Đối thoại với Thủ tướng, đại diện thanh niên bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của chuyển đổi số đến thị trường lao động và nguy cơ thất nghiệp hàng loạt.
Sáng 26/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt, đối thoại với thanh niên nhân dịp 93 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM. Chủ đề của chương trình là “phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia”.
Anh Bùi Kim Ngọc, Công nhân khai thác đào lò 12 của Công ty Than Uông Bí nói trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh, nhiều nghề bị đe dọa bởi máy móc, AI có thể làm việc thay con người. Anh mong Chính phủ có giải pháp để tránh cảnh thất nghiệp hàng loạt.
Thủ tướng cho hay khi ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tất yếu sẽ giảm yếu tố con người nên phải chấp nhận đào thải lao động, tạo cạnh tranh lớn hơn. Các cơ quan cần có phương án chuyển đổi lao động, đa dạng hóa thị trường để tiếp nhận người không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. “Khi có sự cạnh tranh lớn hơn, đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực để thúc đẩy xã hội phát triển”, ông nói.
Theo lãnh đạo Chính phủ, chuyển đổi số là yêu cầu khách quan, xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu, và Việt Nam không thể đứng ngoài. “Việt Nam có tốc độ chuyển đổi số nhanh trong khu vực, nhưng chúng ta xuất phát điểm thấp, nên mục tiêu là đi sau nhưng về trước, theo kịp, tiến cùng và bứt phá vươn lên”, ông nói.
Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho hay những công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), robot, tác động không nhỏ đến thị trường lao động. Từ đây, nhiều hình thức việc làm mới đã xuất hiện.
Bà Hà cho rằng chuyển đổi số tác động tích cực hay tiêu cực phụ thuộc vào mức độ thích ứng của nền kinh tế ở Việt Nam. Hơn nữa việc đổi mới công nghệ là quá trình diễn ra từng bước chứ không đột ngột, nên doanh nghiệp, người lao động có nhiều thời gian để thích ứng, không sợ xảy ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt.
Tuy nhiên, nữ thứ trưởng gợi ý rằng thanh niên cần phải trang bị kiến thức, kỹ năng để làm chủ công nghệ, tránh bị thất nghiệp và không bị thay thế bởi AI.
Nam sinh Nguyễn Thành Trung, THPT chuyên Đại học Sư phạm, cho rằng bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng đang là thách thức lớn Việt Nam phải đối mặt. Ước tính có 35% người dùng internet của Việt Nam phải đối diện nguy cơ mất an ninh mạng, cao thứ 6 trên thế giới. Do đó, Trung đề nghị Chính phủ có giải pháp đảm bảo an toàn không gian mạng.
Người đứng đầu Chính phủ cho hay, cái gì cũng có hai mặt tích cực và hạn chế, nên tiến bộ có thể đi đôi với những cản trở. Ông cho biết Chính phủ sẽ hoàn thiện thể chế để bảo đảm an ninh mạng và phân công các bộ ngành xử lý sự cố, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác, có biện pháp phòng ngừa, trong đó thanh niên là nòng cốt.
Tiếp lời Thủ tướng, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nói an ninh mạng được coi là “cái phanh của chiếc xe chuyển đổi số”. Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều thay đổi trong đảm bảo an ninh mạng và được Liên Hợp quốc xếp vào 25 nước dẫn đầu.
Trong chiến lược về an toàn an ninh mạng quốc gia, các cơ quan cần chú trọng vào ba nhóm mục tiêu bảo vệ an ninh mạng là các hệ thống thông tin trọng yếu của cơ quan Đảng, Nhà nước; hệ thống thông tin của doanh nghiệp và người dân.
Nguồn tin: https://vnexpress.net/thanh-nien-lo-lang-chuyen-doi-so-dan-den-that-nghiep-hang-loat-4726825.html