 1,53 triệu cổ phiếu S55 sở hữu (tỷ lệ 15,34%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 21/4 đến 19/5 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Cùng thời gian và phương thức giao dịch, bà Nguyễn Thị Hương, vợ của ông Đạt cũng đăng ký bán toàn bộ hơn 411.000 cổ phiếu S55 hiện đang nắm giữ (tỷ lệ 4,12%).
Ông Nguyễn Quốc Quyền – Phó tổng giám đốc Công ty CP Hãng sơn Đông Á (mã chứng khoán: HDA) đăng ký bán toàn bộ hơn 992.000 cổ phiếu HDA sở hữu (tỷ lệ 3,6%). Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 24/4 đến 23/5 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Ngày 4/5, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã chứng khoán: KBC) sẽ chốt danh sách trái chủ mua lại 50% giá trị lô trái phiếu mã KBC121020 với mệnh giá 1.500 tỷ đồng (trái chủ sở hữu 2 trái phiếu được quyền bán lại 1 trái phiếu). Nếu đợt mua thành công, lô trái phiếu sẽ giảm dư nợ từ 1.500 tỷ đồng về 750 tỷ đồng, thời gian thực hiện mua là ngày 24/5. Lô trái phiếu mã KBC121020 được phát hành ngày 24/6/2021, đáo hạn ngày 24/6/2023.
Ngày 25/4, 50 triệu cổ phiếu PVL của Công ty CP Đầu tư Nhà Đất Việt sẽ giao dịch trên sàn Upcom, sau khi hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HNX. Cổ phiếu PVL bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 14/4/2023 do tổ chức kiểm toán từ chối cho ý kiến đối với báo cáo tài chính năm 2022. Năm 2022, PVL lãi ròng vỏn vẹn hơn 58 triệu đồng, giảm gần 100% so với năm 2021.