“Những mẩu vụn triết học” của Søren Kierkegaard – người được mệnh danh “ông tổ chủ nghĩa hiện sinh” – nghiên cứu vai trò của đức tin và tôn giáo.
Tập triết luận nổi tiếng của Søren Kierkegaard – Những mẩu vụn triết học (tên tiếng Đan Mạch: Philospphiske Smuler, eller en Smule Philosophi) ra mắt bạn đọc trong nước vào tháng 3, qua bản dịch từ tiếng Anh của Nguyễn Nguyên Phước.
Trong sách, Kierkegaard dẫn dắt người đọc tìm hiểu triết học, đào sâu mối liên hệ giữa tôn giáo với tri thức và lịch sử. Thông qua cuộc khảo luận này, tác giả kết luận: Đức tin không thể giải thích qua tri thức hay logic mà chỉ có thể hiểu được nhờ tính nội tại và tự thân. Từ đó, ông đặt nền tảng cho triết học hiện sinh.
Dưới bút danh Johannes Climacus, Kierkegaard phân tích triết học dựa trên những nhận định của nhiều triết gia vĩ đại. Trong tác phẩm, Kierkegaard tìm hướng tư duy trong mê cung của những suy tưởng, khám phá cách niềm tin tôn giáo giao thoa với lý trí. Qua những quan điểm khác biệt, ông mời gọi độc giả nỗ lực trong việc hiểu về bản chất bí ẩn của niềm tin và sự khó nắm bắt của chân lý.
Theo tác giả, con người đang đối mặt với nhiều thách thức hình thành từ đức tin, từ đó phải đưa ra nhiều quyết định khó khăn trong cuộc sống. Kierkegaard giao nhiệm vụ khám phá ý nghĩa các tác phẩm của mình cho người đọc, bởi “chỉ có khó khăn mới truyền cảm hứng cho những trái tim cao thượng”.
Tác phẩm có đoạn: “Tôi không thể nào chứng minh được sự tồn tại của Thượng đế bằng cái trật tự của vạn vật. Nếu tôi cứ cố làm, thì tôi sẽ chẳng bao giờ hoàn tất được nó, mà sẽ phải sống trong tình trạng chờ đợi, bất định, luôn e sợ một cái gì đó kinh khủng sẽ xảy ra khiến cho cái phần chứng minh nho nhỏ của tôi bị sụp đổ”.
Dịch giả Nguyễn Nguyên Phước nhận định: “Sách của Kierkegaard tung ra những nhát búa giáng thẳng vào Hệ thống triết học Hegel. Tác phẩm tập trung tấn công vào chỗ mà nó cho rằng đó là khiếm khuyết lớn nhất của Hệ thống triết học Hegel: Tôn giáo. Cho đến nay, sau gần hai trăm năm ra đời, Những mẩu vụn triết học vẫn được coi là tác phẩm lớn và quan trọng của triết học và thần học”.
Trên Goodreads, tác phẩm nhận về ý kiến trái chiều từ độc giả. Tài khoản Justin Evans cho rằng Những mẩu vụn triết học chứa đựng lượng lớn kiến thức về triết học. “Phần lớn chủ đề được nói đến đều mang tính thần học: Chúa Kitô là gì, Thiên Chúa là gì, con người liên hệ với nhau như thế nào? Những điều này phức tạp hơn bạn nghĩ”, Evans viết. Tuy nhiên, một số người nhận xét sách khó đọc, nhất là với những người lần đầu tìm hiểu về triết học hiện sinh.
Triết gia Søren Kierkegaard (1813-1855) là một trong hai tác giả lừng lẫy nhất của Đan Mạch, bên cạnh nhà văn Hans Christian Andersen (1805-1875). Tác giả được biết đến là “ông tổ của chủ nghĩa hiện sinh”. Các tác phẩm tiêu biểu của Kierkegaard gồm Kính sợ và run rẩy (1843), Lặp lại (1843), Hoặc là hoặc là (1843), Ý niệm về nỗi lo sợ (1844), Những chặng đường đời (1845), Tái bút kết luận phi khoa học đối với những mẩu vụn triết học (1846), Bệnh đến nỗi chết (1849).
Trong cuốn Kierkegaard and Socrates: A Study in Philosophy and Faith (2006) của nhà triết học Jacob Howland, tác giả cho biết Kierkegaard có sở thích lấy bút danh để trình bày những vấn đề phức tạp, mỗi quan điểm sẽ có một bút danh khác nhau. Ngoài ra, việc sử dụng bút danh cho phép Kierkegaard tách mình khỏi những ý tưởng được thể hiện trong tác phẩm của mình, tạo sự trung lập giữa niềm tin của mình và những khái niệm mà ông trình bày. Một số bút danh khác của Kierkegaard gồm Johannes de Silentio, Inter et Inter.
Trước Những mẩu vụn của triết học, một số tác phẩm của ông được chuyển ngữ sang tiếng Việt như: Lặp lại, Kính sợ và Run rẩy, Nhật ký kẻ mị tình.
Quế Chi
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhung-mau-vun-triet-hoc-vai-tro-cua-duc-tin-va-ton-giao-4726782.html