Luật sư Nguyễn Thu Trang, Văn phòng Luật sư Hưng Đạo Thăng Long cho biết, Điều 11 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về chấp hành báo hiệu đường bộ như sau:
Người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ.
Khi có người điều khiển giao thông thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông.
Tại nơi có biển báo hiệu cố định lại có báo hiệu tạm thời thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của báo hiệu tạm thời.
Tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.
Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.
Ngoài ra, Điều 4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 41:2016/BGTVT về báo hiệu đường bộ, có quy định:
Khi đồng thời bố trí các hình thức báo hiệu có ý nghĩa khác nhau cùng ở một khu vực, người tham gia giao thông phải chấp hành loại hiệu lệnh theo thứ tự như sau:
Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
Hiệu lệnh của đèn tín hiệu;
Hiệu lệnh của biển báo hiệu;
Hiệu lệnh của vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường.
Khi ở một vị trí đã có biển báo hiệu đặt cố định lại có biển báo hiệu khác đặt có tính chất tạm thời mà hai biển có ý nghĩa khác nhau thì người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh của biển báo hiệu có tính chất tạm thời. Biển có tính chất tạm thời là biển sử dụng mang tính tình huống nhằm tổ chức điều khiển giao thông có tính chất ngắn hạn như trong các sự kiện, sự cố giao thông hay sử dụng trong quá trình thi công hoặc sửa chữa đường.
Như vậy, theo quy định khi tham gia giao thông có cả tín hiệu giao thông và hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông phải thực hiện theo hiệu lệnh của điều khiển giao thông. Với trường hợp trên khi có đèn đỏ nhưng cảnh sát yêu cầu phải di chuyển thì người điều khiển phải thực hiện việc di chuyển theo hiệu lệnh của cảnh sát. Khi này vượt đèn đỏ sẽ không bị phạt.
Ngoài ra, Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì người vi phạm lỗi vượt đèn đỏ sẽ không bị phạt trong một số trường hợp sau:
Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết;
Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng;
Nguồn tin: https://laodong.vn/xe/truong-hop-xe-vuot-den-do-khong-bi-phat-1316569.ldo