Trong một báo cáo mới đây về CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG), Công ty chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng dự án Dung Quất 2 sẽ tiêu thụ tốt, và kỳ vọng lấp đầy 90% công suất trong năm 2026 nhờ lợi thế về quy mô tiếp tục giảm giá thành sản xuất và thời điểm đi vào hoạt động rơi vào chu kỳ mới.
Cụ thể, kết thúc năm 2023, dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành 45% tiến độ xây dựng. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong nửa đầu năm 2025. BSC kỳ vọng rằng thời điểm đi vào hoạt động nhà máy Dung Quất 2 sẽ rơi vào chu kỳ ngành thép và bất động sản mới.
Nhìn lại các dự án mở rộng trước đây của Hòa Phát, Khu liên hợp thép Hòa Phát Hải Dương (giai đoạn 1: 2010, giai đoạn 2: 2013, giai đoạn 3: 2016) và Dung Quất 1 (2019) đều được lấp đầy nhanh, phù hợp với chu kỳ ngành bất động sản (2013), chu kỳ ngành thép (2016 và 2020 – 2021).
Với việc ngành bất động sản và thép đang ở đáy của chu kỳ, BSC kỳ vọng thời điểm đi vào hoạt động Dung Quất 2 cũng được tính toán rơi vào chu kỳ mới. Cụ thể, BSC cho rằng môi trường pháp lý đã hoàn thiện trong 2022 – 2023, sẽ khơi thông mạnh mẽ nguồn cung bất động sản trong năm 2024 – 2025. Theo đó, ngành thép và ngành Bất động sản sẽ bước vào chu kỳ mới trong 2025 – 2026.
Nhìn lại quá khứ, nhờ nghệ thuật ‘căn giờ’ đúng thời điểm, thị phần của Hòa Phát đã nhanh chóng được mở rộng. Sau Khu liên hợp thép Hòa Phát Hải Dương giai đoạn 1, thị phần của Hòa Phát từ vị trí thứ ba với mức 12% năm 2010 đã tăng lên 15,2% năm 2013, vươn lên vị trí thứ hai, chỉ thấp hơn một chút so với vua thép thời đó là Pomina.
Tháng 6/2014 – dù thị trường bất động sản còn khó khăn và nhu cầu sắt thép chưa khởi sắc, lần đầu tiên sản lượng thép xây dựng tiêu thụ của Hòa Phát đã vượt Pomina và vươn lên giữ vị trí dẫn đầu với 18% thị phần. Trong khi đó, thị phần của bốn doanh nghiệp thép còn lại đều bị sụt giảm.
Ngoài đúng thời điểm, thành công của Hòa Phát còn đến từ đúng công nghệ. Việc đầu tư lò cao tại nhà máy gang thép Hải Dương đã giúp công ty của ông Trần Đình Long tạo ra lợi thế cạnh tranh cực lớn là giá rẻ, nhanh chóng chiếm được thị phần từ các doanh nghiệp sử dụng công nghệ EAF tiêu tốn năng lượng, giá thành cao. Vào năm 2013, lò cao dung tích 350m3 của Hoà Phát là lò cao lớn nhất Việt Nam dù đây vẫn là chiếc lò “mini” mà doanh nghiệp thép Trung Quốc đã ít sử dụng. Hòa Phát tiếp tục xây dựng lò cao dung tích 450m3, đầu tư Khu liên hợp gang thép Dung Quất và duy trì vị trí số 1 cho đến nay.
Báo cáo năm 2014 của Fulbright nhận xét, bên cạnh công nghệ tối ưu hơn, Hòa Phát khi đó còn được hưởng lợi từ chính sách cấm xuất khẩu quặng. Chính sách này khiến giá quặng trong nước giảm mạnh, và đây là nguyên liệu cho lò cao của Hòa Phát, trong khi các doanh nghiệp lò EAF vẫn phải dùng nguyên liệu đầu vào là thép phế.
Theo BSC, dự án Dung Quất 2 đi vào hoạt động sẽ giúp HPG tăng 60% quy mô. Cụ thể, tổng công suất Dung Quất 2 là 5,6 triệu tấn thép, bao gồm 4,6 triệu tấn thép HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt, giúp tăng tổng công suất của HPG lên 14 triệu tấn. Như vậy, Giai đoạn 2 tập trung vào sản phẩm HRC và thép chất lượng cao.
Bên cạnh đó, sau dự án Dung Quất 1, thì sản phẩm HRC của HPG đã có chi phí sản xuất tương đối cạnh tranh tại Châu Á. Trong năm 2023 – ngay cả khi giá thép ở đáy chu kỳ, HPG vẫn có thể đẩy tiêu thụ 315.000 – 325.000 tấn HRC/tháng qua kênh xuất khẩu, tiêu thụ nội bộ sản xuất ống thép và tôn mạ. Do đó, BSC cho rằng dự án Dung Quất 2 sẽ tiếp tục hấp thụ tốt nhờ lợi thế về quy mô sẽ giúp HPG tiết giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh của HRC trong khu vực ASEAN và HPG tiếp tục đẩy nội bộ qua kênh ống thép, tôn mạ, container.|
Nguồn tin: https://cafef.vn/nghe-thuat-can-gio-cua-ty-phu-tran-dinh-long-nha-may-moi-luon-di-vao-hoat-dong-dung-chu-ky-tiep-theo-cua-nganh-thep-va-bds-188240312163026945.chn