LÃI SUẤT LIÊN NGÂN HÀNG VND NEO CAO
Chốt ngày 14/4, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 5,45% (+0,39 % so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 5,52% (+0,32 %); 2 tuần 5,53% (+0,20 %); 1 tháng 5,63% (+0,07 %).
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng – giảm nhẹ qua các phiên. Phiên cuối tuần 14/4, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 4,62% (-0,01 %); 1 tuần 4,74% (-0,01 %); 2 tuần 4,88% (không thay đổi) và 1 tháng 5% (không thay đổi).
Thống kê của nhóm nghiên cứu MSB cho thấy trên thị trường mở tuần từ 10/4 – 14/4, Ngân hàng Nhà nước chào thầu 160.000 tỷ đồng trên kênh cầm cố, chia đều cho 2 kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, cùng lãi suất 5%. Có 66.781,34 tỷ đồng trúng thầu, có 986,48 tỷ đồng đáo hạn. Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu và cũng không có tín phiếu đáo hạn trong tuần qua. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng ra thị trường 65.794,86 tỷ đồng thông qua nghiệp vụ thị trường mở.
Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố hiện tại tăng lên mức 71.395,77 tỷ VND, tín phiếu Ngân hàng Nhà nước giữ ở mức 110.699,8 tỷ VND.
Ngày 12/4, Kho bạc Nhà nước huy động 8.500 tỷ đồng trái phiếu chính phủ, khối lượng trúng thầu là 7.193 tỷ đồng (đạt 85%). Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 2.000 tỷ gọi thầu, 10 năm là 1.000/2.000 tỷ, 15 năm là 4.193/4.500 tỷ. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn trên lần lượt tại 5 năm 2,8% (không thay đổi so với lần trúng thầu trước); 10 năm 3,28% (-0,02 %), 15 năm 3,4% (không thay đổi). Tuần vừa qua từ 10/4 – 14/4 không có trái phiếu chính phủ đáo hạn.
Về kế hoạch đấu thầu, trong tuần 17/4 – 21/4, Kho bạc Nhà nước dự kiến gọi thầu 7.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Trong đó, kỳ hạn 5 năm gọi 2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm gọi 1.500 tỷ đồng, kỳ hạn 15 năm gọi 3.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30 năm gọi 500 tỷ đồng.
Giá trị giao dịch Outright và Repos (Hợp đồng mua lại) trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5.205 tỷ đồng/phiên, giảm mạnh so với mức 8.285 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Trong tuần qua, lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục giảm ở hầu hết các kỳ hạn, ngoại trừ kỳ hạn 30 năm. Chốt phiên 14/4, lợi suất trái phiếu chính phủ giao dịch quanh 1 năm 2,7% (-0,08%); 2 năm 2,72% (-0,15 %); 3 năm 2,75% (-0,05 %); 5 năm 2,79% (-0,09 %); 7 năm 2,98% (-0,08 %); 10 năm 3,29% (-0,08 %); 15 năm 3,42% (-0,1 %); 30 năm 3,88% (không thay đổi).
TỶ GIÁ TIẾP TỤC HẠ NHIỆT
Trong tuần từ 10/4 – 14/4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng – giảm nhẹ 4 phiên đầu tuần, phiên cuối tuần giảm mạnh 18 đồng. Chốt ngày 14/4, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.588 VND/USD, giảm 15 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.450 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay được niêm yết ở mức 24.717 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục giao dịch quanh mức giá mua của Ngân hàng Nhà nước. Chốt phiên cuối tuần 14/4, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.450 VND/USD, không thay đổi so với phiên cuối tuần trước đó.
Tỷ giá trên thị trường tự do biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 14/4, tỷ giá tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra so với tuần trước đó, giao dịch tại 23.400 VND/USD và 23.450 VND/USD.
Tỷ giá hạ nhiệt trong bối cảnh đồng USD suy yếu. Thị trường dự báo Fed sẽ có một đợt tăng lãi suất 0,25% vào đầu tháng 5/2023, sau đó sẽ tạm ngừng lộ trình tăng lãi suất do kinh tế Mỹ được dự báo sẽ suy thoái nhẹ trong năm 2023.
Chốt phiên 14/4, tỷ giá VND/USD tự do giảm 10 đồng ở chiều mua vào và 20 đồng ở chiều bán ra so với tuần trước đó, giao dịch tại 23.400 VND/USD và 23.450 VND/USD.
Tuần trước, Fed công bố biên bản họp của Ủy Ban Thị Trường Mở Liên Bang (FOMC) tháng 3/2023. Trong văn bản này, FOMC dự báo GDP Mỹ sẽ tăng trưởng thấp trong năm nay, thị trường lao động sẽ nới lỏng dần. Với những ảnh hưởng từ lĩnh vực ngân hàng, nước Mỹ có thể có một đợt suy thoái nhẹ vào cuối năm, song sẽ hồi phục ở 2 năm sau đó. Chỉ số PCE toàn phần và PCE lõi được dự báo lần lượt tăng 2,8% và 3,5% trong năm nay.
Trong bối cảnh hiện tại, FOMC sẽ tập trung cao độ vào rủi ro lạm phát, kiên định với mục tiêu đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% trong dài hạn. Do vậy, việc nâng lãi suất cơ sở thêm 25 điểm cơ bản là phù hợp để đạt được mục tiêu trên. Một số thành viên nhấn mạnh, với lạm phát cao liên tục và kinh tế tăng trưởng mạnh như hiện nay, mức tăng 50 điểm là phù hợp trong trường hợp không có những diễn biến vừa qua. Việc tăng 25 điểm lần này sẽ giúp FOMC có thêm thời gian đánh giá tác động từ những sự cố ngân hàng tới điều kiện tín dụng và nền kinh tế.
Liên quan tới kinh tế Mỹ, chỉ số CPI toàn phần tháng 3 tăng 5% so với cùng kỳ năm trước (y/y), thấp hơn mức tăng 6% của tháng 2 và thấp hơn mức tăng 5,1% theo dự báo. Đây cũng là mức tăng CPI y/y toàn phần thấp nhất kể từ tháng 5/2021. CPI lõi tại Mỹ trong tháng vừa qua tăng 0,4%, nối tiếp đà tăng 0,5% của tháng 2 và khớp với dự báo. So với cùng kỳ 2022, CPI lõi trong tháng 3 tăng 5,6% y/y.
Tại thị trường lao động, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 8/4 ở mức 239 nghìn đơn, tăng lên từ 228 nghìn đơn của tuần trước đó và vượt qua mức 233 nghìn đơn theo dự báo. Doanh số bán lẻ lõi và doanh số bán lẻ toàn phần tháng 3 tại Mỹ lần lượt giảm 0,8% và 1,0% so với tháng 2. Cuối cùng, chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Mỹ do Đại học Michigan khảo sát được ở mức 63,5 điểm trong tháng 4, trái với dự báo đi ngang ở mức 62 điểm.
Trên toàn cầu, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hạ nhẹ triển vọng kinh tế thế giới trong báo cáo vừa công bố. IMF nhận định kinh tế thế giới đang ở thời điểm bất ổn, tích lũy từ các cú sốc trong 3 năm qua do Covid-19 và chiến tranh Nga – Ukraine. Tổ chức này dự báo kinh tế thế giới năm 2023 tăng 2,8% (-0,1 đpt so với dự báo tháng 1).
IMF dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 5,8% trong năm 2023, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN còn OECD dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% – cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong đó, IMF dự báo GDP của Mỹ tăng 1,3% (+0,1 %); Khu vực Euro tăng 1,6% (+0,2 %), Nhật Bản tăng 1,3% (-0,5 %) và Anh giảm 0,3% (+0,3 %).
Tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, GDP Trung Quốc được dự báo tăng 5,2% trong năm nay (không thay đổi), Ấn Độ tăng 5,9% (không thay đổi).
Nhóm ASEAN5 tăng 4,5% (+0,2 %), trong đó riêng Việt Nam được dự báo tăng trưởng 5,8%, đứng thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Philippines với mức tăng 6%. Cũng về khu vực Châu Á, OECD dự báo GDP Trung Quốc tăng trưởng 5,3%, Ấn độ tăng 5,9%. Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,6% cao nhất khu vực Đông Nam Á; theo sau là: Philippines 5,7%; Indonesia 4,7%; Malaysia 4,0 và Thái Lan 3,8%.