Xiaomi mới đây đã giới thiệu mẫu smartwatch mới nhất mang tên Xiaomi Watch 2. Chiếc đồng hồ này đánh dấu sự hợp tác giữa Xiaomi và Google trong việc tích hợp hệ điều hành WearOS, hứa hẹn mang lại trải nghiệm thông minh và tiện lợi hơn cho người dùng so với các hệ điều hành RTOS thường thấy. Với thiết kế tinh tế và hàng loạt tính năng đáng chú ý, sản phẩm này không chỉ nhắm đến người dùng yêu công nghệ mà còn hướng tới những ai đam mê thể thao và chăm sóc sức khỏe cá nhân.
Ưu điểm của Xiaomi Watch 2
Thiết kế và màn hình
Xiaomi Watch 2 thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên với thiết kế sang trọng và hiện đại. Đồng hồ sử dụng mặt đồng hồ tròn cổ điển, khung viền nhôm chắc chắn và cao cấp. Kích thước 47mm mang lại vẻ ngoài đậm chất thể thao, tuy nhiên, điều này có thể không phù hợp với những người có cổ tay nhỏ.
Dây đeo 22mm của đồng hồ có thể tháo rời và thay thế. Có khá nhiều tuỳ chọn dây đeo để người dùng lựa chọn như dây TPU màu xanh, dây da, dây vải bện, Trong quá trình sử dụng, với chiếc cổ tay khá bé của mình, tôi gặp vấn đề mỗi lần tháo lắp dây đeo của đồng hồ bởi nó quá rít. Cá nhân tôi cũng không thích kiểu dây đeo này lắm vì thiết kế không thực sự tiện lợi.
Về màn hình, Xiaomi Watch 2 trang bị màn hình AMOLED 1,43 inch, với độ phân giải 466 x 466 và độ sáng 600 nits, hiển thị hình ảnh sắc nét và màu sắc sống động. Đặc biệt, tính năng Always On Display và kho mặt đồng hồ tuỳ chỉnh đa dạng giúp người dùng có thể cá nhân hóa chiếc đồng hồ của mình một cách tối đa.
Để tuỳ chỉnh mặt đồng hồ, người dùng có thể truy cập ứng dụng Mi Fitness để cài đặt thêm các mặt đồng hồ mới. Do sử dụng hệ điều hành WearOS, người dùng thậm chí còn có thể tải thêm về từ kho ứng dụng Google Play, tuy nhiên các mặt đồng hồ có sẵn của Xiaomi đã quá đẹp để sử dụng rồi.
Giao diện và tính năng
Chạy trên nền tảng WearOS 3.5 cùng con chip Snapdragon W5+ Gen 1 và RAM 2GB, bộ nhớ 32GB, Xiaomi Watch 2 mang đến trải nghiệm mượt mà và ổn định. Giao diện người dùng gần gũi với HyperOS trên Watch S3 nhưng được bổ sung thêm kho ứng dụng Google Play, mở ra hàng loạt lựa chọn phong phú cho người dùng.
Nhờ có các dịch vụ Google, Xiaomi Watch 2 cho phép người dùng khả năng tương tác với Google Maps trực tiếp trên đồng hồ giúp việc điều hướng trở nên tiện lợi hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, việc có thể tải về các ứng dụng bên thứ 3 cũng giúp đồng hồ “đa-zi-năng” hơn. Ví dụ tôi có thể tải về ứng dụng Spotify để nghe/tải nhạc, Shazam để tìm kiếm nhạc theo giai điệu, ứng dụng Ghi chú để ghi lại nhật ký bằng giọng nói hoặc các ứng dụng To-do List để lên danh sách và quản lý các việc cần làm trong ngày một cách nhanh chóng, hay thậm chí là chơi cả game trên chính mặt đồng hồ (dù nó khá là vô nghĩa).
Có thể thấy đây chính là ưu điểm vượt trội của Watch 2 chạy trên nền tảng WearOS khi so với các mẫu smartwatch chạy RTOS khác, mà cụ thể là chiếc Xiaomi Watch S3 cũng được chúng tôi trên tay trong bài viết trước. Chiếc Watch S3 vốn không thể cài đặt các ứng dụng bên thứ 3, do đó khả năng cá nhân hoá tuỳ chỉnh các tính năng đồng hồ là rất hạn chế.
Trong quá trình trải nghiệm, tôi gặp một số vấn đề với ứng dụng Google Pay (Wallet – Ví) khiến trải nghiệm không hoàn hảo như kỳ vọng. Cụ thể, mặc dù đã đăng nhập tài khoản trên điện thoại ghép nối, thêm thẻ thành công vào ứng dụng Wallet, tuy nhiên trên Xiaomi Watch 2, tôi vẫn không thể sử dụng được, ứng dụng báo chưa thêm thẻ và bắt xác thực tài khoản Google, nhưng không thể xác thực được. Có lẽ đây là một vấn đề về phần mềm và Xiaomi cũng như Google sẽ sớm cập nhật trong một bản phần mềm sắp tới.
Ngoài ra, một ưu điểm nữa của Watch 2 khi chạy WearOS của Google là các ứng dụng đẩy thông báo đều hỗ trợ hiển thị biểu tượng ứng dụng đầy đủ, với một số ứng dụng thì thậm chí ảnh đại diện của người gửi cũng được đính kèm. Bên cạnh đó, Watch 2 cũng hỗ trợ hiển thị cả các biểu tượng cảm xúc hoàn chỉnh mà không bị lỗi, các thông báo nội dung dài cũng hiển thị đầy đủ.
Sức khỏe và luyện tập
Là một mẫu smartwatch thì không thể không kể tới các tính năng sức khoẻ. Xiaomi Watch 2 có đa dạng các tính năng này. Đồng hồ cung cấp đo lường nhịp tim liên tục với độ chính xác cao, cảm biến SpO2 để theo dõi nồng độ oxy trong máu, và khả năng theo dõi giấc ngủ, giúp người dùng có cái nhìn tổng quan và chi tiết về trạng thái sức khỏe của bản thân.
Các chỉ số sức khỏe được thu thập một cách chính xác và hiển thị trực quan trong ứng dụng Mi Fitness, giúp người dùng dễ dàng theo dõi và phân tích dữ liệu sức khỏe của mình, từ đó tìm ra các giải pháp cho các vấn đề sức khoẻ và có thể cải thiện một cách nhanh chóng.
Xiaomi Watch 2 hỗ trợ hơn 160 chế độ thể thao với mô hình thuật toán chuyên nghiệp được tối ưu hóa, cung cấp cho người dùng dữ liệu tập luyện chính xác hơn, từ đó giúp quá trình tập luyện của bạn trở nên khoa học và hiệu quả hơn. Trên thực tế, tôi không phải là một người ham tập luyện thể dục thể thao. Với tôi, mỗi ngày đi/chạy bộ đủ 8.000 bước cũng như thỉnh thoảng chơi cầu lông là đã đạt chỉ tiêu về sức khoẻ rồi. Nhưng nếu bạn có nhu cầu luyện tập thể dục thể thao cường độ cao hơn thì chiếc Watch 2 này vẫn hoàn toàn đáp ứng. Tất nhiên, Xiaomi Watch 2 hỗ trợ đồng bộ dữ liệu với Strava, nền tảng mà bất cứ dân yêu thể dục thể thao nào cũng biết.
Xiaomi trang bị cho Watch 2 hệ thống định vị băng tần kép L1+L5, tương thích với các dịch vụ định vị như GPS, Galileo, Glonass, Beidou, QZSS. Việc trang bị hệ thống định vị băng tần kép giúp người dùng theo dõi và vẽ bản đồ khi tập luyện một cách chính xác hơn, chỉ đường hiệu quả hơn.
Sự đánh đổi
Kích thước và dây đeo
Kích thước 47mm của Xiaomi Watch 2 có thể không phù hợp với người dùng có cổ tay nhỏ, tạo cảm giác cồng kềnh khi đeo, nếu đeo lên thì trông cũng khá thô chứ không được đẹp. Ngoài ra, dây đeo TPU mặc định, mặc dù có thể tháo rời và thay thế, nhưng việc tháo và đeo lại không hề đơn giản, đặc biệt là đối với những người có cổ tay nhỏ, điều này có thể gây ra bất tiện trong quá trình sử dụng. Dù đã sử dụng chiếc đồng hồ này được khoảng một tuần, tuy nhiên tôi vẫn luôn gặp vấn đề mỗi khi tháo dây đeo để sạc.
Tính năng và tương thích
Mặc dù hỗ trợ Google Pay, nhưng một số vấn đề về việc hiển thị thẻ thanh toán trên đồng hồ khiến trải nghiệm không trọn vẹn. Ngoài ra, đồng hồ chưa hỗ trợ thông báo và nhận cuộc gọi từ các ứng dụng nhắn tin bên thứ ba như Zalo, Messenger, tuy vậy thì đây không hoàn toàn là một nhược điểm đáng lo ngại bởi hầu hết trên thị trường, rất ít đồng hồ có khả năng nhận thông báo cuộc gọi của ứng dụng bên thứ 3.
Bên cạnh đó, do chạy trên nền tảng WearOS nên Xiaomi Watch 2 chỉ có thể ghép nối với điện thoại Android. Với người dùng iPhone thì có lẽ họ nên cân nhắc lựa chọn các đồng hồ khác để có trải nghiệm trọn vẹn nhất.
Thời lượng pin
Sử dụng WearOS đồng nghĩa với việc thời lượng pin của Xiaomi Watch 2 không được lâu như các đồng hồ chạy RTOS. Theo Xiaomi tuyên bố thì Watch 2 có thể cung cấp thời lượng dùng pin lên tới 65 giờ. Trên thực tế, với nhu cầu sử dụng ở mức cơ bản thì Watch 2 có thể trụ được khoảng 2 ngày sử dụng, và khi bật tính năng Always On Display, sử dụng nhiều ứng dụng cũng như nhận thông báo cường độ cao, thời lượng pin còn giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 1 ngày.
Bù lại, Xiaomi Watch 2 hỗ trợ sạc nhanh, có thể sạc đầy 100% pin chỉ trong 45 phút. Dây sạc từ tính tặng kèm sẵn trong hộp.
Tổng kết
Xiaomi Watch 2 là một sản phẩm đáng giá với những ai muốn trải nghiệm hệ điều hành WearOS cùng với nhiều tính năng sức khỏe và luyện tập tiên tiến. Tuy nhiên, một số hạn chế như kích thước, thời lượng pin, và tính tương thích cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Với mức giá chính hãng chỉ hơn 4 triệu, Xiaomi Watch 2 vẫn là một lựa chọn hấp dẫn, nhất là đối với người dùng Android muốn khám phá và tận dụng tối đa công nghệ trên một chiếc đồng hồ thông minh.
[Box thông tin shop] – GK – Xiaomi Watch 2
Nguồn tin: https://genk.vn/mot-tuan-trai-nghiem-xiaomi-watch-2-dung-wearos-cua-google-sieu-tien-loi-nhung-phai-danh-doi-dieu-nay-20240321235015231.chn