Bé L.K.P (7 tuổi, quận Bình Thạnh, TPHCM) thường xuyên bị đau họng, cổ họng cứng, sốt, nôn ói, bỏ ăn, mệt mỏi, đau bụng. Trong suốt thời gian gần 1 tuần, gia đình đã cố gắng làm nhiều phương pháp để giúp bé giảm các triệu chứng trên, mua thuốc bên ngoài về uống nhưng không thuyên giảm. Lo lắng cho tình trạng bệnh của con, gia đình đã đưa bé khám bệnh.
Kết quả nội soi hiện trên màn hình cho thấy amidan của bé P. sưng đỏ, một lớp dịch vàng bao phủ ở họng, bác sĩ kết luận bị viêm amidan.
Hay trường hợp bệnh nhi H.P.N. (8 tuổi, nhà ở quận Tân Bình) bị viêm amidan trước đó. Bé đã được điều trị nội khoa nhiều nơi, thăm khám nhiều bệnh viện nhưng không khỏi. Gần đây, khi thời tiết nắng nóng kéo dài, bệnh tái đi tái lại ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt, học tập của bé. Bé thường xuyên bị sốt, nghẹt mũi kéo dài, chảy mũi, ngưng thở khi ngủ, mệt mỏi, ho khan, bỏ ăn…
Sau khi khám và nội soi họng, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm amidan quá phát và viêm VA gây tắc nghẽn đường thở khiến bé phải thở bằng miệng.
Bé thở bằng miệng khiến cho vi khuẩn, virus có cơ hội tấn công vào khu vực vòm mũi họng, cùng với tiền sử bệnh nên amidan bên phải và bên trái của thành họng bé ngày càng sưng to; VA bị viêm và trở thành ổ nhiễm trùng. Không điều trị sớm nên bé đã bị biến chứng viêm nhiễm đường hô hấp và viêm tai giữa; được chỉ định phẫu thuật cắt amidan.
Do tình trạng bé N cần loại bỏ ổ viêm amidan và VA ở các vị trí khó và hạn chế tổn thương mô xung quanh nên bác sĩ phẫu thuật bằng phương pháp coblator công nghệ plasma. Sau 30 phút, các ổ viêm được loại bỏ hoàn toàn, ít đau, ít chảy máu. Bé N. nói chuyện, ăn uống sau phẫu thuật 3 giờ và xuất viện sau 24 giờ.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ CKI Diệp Phúc Anh – Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm không được cung cấp đủ cùng với việc bé ở trong phòng lạnh thường xuyên làm khô vùng niêm mạc mũi họng, vón cục gỉ mũi, bít đường thở. Bé thường xuyên thở bằng miệng khiến vi khuẩn, virus từ bụi bẩn của máy điều hòa không được vệ sinh thường xuyên tấn công khu vực vòm họng; cùng tiền sử bé bị viêm mũi họng, tái đi tái lại nhiều lần… khiến viêm amidan.
Đặc biệt, với trẻ có tiền sử mắc các bệnh viêm xoang, viêm mũi họng có nguy cơ mắc bệnh viêm amidan cao hơn so với người bình thường; hoặc những trẻ đã từng mắc viêm amidan mạn tính, amidan hốc mủ rất dễ bị tái phát trong thời điểm này.
Bác sĩ Phúc Anh cho biết, amidan bị viêm trên 5 lần/năm mà không điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng như: áp xe amidan, áp xe thành sau họng, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn huyết, viêm mủ hạch cổ, viêm mũi xoang…Hiện nay, phương pháp phẫu thuật cắt amidan và nạo VA đã hiện đại, tiến bộ rất nhiều, ít xâm lấn, ít gây biến chứng sau mổ cũng như thời gian hồi phục nhanh.