Ngày 12.3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, vừa ghi nhận thêm 1 trường hợp tử vong nghi do bệnh dại tại.
Theo thông tin thu thập ban đầu, cuối tháng 12.2023, bệnh nhân nữ là N.T.T (31 tuổi, ngụ thị trấn Thuận Nam, Hàm Thuận Nam) qua nhà hàng xóm thấy một con chó nhỏ (không rõ của ai, được nhà hàng xóm đưa về nuôi) dễ thương nên vuốt ve và bị cắn 1 vết xước vào chân phải, có chảy máu. Chị T chủ quan nên không xử lý vết thương, không đi tiêm vaccine phòng dại.
Sau hơn 2 tháng, đến tối 5.3.2024, bệnh nhân cảm thấy người nóng, mỏi chân, tê chân đứng không vững nên đi khám và uống thuốc theo đơn. Đến ngày 7.3, xuất hiện các triệu chứng như sốt nhẹ, khát nước nhưng không uống được kèm khó thở. Hôm sau, bệnh nhân được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam với triệu chứng sốt, khó thở, mệt, họng đỏ viêm, tê mỏi người, 2 chân hạn chế vận động đi lại, buồn nôn; không uống nước được, khó thở khi nghe tiếng ồn, sợ ánh sáng, lạnh run.
Người nhà xin chuyển viện bệnh nhân đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Tại đây, bệnh nhân được theo dõi, lấy mẫu xét nghiệm và chẩn đoán dại. Ngày 9.3, người nhà thấy bệnh nặng nên xin đưa về nhà và bệnh nhân tử vong sau đó.
Tình trạng con chó cắn bệnh nhân là chó nhỏ, dữ, tổng cộng cắn 3 người nên bị chủ nhà đánh chết. Trung tâm Y tế huyện Hàm Thuận Nam đã thông báo ổ dịch lây truyền từ động vật sang người đến Chi cục Thú y tỉnh. Đồng thời, phối hợp Trạm Y tế thị trấn Thuận Nam điều tra, giám sát ca dại cũng như tư vấn và vận động 2 trường hợp bị chó cắn cùng thời điểm với bệnh nhân đi tiêm vaccine phòng bệnh dại.
Trước đó, ngày 15.2, Bình Thuận cũng xảy ra một ca tử vong vì bệnh dại ở huyện Hàm Tân. Để chủ động phòng, chống bệnh dại, ngành Y tế tỉnh Bình Thuận khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm hoặc đã tiếp xúc với chó, mèo mắc bệnh dại phải được xử lý vết thương ngay theo hướng dẫn, đến ngay điểm tiêm phòng dại để được khám và điều trị dự phòng, tuyệt đối không điều trị bằng thuốc Nam.