Các tên như Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại, Độc Cô Cầu Bại là điểm đặc sắc trong tiểu thuyết Kim Dung.
Dịp 100 năm ngày sinh tiểu thuyết gia Trung Quốc, nhiều hoạt động tưởng niệm được tổ chức tại các nơi gắn liền cuộc đời, sự nghiệp ông. Các đại học tại Trung Quốc cũng tổ chức tọa đàm, diễn giảng về tiểu thuyết Kim Dung. Tờ Southern Weekly nhận định thành tựu của nhà văn trong lĩnh vực truyện kiếm hiệp, 100 năm qua không có ai sánh kịp.
Trí tuệ của Kim Dung không chỉ thể hiện ở các phương diện lịch sử, địa lý, tôn giáo trong 15 bộ tiểu thuyết mà còn ở các chi tiết ông dày công xây dựng nên. Trong đó, phần tên nhân vật vừa thú vị vừa kỳ diệu, góp phần làm nên thế giới kiếm hiệp phong phú, đậm dấu ấn cá nhân của tác giả.
Tên các nhân vật đều có dụng ý, lúc trang trọng, lúc dung tục. Một số tên liên quan tính cách nhân vật, số khác liên quan thân thế, sở thích, nghề nghiệp.
Trong Tiếu ngạo giang hồ, tên Nhậm Ngã Hành – giáo chủ Nhật Nguyệt Thần Giáo – nghĩa là “ta làm việc theo ý ta, tùy ý ta, không gì cản trở nổi ta”. Cái tên đủ lột tả tính cách không sợ trời không sợ đất của Nhậm Ngã Hành.
Truyện Tiếu ngạo giang hồ còn có nhân vật thầy thuốc Bình Nhất Chỉ (từ “Chỉ” nghĩa là ngón tay), cả y thuật và võ công đều cao siêu. Khi cứu người, ông chỉ bắt mạch bằng một ngón tay, khi giết người, y cũng chỉ cần dùng một ngón tay. Nguyên tắc của Bình Nhất Chỉ bất di bất dịch, là cứu một mạng người, giết một mạng người.
Còn ở Thiên Long Bát Bộ, tên gọi Kiều Phong ẩn chứa thân phận nhân vật. Kiều Phong vốn tên Tiêu Phong (Tiêu là họ lớn của người nước Liêu), còn Kiều là họ của cha nuôi nhân vật. Chữ Kiều nghĩa gốc là “giả, đóng giả”. Trong cuộc đời, Kiều Phong cũng điêu đứng vì những bí mật thân thế, hàm oan đổ xuống đầu.
Trong cuốn Tiểu thuyết võ hiệp sử thoại, tác giả Lương Thủ Trung cho rằng cái tên thâm thúy nhất trong truyện Kim Dung là Độc Cô Cầu Bại. Độc Cô Cầu Bại và Đông Phương Bất Bại mang ý nghĩa tương đồng – chỉ những người vô địch thiên hạ, tính tình tự phụ, cực đoan. Nhưng Độc Cô Cầu Bại còn mang ý nghĩa cô độc. Nhân vật này hành tẩu giang hồ, mong mỏi tìm được người đánh bại mình nhưng không toại nguyện, vì thế đành chôn kiếm ở ẩn, làm anh hùng cô độc.
Không ít tên ra đời từ ý thơ văn, điển tích cổ, trong đó có Mạc Sầu (Thần điêu đại hiệp) – xuất phát từ một số bài nhạc, thơ thời Đường. Mạc Sầu vốn có nghĩa là “đừng buồn, không sầu bi”. Trong truyện, Lý Mạc Sầu ban đầu là cô gái xinh đẹp, hiền lành, đáng lẽ sống một đời “không sầu bi” trong cổ mộ. Vì gặp Lục Triển Nguyên, bị phụ tình, nàng biến thành con người tàn ác.
Mục Niệm Từ (Anh hùng xạ điêu), nguồn gốc từ câu trong sách Thượng Thư, thời Chu. Niệm là nhớ, Từ mang nghĩa từ bi, hiền hậu. Tính cách, cuộc đời của nhân vật Mục Niệm Từ y như tên nàng. Sau khi kết duyên với Dương Khang, dù y trở mặt, gian ác thế nào, nàng cũng một mực nhớ về Dương Khang, cảm hóa Dương Khang bằng sự thiện lương, từ bi của nàng.
Trang The Paper gọi tên nhân vật trong truyện Kim Dung là “đại tiệc ngôn ngữ, văn hóa” phương Đông. Nhiều tên gọi thể hiện vốn kiến thức về âm dương ngũ hành, Phật giáo, Đạo giáo. Chẳng hạn nhân vật Hoàng Dược Sư, biệt hiệu Đông Tà, hướng Đông thuộc hành Mộc trong Ngũ hành, nên Hoàng Dược Sư sống ở Đảo Đào Hoa. Tên vợ và con của Hoàng Dược Sư đều có bộ Thảo, nghĩa là đều liên quan “Mộc”.
Hai nhân vật Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh (Tiếu ngạo giang hồ) mang nội hàm triết học Đạo giáo, xuất phát từ ý trong Đạo đức kinh của Lão Tử, chỉ người trí tuệ và năng lực càng cao thì càng khiêm tốn, tương đồng với tính cách của đại hiệp Lệnh Hồ Xung.
Còn Dương Quá xuất phát từ câu trong sách Tả truyện thời Xuân Thu: “Con người ai chẳng có sai lầm, quá mà biết cải, trở thành điều thiện”. Trong truyện Kim Dung, Dương Quá là con của Dương Khang – kẻ từng gây nhiều tội ác. Quách Tĩnh đặt tên cho con trai của Dương Khang là Dương Quá, với mong muốn khi lớn lên, chàng sửa lại các sai lầm của cha, biến ác thành thiện.
Kim Dung sinh ngày 10/3/1924 tại Chiết Giang, tên thật Tra Lương Dung. Ông xây dựng thế giới võ hiệp trong 15 bộ tiểu thuyết, như Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ. Truyện của ông nhiều lần được chuyển thể thành phim, trò chơi điện tử. Theo Straits Times, hơn 300 triệu bản sách truyện Kim Dung được bán ra toàn thế giới. Tác gia qua đời năm 2018 vì tuổi cao, sức yếu.
Nghinh Xuân
Nguồn tin: https://vnexpress.net/loat-ten-doc-nhat-vo-nhi-trong-the-gioi-vo-hiep-kim-dung-4721227.html