Tuyển thủ Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm cho những kết quả gây thất vọng, bởi lỗi không chỉ thuộc về HLV Philippe Troussier, theo chuyên gia Ryan Walters.
Walters là người sáng lập K League United, kênh tiếng Anh chính thức của giải vô địch Hàn Quốc. Gần đây ông làm việc nhiều hơn với bóng đá Đông Nam Á, từng tới nhiều sân bóng tại Việt Nam xem V-League.
Trao đổi với VnExpress, Walters nhận xét việc VFF sa thải HLV Troussier là “hơn cả công bằng”. “Lối chơi và hệ thống chiến thuật ông Troussier cố gắng xây dựng cho Việt Nam không phù hợp với các cầu thủ trong đội”, Walters nói thêm. “Kết quả của đội tuyển cũng cho thấy điều đó. Indonesia sở hữu đội hình tốt và là ứng viên vô địch AFF Cup năm nay, nhưng họ không mạnh đến nỗi có thể thắng Việt Nam hai trận liên tiếp như vậy”.
Lần đầu trong lịch sử, Việt Nam thua Indonesia ba trận liên tiếp, trong đó có hai trận cách nhau năm ngày ở vòng loại hai World Cup 2026. Thất bại 0-3 ngay tại Mỹ Đình tối 26/3 khiến HLV Troussier bị chấm dứt hợp đồng hơn hai năm trước thời hạn. Nhiều chuyên gia trong nước cho rằng HLV 69 tuổi phải chịu trách nhiệm, còn Walters nghĩ các cầu thủ cũng phải tự vấn bản thân.
“Các cầu thủ nên nhìn trước gương thật lâu, rồi tự giải thích vì sao đội tuyển lại đang rơi vào tình trạng hiện tại”, chuyên gia 40 tuổi nói. “Việt Nam rõ ràng đang ở giai đoạn chuyển giao thế hệ, và các cầu thủ phải thể hiện được tố chất lãnh đạo đội tuyển. Tất nhiên nhiệm vụ này khó khăn hơn khi họ bị đặt vào một hệ thống thi đấu không phù hợp”.
Walters hay phỏng vấn các cầu thủ Việt Nam, trong đó có Đỗ Hùng Dũng. Tiền vệ 31 tuổi là thủ quân đội tuyển, nhưng gần đây không còn giữ được phong độ cao.
Các cầu thủ có nhiều kinh nghiệm trong đội ngoài Hùng Dũng, còn Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn hay Nguyễn Tiến Linh thường xuyên được thi đấu, nhưng chỉ ghi tổng cộng một bàn trong bảy trận chính thức thời Troussier. Nguyễn Quang Hải không được chơi một phút nào ở bốn trận vòng loại World Cup 2026 đã qua, Nguyễn Hoàng Đức tỏ ra đơn độc trong hai trận gặp Indonesia, còn Hồ Tấn Tài mới chỉ được dự bị vào sân hai trận gần đây.
Các cầu thủ khác như Quế Ngọc Hải, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Công Phượng hay Đỗ Duy Mạnh thường chấn thương nên không đóng góp được nhiều cho đội tuyển thời hậu Park Hang-seo. Trong khi đó, những gương mặt trẻ và mới như Võ Minh Trọng, Nguyễn Đình Bắc, Khuất Văn Khang, Phan Tuấn Tài… không thật sự ổn định. Với lực lượng sứt mẻ, có lúc thiếu cả một đội hình 11 cầu thủ, Việt Nam thua 10 trong 11 trận cuối cùng thời Troussier, trên mọi đấu trường.
Dưới thời Park, HLV người Hàn Quốc đề cao sự chắc chắn trong khâu phòng ngự, từ bóng sống lẫn tình huống cố định. Vì thế đội có thể không có tỷ lệ thắng quá cao (47%), nhưng tỷ lệ thua của đội tuyển thời Park (25%) thấp nhất lịch sử của những HLV ngoại.
Sang thời Troussier, đội tuyển dành nhiều thời gian hơn cho lối chơi kiểm soát bóng, triển khai ngắn từ dưới lên, nhưng khâu tấn công không được cải thiện. Trung bình đội chỉ ghi 0,8 bàn mỗi trận, so với thông số 1,6 bàn mỗi trận thời Park. Tỷ lệ thủng lưới của đội cũng tăng lên, từ 0,9 bàn thua mỗi trận thời Park, lên 1,7 bàn mỗi trận. HLV người Pháp có tỷ lệ thắng và thua đều tệ nhất trong 10 HLV ngoại đã dẫn đội tuyển.
Khi được hỏi tân HLV tuyển Việt Nam cần rút ra bài học gì từ những kết quả của đội một năm qua, Walters nói: “Điều quan trọng là HLV mới phải biết điều chỉnh lối chơi và chiến thuật đội bóng theo những cầu thủ ông ấy có trong tay, thay vì giữ nguyên triết lý bóng đá của bản thân và ép cầu thủ phải thực hiện nó. Khi ấy, màn trình diễn của đội bóng sẽ được cải thiện”.
Xuân Bình
Nguồn tin: https://vnexpress.net/chuyen-gia-chau-a-tuyen-thu-viet-nam-nen-nhin-lai-ban-than-4727906.html