Ông Nguyễn Xuân Tài (70 tuổi, Quận 3) – đi khám tầm soát glaucoma tại Trung tâm Y tế Quận 3, TPHCM – chia sẻ: “Trước đó, tôi không biết gì về căn bệnh glaucoma (bệnh glôcôm) này. Một lần đi khám bệnh, được mời tầm soát thử nên tôi tham gia kiểm tra xem mắt mình có vấn đề gì không. Tôi chưa nghe hay biết gì về căn bệnh này, cũng lo lắng mình sẽ mắc phải nên xin thử khám, cũng may mắn mắt tôi được bác sĩ bảo còn khá tốt”.
Cô Hoàng Thị Hòa (65 tuổi, Quận 3) cũng chia sẻ: “Mắt tôi mấy năm gần đây nhìn hơi mờ do mình lớn tuổi rồi, cũng không biết gặp tình trạng gì về bệnh lý nào không, chỉ thấy ngủ dậy mở mắt khó khăn, có màn sương, thị lực yếu hơn trước, thỉnh thoảng mắt bị khô, đau nhức nhẹ. Tôi cứ đi khám cho chắc ăn.
Khi đến thăm khám mới biết đến loại bệnh glaucoma, tôi cũng lo lắng bản thân sẽ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này, may mắn không bị, sau này tôi phải thường xuyên thăm khám, kiểm tra mắt để đảm bảo an toàn”.
Ngoài những bệnh nhân lớn tuổi khám tại Bệnh viện Mắt TPHCM, nhiều người dân cũng đến tham gia tầm soát glaucoma tại Trung tâm Y tế Quận 3, TPHCM.
Trong chương trình khám miễn phí năm nay, áp dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) EyeDr tầm soát bệnh glaucoma bằng cách chụp ảnh màu gai thị để phát hiện bệnh sớm, độ nhạy đạt 90%, độ chuyên biệt đạt 93%. Ứng dụng này đã giành giải nhì Giải thưởng Sáng tạo TPHCM, tháng 8.2023.
Theo Bệnh viện Mắt TPHCM, trước đây, để khám tầm soát cho một người bệnh glaucoma, bệnh viện phải sắp xếp bố trí nhiều nhân lực và người bệnh phải chờ 15-20 phút mới hoàn tất công đoạn chẩn đoán bệnh.
Đơn cử, hàng năm để tầm soát khoảng 300 người dân, bệnh viện phải huy động 10 bác sĩ chuyên khoa, 20 điều dưỡng, khám trong một buổi (4 giờ đồng hồ).
Như vậy, bác sĩ phải mất 40 giờ chỉ để khám cho 300 người. Những vấn đề về công tác tổ chức như tiếp đón, nhận bệnh, lưu trữ, công tác hậu cần, an ninh trật tự cũng cần đến 30 người hỗ trợ.
TS.BS. Phạm Thị Thủy Tiên – đại diện nhóm nghiên cứu về công nghệ này – cho biết, điều đặc biệt khi ứng dụng phần mềm EyeDr vào phát hiện bệnh, các bệnh viện kể cả tuyến quận huyện, trung tâm y tế phường xã, chỉ cần trang bị thiết bị chụp được ảnh gai thị là hoàn toàn có thể tầm soát sớm bệnh lý đáy mắt cho người bệnh mà không cần sự hiện diện trực tiếp của bác sĩ hay chuyên gia glaucoma.
Đồng thời, các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt cũng có thể ứng dụng phần mềm như một phương tiện Telehealth cho những vùng sâu, vùng xa.
BS Nguyễn Ngô Thúy Hằng – Trưởng Khoa Mắt Trung tâm Y tế Quận 3 – cho biết, bệnh lý glaucoma là bệnh gây ảnh hưởng đến đầu thị thần kinh, biểu hiện trên lâm sàng là bệnh nhân sẽ bị mất thị trường, đi kèm theo đó là giảm sút về thị lực. Đây cũng là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ hai trên thế giới. Biểu hiện bệnh thường âm thầm, không triệu chứng, bệnh chỉ được phát hiện khi bệnh nhân cảm thấy đau nhức mắt, mờ mắt… Càng lớn tuổi tỉ lệ mắc bệnh càng cao.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động thường xuyên kiểm tra, thăm khám mắt để kịp thời phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.