Hà NộiTác giả tiểu thuyết ”Kiến” nói một trong những mục đích của viết văn là mở cánh cửa tri thức cho bạn đọc.
Ở buổi giao lưu tại Thư viện Quốc gia, ngày 16/3, Werber nói hạnh phúc khi lần đầu được gặp và trò chuyện với bạn đọc Việt Nam. Bạn đọc trong nước biết đến tác giả Pháp qua loạt tiểu thuyết như Kiến – gồm các tập Kiến, Ngày của kiến và Cách mạng kiến, và cuốn Chiếc hộp Pandora.
Weber cho rằng một nhà văn giỏi cần đi nhiều, quan sát nhiều, gần gũi độc giả để hiểu họ cần gì, đồng thời ông không dừng lại ở việc kể chuyện mà mong muốn làm sao đánh thức suy nghĩ độc giả. Do đó, trong sách của mình, ông thường đặt ra những câu đố, kích thích trí tò mò của người đọc, giúp họ suy luận ra các vấn đề bình thường họ ít quan tâm.
Ông lấy dẫn chứng bộ ba tác phẩm Kiến, xuất bản trong sáu năm, từ 1991 đến 1996. Khoảng 20 tuổi, khi làm phóng sự về loài kiến safari ở châu Phi, ông từng suýt mất mạng vì bị chúng tấn công. Thế nhưng, tình huống đã giúp tác giả thêm kinh nghiệm viết sách.
Nội dung trong các tác phẩm về kiến tổng hợp từ những quan sát của nhà văn, được khoa học kiểm nghiệm. Ông khắc họa rõ đặc tính sinh vật, đồng thời nhân cách hóa chúng để gửi góc nhìn về các vấn đề trong cuộc sống.
Sau Kiến, nhà văn sáng tác các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Năm 2018, ông ra mắt cuốn Chiếc hộp Pandora, đưa khái niệm văn chương mới là “triết lý viễn tưởng”. Sách được dịch giả Phùng Hồng Minh chuyển ngữ tiếng Việt, Nhã Nam phát hành tháng 5/2023. Ông cho biết con người không thể giới hạn suy nghĩ mà phải có cái nhìn rộng hơn, vượt thời gian và không gian. Vì vậy, ông đề cập câu chuyện của kiếp trước trong sách, như một cách khai phóng tâm thức.
Trước câu hỏi của điều phối chương trình – tiến sĩ văn học Nguyễn Quyên: ”Tại sao ông dùng cốt truyện trinh thám làm khung cho mọi sáng tác, từ Kiến đến Chiếc hộp Pandora“, Werber lý giải đây là khía cạnh có thể thu hút độc giả. Ông cho biết các tác phẩm trinh thám luôn là cuộc chạy đua của bạn đọc, khi họ luôn muốn tìm thấy thủ phạm trước người viết. Werber mong mỗi cuốn sách là một trò chơi mà nhà văn đề xuất với người đọc.
Để đạt thành công, nhà văn đặt ra kỷ luật viết lách nghiêm ngặt. Thời gian đầu, Werber không nghĩ mình có thể viết tốt, song ông luôn cố gắng duy trì mỗi ngày, ví dụ làm việc từ 8h đến 12h30. Bên cạnh đó, niềm yêu thích là yếu tố quan trọng, giúp các cây bút tạo nên những tác phẩm tốt nhất, theo Werber. Tại sự kiện, ông cho rằng chỉ cần trả lời câu hỏi có thích viết hay không, mỗi người sẽ biết liệu mình có thể trở thành nhà văn. Ông khuyến khích mỗi người nên xác định điều bản thân thích là gì, từ đó dám từ bỏ công việc không còn phù hợp, vượt khỏi vùng an toàn.
Nhà văn Bernard Werber, 63 tuổi, sinh tại Toulouse (Pháp). Năm 1982, Werber nhập học trường báo chí Paris. Tác giả thường viết những bài phóng sự in trên một nhật báo ở Cambrai, trước khi giành giải phóng viên trẻ xuất sắc do Quỹ thông tin Pháp trao tặng. Bài phóng sự lớn đầu tay của ông có chủ đề về loài kiến safari ở Bờ biển Ngà. Khi quay về Pháp, tác giả làm việc tự do cho nhiều tờ báo, trước khi tiếp quản mục khoa học của tờ Le Nouvel Observateur trong bảy năm.
Phương Linh
Nguồn tin: https://vnexpress.net/bernard-werber-nha-van-nen-danh-thuc-suy-nghi-cua-doc-gia-4723282.html